BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bấp bênh làng nghề... (tt)

Cập nhật ngày: 11/10/2011 - 10:30

>> Bấp bênh làng nghề (kỳ 1)

Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt vào tháng 5.2009 với mục tiêu cơ bản là bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn và một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch, Chương trình bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn bao gồm 4 nội dung chính: Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống: phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch và phát triển các ngành nghề mới. Kèm theo đó là các chính sách khuyến khích ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai… và các chương trình hỗ trợ ngành nghề nông thôn phát triển do các ngành chức năng liên quan xây dựng. Thế nhưng…

Hơn 80% sản phẩm mây tre xuất khẩu phải qua trung gian

Một số chính sách khuyến khích ưu đãi như: Về chính sách tăng vốn tín dụng ưu đãi, vốn chương trình kích cầu của Nhà nước cho các cơ sở ngành nghề nông thôn được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng mới, tăng cường xuất khẩu; tăng cường nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ khác của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cho phát triển ngành nghề nông thôn;  miễn giảm, khoán thuế để tạo điều kiện cho các làng nghề tăng cường sản xuất, kinh doanh và mạnh dạn đổi mới công nghệ; miễn giảm tiền thuê đất, quy hoạch các khu nguyên liệu cung cấp cho ngành nghề và cơ sở, làng nghề được ưu tiên thuê đất để phát triển nguyên liệu phục vụ sản xuất… Các ngành chức năng có nhiệm vụ xây dựng các chương trình hỗ trợ ngành nghề nông thôn như: ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xử lý môi trường; xây dựng các điểm, tuyến du lịch gắn với ngành nghề nông thôn; triển khai chương trình khuyến công hỗ trợ ngành nghề nông thôn…

Thế nhưng đến nay, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận được với các chính sách khuyến khích ưu đãi phát triển làng nghề- trong đó cần thiết nhất là chính sách về tín dụng ưu đãi. Theo một số hộ sản xuất mây tre ở xã Long Thành Trung thì chưa có hộ nào được hỗ trợ về vốn đầu tư sản xuất. Hầu hết các hộ sản xuất cá thể phải tự tìm vốn để đầu tư mua sắm nguyên liệu mây tre và phương tiện sản xuất. Trong đó, có không ít hộ phải đi vay ngoài hệ thống ngân hàng với lãi suất cao. Theo ông Hồ Ngọc Quới, Chủ nhiệm HTX mây tre Long Thành Trung, thì khi thành lập đến nay HTX không được nguồn hỗ trợ nào về vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Thậm chí, HTX muốn vay vốn ngân hàng với lãi suất không ưu đãi cũng không được vì HTX không có tài sản thế chấp và cũng không có đủ nguồn vốn đối ứng để được vay. Do đó, HTX không thể đầu tư xây dựng trụ sở, đồng thời không thể xây dựng được điểm trưng bày sản phẩm để giới thiệu nhằm tạo được sự chú ý và lòng tin với các đối tác làm ăn. Khi chúng tôi đến HTX mây tre này tìm hiểu thì hầu hết máy móc được đặt tại nhà riêng của chủ nhiệm và đang “nghỉ ngơi”.

Các chương trình hỗ trợ của các ngành chức năng trong hơn 2 năm thực hiện quy hoạch cũng chưa đến được với các ngành nghề nông thôn và các làng nghề truyền thống. Cụ thể như theo quy hoạch, nghề truyền thống chằm nón lá ở xã Ninh Sơn (Thị xã) gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do nhu cầu sử dụng nón lá ngày càng giảm. Để bảo tồn nghề truyền thống này, theo định hướng thì trước tiên phải quy hoạch phát triển nguyên liệu phục vụ sản xuất, đồng thời phải gắn liền hoạt động ngành nghề với du lịch. Qua đó, sản phẩm nón lá sẽ tiêu thụ được qua khách tham quan mua về làm quà kỷ niệm. Muốn được như vậy thì phải tổ chức làng tập trung những người làm nghề chằm nón lá, xây dựng điểm trưng bày sản phẩm và quan trọng nhất là xây dựng tuyến du lịch kết hợp với làng nghề. Tuy nhiên đến nay, hầu như sản phẩm của tất cả các hộ làm nghề chằm nón ở Ninh Sơn vẫn trông chờ vào thương lái vì chương trình kết hợp du lịch như trong quy hoạch nêu vẫn đang còn là “định hướng”.

Ngoài một số máy móc chuyển từ HTX cũ đã giải thể, HTX mây tre Long Thành Trung không tiếp cận được chính sách ưu đãi

Làng nghề rèn truyền thống Lộc Trác cũng tương tự. Theo quy hoạch thì làng nghề này từng bước chuyển đổi theo hướng phục vụ du lịch. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy ngành chức năng được giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình liên quan triển khai chương trình hỗ trợ để chuyển đổi, nên sản phẩm của làng nghề hầu hết được chào bán qua các gian hàng lưu động nằm dọc theo các tuyến đường giao thông, tiêu thụ kiểu “được chăng hay chớ”. Riêng các làng nghề mây tre, trong quy hoạch cũng có giao nhiệm vụ cho ngành chức năng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây tre với diện tích 200 ha để cung cấp cho các làng nghề, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Các làng nghề vẫn cứ phải chấp nhận chi phí mua nguyên liệu ngày càng cao do khan hiếm. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, có đến hơn 80% cơ sở phải chịu mất đi phần lãi đáng kể vì phải xuất khẩu sản phẩm mây tre qua trung gian. Cụ thể mỗi chiếc ghế xuất khẩu có giá trị khoảng 80.000 đồng, nhưng HTX giao thô cho đơn vị trung gian chỉ được có 30.000 đồng. Nguyên nhân cơ bản là vì ở HTX chưa có đủ trình độ kỹ thuật xử lý chống mối mọt cho sản phẩm, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng hỗ trợ.

Tóm lại, nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho nhiều làng nghề truyền thống hoạt động ngày càng giảm sút, trong đó có không ít làng nghề có nguy cơ mai một là do đến nay vẫn phải “tự chòi đạp” để tồn tại vì chưa tiếp cận được các chính sách khuyến khích ưu đãi và các chương trình hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này là do tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn còn quá chậm so với yêu cầu…

Sơn Trần

(Còn tiếp)