Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại
Thứ hai: 09:46 ngày 23/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em luôn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Việc trẻ em bị xâm hại không chỉ để lại những ảnh hưởng trên cơ thể mà còn khiến các em bị tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Để hạn chế xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của gia đình và cộng đồng.

Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi tại một phiên toà.

Khoản 5, Điều 4 Luật Trẻ em quy định xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Chế tài xử lý đối với những hành vi xâm hại trẻ em sẽ tùy theo mức độ, tính chất của hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đối tượng thực hiện hành vi chủ yếu lợi dụng sự non nớt của trẻ; gia đình thiếu quan tâm, quản lý để thực hiện hành vi xâm hại. Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để nhắn tin làm quen, kết bạn, dụ dỗ trẻ thực hiện hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ xâm hại thường là bé gái; các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, người quen, thậm chí là người nhà của nạn nhân.

Trong năm 2021 và quý I.2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được 40 vụ. Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, đây chỉ là những con số thống kê thể hiện bề nổi của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, thực ra số lượng trẻ em bị xâm hại nhiều hơn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chính nạn nhân hoặc gia đình biết mà không tố cáo với cơ quan chức năng giải quyết. Tội phạm xâm hại trẻ em được kiềm chế nhưng số vụ án xảy ra vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số vụ vi phạm pháp luật.

Đơn cử, trường hợp cháu N.M.T (sinh năm 2005) bị cha ruột thực hiện hành vi hiếp dâm khi chỉ mới 11 tuổi. Năm 2016, T.V.C (sinh năm 1977, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; tạm trú tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu; cha ruột cháu T) cùng vợ và con gái từ quê lên Bình Dương làm thuê. Do C không xin được việc làm, nên ở lại phòng trọ với con gái là cháu T. Trong thời gian này, C đã quan hệ tình dục nhiều lần với đứa con gái ruột của mình. Năm 2017, C cùng gia đình chuyển đến làm công nhân ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu.

Tại đây, lợi dụng những lúc vợ vắng nhà, C tiếp tục hành vi quan hệ với cháu T. Đến tháng 3.2020, C và cháu T đến làm thuê cho một lò gạch thuộc ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Tại đây, C tiếp tục hành vi đồi bại. Tối 31.7, sau khi nghe con gái kể về hành vi bỉ ổi của cha mình, mẹ của T đã đưa con gái đến Công an xã Hiệp Thạnh trình báo vụ việc. Tại phiên toà, với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu T, trợ giúp viên pháp lý đã bày tỏ quan điểm bảo vệ cho cháu T, đề nghị Hội đồng xét xử xử lý nghiêm hành vi của bị cáo để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Một trợ giúp viên pháp lý cho biết, hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và sự phát triển bình thường của các em. Trên thực tế, có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa được đưa ra pháp luật, gia đình bị hại vì nhiều lý do khác nhau nên không tố giác tội phạm. Cha mẹ, người chăm sóc thiếu hiểu biết về tâm sinh lý, ngại chia sẻ vấn đề giới tính khiến các em chưa có hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, các nội dung độc hại mang tính chất bạo lực, đồi truỵ phát tán tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục xảy ra ở nơi vắng vẻ, vùng nông thôn, nơi trình độ dân trí thấp, người thân không có nhiều thời gian chăm sóc trẻ…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh- Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh giới thiệu những cơ sở pháp lý xử lý đối với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Những năm qua, các vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng luôn được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh quan tâm. Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời phát hiện và cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Phòng tư pháp, Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố tổ chức chương trình truyền thông trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên, nhằm giúp cho các em trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng bảo vệ bản thân.

“Công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại là một công việc đòi hỏi các trợ giúp viên pháp lý phải linh hoạt và có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực và cố gắng hết mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bằng nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả nhất” - Trợ giúp viên pháp lý chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cho rằng cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi bất thường; quan sát những thương tích trên cơ thể, vùng nhạy cảm, dấu hiệu lạ trên quần áo của trẻ. Ngoài ra, gia đình cần hết sức thận trọng khi giao trẻ em cho người khác trông nom, chăm sóc, gần gũi, nhất là trẻ em gái; tăng cường giáo dục về khả năng nhận thức và tự bảo vệ cho trẻ. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm.

Ngành chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, tình dục, quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng để mọi người hiểu, nhận thức đầy đủ, nhằm góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy phép cơ sở kinh doanh dịch vụ như trò chơi điện tử trên internet, bắt buộc phải quy định thời gian, ngăn chặn trang mạng xấu, không phù hợp khiến trẻ bắt chước, ăn chơi hư hỏng và vi phạm pháp luật.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục