Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bảo vật hơn 3.000 tuổi
Thứ hai: 14:45 ngày 08/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong lúc lên núi Đầu Rằm khai thác đá, người dân địa phương phát hiện chiếc bình gốm nằm trong hốc đá.

Cuối năm 2018, bình gốm Đầu Rằm hay còn gọi là gốm Hoàng Tân được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, được xác định có niên đại văn hóa Phùng Nguyên muộn, cách đây hơn 3.000 năm.

Bình gốm Đầu Rằm được phát hiện vào tháng 1/1998. Trong một lần đi khai thác đá, ông Trần Quang Thủy, thợ đập đá ở thôn 1, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên, phát hiện chiếc bình gốm trong một hốc đá của núi Đầu Rằm lớn, gần kề với núi Đầu Rằm nhỏ. Ông Thủy đã cất giữ ở nhà.

Đến ngày 6/3/1998, khi cùng chuyên gia của Viện Khảo cổ học nghiên cứu di tích Đầu Rằm, một cán bộ của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phát hiện chiếc bình gốm ở nhà ông Thủy và sưu tầm. Từ đó, bình gốm được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh với tên gọi đặt theo tên nơi phát hiện.

Bình gốm Đầu Rằm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương.

Bình gốm Đầu Rằm nặng một kg, cao 25,3 cm, chia làm ba phần: miệng đường kính 6,5 cm, vai bình cao 2,3 cm; thân bình cao 16,2 cm; chân đế bình hình vuông với kích thước mỗi cạnh 6,8 cm...

Chiếc bình gốm còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị sứt, vỡ một phần miệng và chân đế, đều là những phần không có hoa văn. Toàn bộ thân bình màu đỏ sẫm, giữ nguyên dáng và hoa văn trang trí.

Theo các nhà nghiên cứu, xương gốm màu xám đen, được làm bằng đất sét mịn nhào kỹ, trộn với vụn vỏ nhuyễn thể. Do đất và vỏ nhuyễn thể được trộn đều với tỷ lệ phù hợp nên thân bình gốm gần như không bị nứt, vênh méo.

Áo gốm mỏng, màu đỏ sẫm, khác hẳn với xương gốm màu xám đen. Áo gốm bằng đất sét mịn, pha với bột thổ hoàng, sau đó được nghiền và lọc kỹ, phủ đều trên bề mặt bằng kỹ thuật nhúng nên tạo ra một lớp áo mỏng đều.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bình gốm được nung ngoài trời, không có lò cố định. Thợ xếp phôi gốm xen lẫn nguyên liệu và đốt. Nhiên liệu thường là củi gỗ nhỏ, khi cháy cho nhiệt độ cao khoảng 700-800 độ Cnhưng nhanh tàn. Do không có buồng lò nên nhiệt độ nung không đều tạo ra những mảng màu khác nhau trên bình gốm. Đây là kiểu nung phổ biến trong thời tiền sơ sử.

Gần miệng bình có một vòi nhỏ đã mất, để lại một lỗ tròn có đường kính khoảng 3 cm. Ảnh: Minh Cương

Cổ nhân Đầu Rằm đã dùng nhiều kỹ thuật để tạo dáng cho chiếc bình như dải cuộn, tức là xương gốm sau khi nhào luyện được nặn thành dải tròn, dài, chắp vào thành hình, sau đó được vuốt, chải, tạo dáng thành thân bình. Để thực hiện kỹ thuật này, thợ thủ công phải đi vòng quanh bình gốm. Mặt trong của bình gốm còn rõ những dấu vết của kỹ thuật dải cuộn.

Chân đế của bình gốm có hình tròn ở trên (để gắn vào thân bình hình tròn), hình vuông ở bên dưới, gồm 4 mặt có tiết diện hình thang. Nó được tạo bằng cách dùng bàn đập, đập từng mảnh, sau đó gắn vào nhau tạo thành một chân đế trên tròn, bên dưới loe vuông ra.

Ngoài ra, người xưa còn dùng kỹ thuật gắn chắp để làm bình. Toàn bộ bình gốm được chia thành 3 phần: miệng và vai bình, thân bình, chân đế. Ba phần này được làm riêng, sau đó được gắn chắp với nhau. Để các phần nối với nhau được chắc chắn, thợ gốm đã đắp thêm một đường chỉ nối cao khoảng 0,5 cm đè lên mối ghép. Đường chỉ này đồng thời tạo thành vai bình gốm.

Vết gắn ở phần thân và chân đế được chế tác theo kiểu nối giáp. Sau khi gắn, thợ thủ công đã miết kỹ lên mối ghép và dùng quy để ấn vào mối ghép. Kỹ thuật này vừa tạo hoa văn vạch chéo vừa làm cho cứng mối ghép. Có thể nói kỹ thuật gắn chắp bình gốm đã đạt đến trình độ cao nên mối ghép khó bị phát hiện, tạo ra được cảm giác như bình được chế tác liền khối.

Bình gốm Đầu Rằm dáng giống một chiếc gùi tre, được trang trí nhiều loại hoa văn và bố cục chặt chẽ. Thân bình, chân đế được chia thành bốn mặt, phản ánh sự nhận thức của con người về mặt đất. Đây là một bước quan trọng để tiến tới nhận thức về phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Phần miệng và vai bình hình tròn, có các hoa văn đường chỉ tròn, trên vai bình trang trí hoa văn sinh thực khí âm. Phần này còn có ý nghĩa tâm linh, tôn thờ tính nữ (âm - mặt trăng), mong muốn sự sinh sôi, nảy nở của con người.

Phần thân bình trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn đắp thêm và hình chữ S. Trong đó chủ đạo là hoa văn hình chữ S đứng. Phần này tôn thờ thiên nhiên như mặt trăng, mặt trời, sấm chớp, mưa gió...

Theo ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, bình gốm Đầu Rằm là vật dụng cao quý, được sử dụng trong các nghi lễ như bát bồng và thố của người Phùng Nguyên vùng đất tổ, của cư dân thời đại kim khí ở Đầu Rằm.

Cho đến nay, trong hàng trăm di tích thời đại tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam, vẫn chưa có một di tích nào phát hiện được bình gốm như bình Đầu Rằm. 

Di tích Đầu Rằm được phát hiện và khai quật năm 1988 với hàng trăm hiện vật có giá trị khoa học và lịch sử. Đây là phức hợp di tích thuộc thời đại kim khí, một dạng của văn hóa Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm và là điển hình về lịch sử cư trú, phát triển liên tục của nền văn hóa biển Hạ Long.

Theo kết luận của các nhà khảo cổ, Đầu Rằm chính là di tích cư trú của người Việt cổ, gồm 2 giai đoạn cách đây 3.500-3.200 năm và 2.500-2.000 năm, tương ứng với thời đại Hùng Vương thời kỳ sơ sử. Ngoài ra, một số địa điểm khác trong khu vực cũng có nội dung văn hóa giống Đầu Rằm, như các di tích núi Cành Chẽ, Châm Chót, Mả Chuông, Hang Son...

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục