Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều làng nghề ngày càng “bấp bênh” là do chưa tiếp cận được với các chính sách khuyến khích ưu đãi và những chương trình hỗ trợ phát triển.
>> Bấp bênh làng nghề (kỳ 1) (kỳ 2)
Thực trạng nhiều làng nghề ngày càng “bấp bênh” là do chưa tiếp cận được với các chính sách khuyến khích ưu đãi và những chương trình hỗ trợ phát triển. Thế nhưng nguyên nhân chính khiến cho các làng nghề chưa được hưởng các chính sách ưu đãi là do sự chậm chạp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, cốt lõi của sự chậm chạp là do việc thực hiện quy hoạch chưa được các ngành chức năng liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm.
Thực hiện quy hoạch- 2 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”
Theo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề bao gồm 4 nội dung chính là: Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch và phát triển các ngành nghề mới. Công việc quan trọng phải triển khai đầu tiên khi thực hiện quy hoạch là xét công nhận ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và lập các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được phê duyệt cho thấy có nhiều cơ quan chức năng và địa phương không mấy quan tâm đến việc triển khai thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công. Đến đầu năm 2011, tất cả các dự án ưu tiên đầu tư vẫn chưa được lập và chưa có làng nghề truyền thống nào trong dự kiến xem xét được lập hồ sơ đề nghị công nhận. Thậm chí sau 2 năm quy hoạch được phê duyệt vẫn có không ít địa phương chưa thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.
Các lao động làng nghề mong sớm tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển |
Nhận thấy tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch quá chậm chạp, cuối năm 2010, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai 2011-2015. Tháng 3.2011, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn cụ thể trong năm 2011. Trong kế hoạch định hướng cụ thể các làng nghề truyền thống sẽ được đưa ra xem xét công nhận như: làng nghề bánh tráng Lộc Du (Trảng Bàng); làng nghề rèn Lộc Trác (Trảng Bàng); 3 làng nghề se nhang Long Tân, Long Khương và Trường Ân (Hoà Thành); làng nghề chằm nón lá Ninh Thọ (thị xã Tây Ninh); làng nghề mộc gia dụng Hiệp An (Hoà Thành); các làng nghề mây tre đan ở Hoà Thành và Trảng Bàng; làng nghề đúc gang Trường Thọ (Hoà Thành)… Đồng thời, trong kế hoạch cũng xác định 9 dự án được ưu tiên đầu tư bao gồm: Xây dựng Trung tâm bảo tồn phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch; xây dựng mô hình trình diễn gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng một số mô hình sơ chế- bảo quản rau và trái cây; bảo tồn và phát triển nghề mộc ở xã Hiệp Tân, Hoà Thành; đầu tư phát triển nghề mây tre đan; bảo tồn và phát triển nghề bánh tráng Trảng Bàng truyền thống; đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng Đôn Thuận; đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng Chà Là; xây dựng mô hình sản xuất nhang thành phẩm ở Hoà Thành. Tất cả các dự án ưu tiên đầu tư đều được giao cho UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Thực ra, theo quy hoạch thì hầu hết các dự án ưu tiên có thời gian triển khai là từ năm 2009, trong đó có một số dự án hoàn thành trong năm 2010, chứ không phải đến kế hoạch năm 2011 mới triển khai.
Thế nhưng, sau 3 tháng triển khai kế hoạch năm 2011 về thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn- đến tháng 6.2011, tất cả các sở, ngành liên quan và các huyện, thị đều chưa thực hiện việc lập các dự án ưu tiên đầu tư và hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống. Tháng 6.2011, Thường trực Ban chỉ đạo phải gửi văn bản đến từng cơ quan liên quan và các huyện, thị đôn đốc việc lập dự án ưu tiên đầu tư, lập các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận làng nghề theo nhiệm vụ được phân công. Thêm 3 tháng nữa trôi qua, trong đợt kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn vừa qua- nghĩa là sau hơn 2 năm quy hoạch được triển khai và nửa năm sau khi ban hành kế hoạch năm 2011, các địa phương vẫn còn đang “chỉ đạo” các xã khảo sát lập hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống và các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn vẫn còn nằm ở các ban, ngành chờ “tham khảo”. Về phía các huyện, thị thì việc triển khai lập các dự án ưu tiên đầu tư và lập hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề đến nay chưa xong là do Ban chỉ đạo tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ xét công nhận làng nghề truyền thống và cũng chưa có hướng dẫn xây dựng dự án ưu tiên đầu tư. Đồng thời, đến nay các địa phương vẫn chưa được phân khai vốn để thực hiện các dự án ngành nghề nông thôn, từ đó các huyện chưa chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan lập dự án.
Như vậy sau 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiều địa phương gần như vẫn đang còn “giậm chân tại chỗ”. Từ tiến độ triển khai chậm chạp như vậy mà các làng nghề truyền thống đến nay vẫn chưa được chính thức công nhận- tuy rằng trong đó có nhiều ngành nghề nông thôn thực chất đã trở thành làng nghề truyền thống từ mấy chục năm trước đây. Chưa được chính thức công nhận làng nghề truyền thống thì cũng có nghĩa là chưa chính thức được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho làng nghề truyền thống. Do đó mà các làng nghề đến nay cơ bản là vẫn tiếp tục “tự chòi đạp”, cố gắng tồn tại đã là khó chứ nói gì đến việc phát triển.
Thường trực BCĐ tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch ở các địa phương |
Chờ... “liều thuốc hồi sinh”
Một trong những mục tiêu chính của dự án thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn là bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống, tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập người lao động từ ngành nghề nông thôn… Thế nhưng, do tiến độ triển khai dự án thực hiện quy hoạch quá chậm chạp đã khiến nhiều làng nghề truyền thống ngày càng gặp khó khăn nhưng chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ cần thiết. Hiện đang có nhiều làng nghề hoạt động ngày càng giảm sút- cả về số lượng lao động lẫn số lượng sản phẩm làm ra. Trong đó có một số đang “thoi thóp” chờ những “liều thuốc” hồi sinh. Trong thời gian qua cũng có một số chương trình hỗ trợ vốn và thiết bị cho ngành nghề nông thôn, nhưng mức độ quá nhỏ so với yêu cầu và không có quy mô tổng thể nên không giải quyết được khó khăn cho các làng nghề.
Thực ra, những “liều thuốc” hồi sinh và tiếp sức cho các làng nghề truyền thống cơ bản đã có từ hơn 2 năm trước đây- khi tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009-2015. Thế nhưng quá trình “điều chế” để đưa đến các làng nghề lại quá chậm nên chưa thể cứu vãn được tình hình mai một ở một số làng nghề truyền thống. Để tiếp sức cho các làng nghề truyền thống nói chung và “cấp cứu” một số làng nghề đang mai một, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là “tăng cường sự quan tâm và sớm triển khai dự án thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn” để các chính sách ưu đãi thực sự đến với các làng nghề truyền thống.
Sơn Trần