Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo vệ người tiêu dùng khi vay tại các công ty tài chính
Thứ ba: 10:00 ngày 13/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hỏi: Hiện nay, nhiều công ty tài chính tổ chức mạng lưới cho người dân vay tiêu dùng rộng khắp, điều kiện cũng dễ dàng nhưng còn xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Xin cho biết, quy định pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam như thế nào? Khi gặp một số trường hợp bị đòi nợ có tính chất đe dọa, hay đòi nợ vô cớ, người dân phải xử lý như thế nào?

Đáp:

Theo quy định tại khoản 16, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì cho vay là hình thức cấp tín dụng. Theo đó, bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Như vậy, cho vay tiêu dùng được xem là một phần trong hoạt động cho vay mà các tổ chức tín dụng có thể sử dụng như một công cụ hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Để cụ thể hóa các quy định về hoạt động cho vay trong Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các Thông tư quy định cụ thể về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thống thay vì vay ở tín dụng đen.

Theo đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, như: chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao, chi phí sửa chữa nhà…, với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng.

Như chúng ta biết, trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, sự phát triển của lĩnh vực tiêu dùng chiếm khoảng 1/2 sự phát triển chung toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính vẫn còn một số bất cập như sau: Còn phát sinh nhiều tranh chấp về các nội dung trong hợp đồng cho vay tiêu dùng như lãi suất, phí, thời hạn trả nợ…; công ty tài chính không ghi nhận, không giải quyết, hoặc kéo dài thời gian giải quyết yêu cầu khiếu nại của khách hàng vay – khả năng khiếu nại của khách hàng gần như bằng không…; có những hành vi đe dọa, quấy rối người tiêu dùng khi nhắc, thu hồi nợ…; thông qua các gói lãi suất ưu đãi, thậm chí gói dịch vụ cho vay tiêu dùng 0% lãi suất để thu hút khách hàng – thực ra là cái bẫy mà nhiều khách hàng thiếu hiểu biết bị mắc…

Nếu gặp một số trường hợp bị đòi nợ có tính chất đe dọa, hay đòi nợ vô cớ, trước hết người dân cần bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay… và nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng. Tiếp theo, cần thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người vay tiền về việc mình bị nhắn tin làm phiền. Có thể chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền, hoặc khóa các bình luận của người lạ trên trang mạng xã hội.
Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức "khủng bố" điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống. Đặc biệt, người dân không nên tùy tiện chuyển tiền theo yêu cầu của người mà mình không biết.

Để hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính đạt hiệu quả cao đồng thời bảo vệ người vay, theo tôi, cần có các giải pháp như: hoàn thiện quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính; hoàn thiện quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nâng cao nhận thức của người vay khi lựa chọn công ty tài chính và ký kết hợp đồng…

Luật sư Phan Văn Vĩnh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục