Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo thống kê của ngành chức năng, Tây Ninh có gần 30 ngành nghề nông thôn chủ yếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều làng nghề gặp khó khăn.
Theo thống kê của ngành chức năng, Tây Ninh có gần 30 ngành nghề nông thôn chủ yếu. Cách nay nhiều năm, các ngành nghề nông thôn đã hình thành nhiều làng nghề nổi tiếng tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn hộ dân có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều làng nghề gặp khó khăn. Để tạo điều kiện bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, tháng 5.2009 UBND tỉnh ký Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND ban hành quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó xây dựng luận chứng phát triển cụ thể đối với từng huyện, thị và định hướng xây dựng 9 dự án ưu tiên phát triển làng nghề. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch, đến nay hầu hết các làng nghề vẫn tiếp tục… bấp bênh.
Làng nghề mây tre ngày càng hẩm hiu |
Nghề sản xuất các sản phẩm từ mây tre là một trong những nghề truyền thống, có mặt rất lâu đời và thu hút lao động nhiều nhất so với các ngành nghề nông thôn khác ở Tây Ninh. Cách nay hơn 10 năm, nghề thủ công này vẫn còn phát triển rất mạnh. Theo khảo sát của Sở Công nghiệp (cũ), khoảng năm 2003, nghề mây tre đã có mặt đều khắp ở 7 ấp thuộc xã An Hoà, An Tịnh huyện Trảng Bàng và 6 ấp ở huyện Hoà Thành với tổng số hơn 1.000 cơ sở, thu hút hơn 4.200 lao động và doanh thu hàng năm lên đến hơn 80 tỷ đồng… Đến năm 2007, qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổng số hoạt động nghề mây tre trên toàn tỉnh chỉ có hơn 720 hộ với hơn 2.600 lao động- giảm đi đến gần phân nửa so với 5 năm trước. Còn hiện nay thì sao? Ông Hồ Ngọc Quới, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp mây tre Long Thành Trung thuộc huyện Hoà Thành cho biết hoạt động sản xuất mây tre ngày càng khó khăn, khiến số hộ tham gia ngày càng tiếp tục giảm mạnh. Trước đây, làng nghề ở ở ấp Long Kim xã Long Thành Trung từng có đến hơn 400 hộ làm nghề mây tre, nhưng hiện nay còn chưa đến 80 hộ. Hiện nay, số lượng hộ làm nghề này đang có nguy cơ giảm tiếp.
Nguyên nhân sâu xa nhất khiến cho nghề mây tre đang ngày càng mai một là do người làm nghề chủ yếu “tự chòi đạp” trong môi trường sản xuất ngày càng khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là khâu nguyên liệu đầu vào và khâu đầu ra sản phẩm. Do diện tích trồng mây tre tại địa phương ngày càng thu hẹp nên hiện nay phải tìm mua ngày càng xa, chi phí vận chuyển cao khiến cho chi phí đầu vào rất cao. Về thị trường, nói là sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài cho “oai” chứ thực ra có hơn 80% cơ sở chỉ biết “xuất” qua các đơn vị trung gian ở thành phố HCM. Hầu hết cơ sở sản xuất hàng mây tre không xuất khẩu trực tiếp được do thiếu kinh phí mua sắm máy móc làm bóng sản phẩm và thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật chống mối mọt. Từ đó thu nhập người làm nghề ngày càng thấp- trước đây được khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Ở ấp Long Kim nhiều năm trước đây đã từng thành lập HTX mây tre, có được hỗ trợ máy cưa, máy khoan còn không “sống” nỗi, phải giải thể, nói gì đến các hộ cá thể. Nay xã tiếp tục thành lập HTX mây tre nhưng với tình trạng này thì chẳng biết sẽ kéo dài được bao lâu.
