BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo vệ và phát triển rừng tại Tây Ninh: Cơ bản hạn chế nạn phá rừng, nhưng quy hoạch 3 loại rừng còn chưa hoàn chỉnh

Cập nhật ngày: 19/07/2010 - 02:23

Tháng 7.2007, tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá VII đã thông qua và ra Nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010. Tháng 8.2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc ban hành quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010. Tháng 3.2008, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Quyết định của UBND về việc ban hành quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010. Sau hơn 2 năm triển khai, tiến độ thực hiện quy hoạch 3 loại rừng đến đâu?

Những cây rừng cổ thụ được bảo vệ tốt

Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2007 Sở NN-PTNT Tây Ninh đã lập dự án rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo quyết định phê duyệt, tổng diện tích đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 là 69.626 ha, trong đó đất có rừng là 43.388 ha, đất chưa có rừng là 14.139 ha và đất khác là 12.099 ha. Diện tích đất lâm nghiệp phân theo 3 loại rừng như sau: rừng đặc dụng 30.848 ha, rừng phòng hộ 29.270 ha và rừng sản xuất là 9.508 ha. Cũng theo quyết định này, có 954 ha đất trước đây là đất lâm nghiệp được điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, trong đó có 790 ha đất có rừng, 58 ha đất chưa có rừng và 106 ha đất khác.

Theo Sở NN-PTNT thì đến nay tỉnh đã xác lập được 4 đơn vị chủ rừng là: Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát; Khu rừng Văn hoá- Lịch sử Chàng Riệc; Khu rừng Văn hoá- Lịch sử núi Bà và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Các khu rừng còn lại do UBND các huyện Tân Châu, Châu Thành và Bến Cầu quản lý. Công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng đã được các chủ rừng giao khoán cho các nhóm hộ thực hiện khá tốt với diện tích nghiệm thu hằng năm đạt khoảng 98% và đã cơ bản hạn chế được nạn phá rừng, lấn chiếm rừng. Công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng được cán hộ nhận khoán thực hiện đầy đủ các công đoạn nên rừng phát triển tốt, khả năng thành rừng cao, hạn chế nạn cháy rừng. Trong những năm qua, các dự án đã bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, từng bước xây dựng và phát triển hệ thống rừng tự nhiên, rừng trồng dọc biên giới, phát huy được tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường- đặc biệt là hồ Dầu Tiếng. Riêng về vốn, các dự án đã đảm bảo cơ chế, chính sách cấp phát vốn đầu tư. Nói chung là từ khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng đến nay vốn rừng được bảo vệ và có phát triển, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao độ che phủ rừng, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, tạo cảnh quan thiên nhiên.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số mặt còn hạn chế, tiến độ triển khai rất chậm. Trước tiên là việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng. Theo Sở NN-PTNT thì ngay từ khi triển khai thực hiện Quy hoạch 3 loại rừng, Sở đã bố trí vốn để thực hiện việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng ngoài thực địa. Thế nhưng đến nay công tác này Sở NN-PTNT vẫn chưa thực hiện được do Sở Tài nguyên và Môi trường có dự án cắm mốc ranh giới cho các nông lâm trường. Để tránh sự trùng lắp, Sở NN-PTNT chưa triển khai việc cắm mốc, chờ Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc xong mới triển khai cắm bổ sung những chỗ còn thiếu. Hạn chế kế đến là việc cấp giấy CNQSSĐ cho các chủ rừng. Từ khi triển khai thực hiện Quy hoạch 3 loại rừng đến nay, chỉ mới có 2 đơn vị chủ rừng được cấp giấy CNQSSĐ là Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát và Khu rừng Văn hoá- Lịch sử núi Bà, còn 2 đơn vị chủ rừng Văn hoa- Lịch sử Chàng Riệc và rừng Phòng hộ Dầu Tiếng thì đến nay chưa được cấp. Việc chưa có giấy CNQSDĐ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các chủ rừng. Về trồng rừng, năm 2008 trở về trước thực hiện không đạt chỉ tiêu, riêng năm 2009 trồng rừng đạt yêu cầu do các địa phương và chủ rừng kiên quyết giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để thiết kế trồng rừng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực đất rừng khoanh nuôi tái sinh tiếp tục bị dân lấn chiếm như ở khu rừng Hoà Hội, huyện Châu Thành, khu vực cầu Sài Gòn, khu vực 552 thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng… Ngoài ra, đối với diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang đất lâm nghiệp vẫn chưa được chuyển giao về cho địa phương quản lý sử dụng.

Tình trạng phá rừng vẫn còn tồn tại

Để việc triển khai thực hiện Quy hoạch 3 loại rừng đạt kết quả tốt, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng còn lại, đồng thời sớm giao diện tích rừng và đất rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp về cho địa phương quản lý. Sở NN-PTNT cũng tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm định suất khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng- ngoài nguồn kinh phí Trung ương, để lực lượng nhận khoán có cuộc sống ổn định hơn, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tốt hơn.

Sơn Trần