Giống như làng nghề mây tre, làng nghề rèn Lộc Trác thuộc xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng nổi tiếng từ xưa nay cũng đang trong tình trạng mai một. Cách nay hơn 30 năm, làng nghề rèn Lộc Trác ở thời kỳ cực thịnh, có đến hơn 200 hộ tham gia với số lượng sản phẩm các loại sản xuất hằng năm lên đến hàng triệu. Sản phẩm làng nghề rèn Lộc Trác được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh, các tỉnh miền Tây, mà còn vượt biên giới sang tận Campuchia. Nghề rèn đã trở thành nghề “cha truyền con nối” ở ấp Lộc Trác. Tuy nhiên, do ngành sản xuất cơ khí ngày càng hiện đại, sản phẩm thủ công khó cạnh tranh nên nghề rèn ngày càng hoạt động khó khăn. Cách nay khoảng 10 năm, theo thống kê của Sở Công nghiệp (cũ) thì làng nghề rèn ở ấp Lộc Trác còn 95 cơ sở, mỗi năm sản xuất được vài trăm ngàn sản phẩm các loại. Năm 2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát lại thì làng nghề rèn Lộc Trác còn khoảng 80 cơ sở hoạt động dưới hình thức hộ gia đình với gần 200 lao động làm việc. Còn hiện nay, ở làng nghề rèn Lộc Trác chỉ còn hơn 30 hộ còn lò rèn, chủ yếu là do những người trung niên hoặc lớn tuổi làm, còn những người trẻ thì đã chuyển sang làm những công việc khác để kiếm sống. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động thủ công, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với các sản phẩm sản xuất theo công nghệ hiện đại. Đồng thời nguyên liệu đầu vào ngày càng hiếm và giá cả ngày càng tăng. Làng nghề rèn Lộc Trác đang “thoi thóp” từng ngày.
Nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn chỉ còn là nghề “tăng thu nhập” |
Thêm một làng nghề truyền thống nữa cũng đang cùng chung số phận với những làng nghề đã nêu. Đó là làng nghề chằm nón lá ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh. Theo bà Huỳnh Thị Nga- Cán bộ Hội phụ nữ xã Ninh Sơn thì nhiều năm trước đây, cả 3 ấp ở xã Ninh Sơn có hàng trăm hộ làm nghề chằm nón lá. Nghề này theo người dân Bình Định vào đây từ hơn 50 năm trước và trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình. Chẳng những nghề chằm nón lá tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động chính mà còn giải quyết được thời gian nhàn rỗi của nhiều thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, làng nghề chằm nón lá cũng không tránh khỏi khó khăn. Nguyên liệu lá để chằm nón ngày càng khan hiếm, hiện nay phải mua tận Campuchia, trong khi thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp do nhu cầu sử dụng giảm đã khiến nghề chằm nón ngày càng bấp bênh. Chị Hà Thị Mỹ Tiên- một người phụ nữ có gần 30 làm nghề chằm nón ở ấp Ninh Thọ cho biết người chằm nón giỏi hiện nay cũng chỉ có thu nhập không hơn 2 triệu đồng/tháng. Do đó có nhiều gia đình phải bỏ nghề truyền thống này để làm nghề khác. Theo UBND thị xã Tây Ninh, hiện nay ở xã Ninh Sơn chỉ còn khoảng 130 hộ còn theo đuổi nghề chằm nón lá, nhưng không còn là nghề tạo thu nhập chính nữa mà hầu hết chỉ dành cho phụ nữ tận dụng thời gian rảnh, trẻ em và những người lớn tuổi làm để tăng thêm thu nhập mà thôi. Một nghề truyền thống mà chỉ để “tăng thêm thu nhập” thì rõ ràng là không thể phát triển được.
Đó là thực trạng bấp bênh ở một số làng nghề nổi tiếng từ lâu trên đất Tây Ninh. Vẫn còn không ít làng nghề truyền thống khác cũng đang trong tình trạng giống như vậy. Thực ra tình hình khó khăn của các ngành nghề nông thôn nói chung và các làng nghề nói riêng nhiều năm trước đây đã được tỉnh quan tâm. Năm 2009 tỉnh ban hành quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn cũng nhằm mục đích bảo tồn và phát triển làng nghề. Thế nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch thì vẫn còn ì ạch, khiến cho nhiều làng nghề chưa được “cấp cứu” kịp thời…
SƠN TRẦN
(Còn tiếp)