BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bấp bênh nghề trồng hành lá ở xã Trường Tây

Cập nhật ngày: 04/12/2011 - 07:23

Chúng tôi đến xã Trường Tây vào những ngày đầu tháng 12 này, lúc nông dân đang vào vụ xuống giống hành tết. Ông Nguyễn Văn Hoàng, một nông dân kỳ cựu với nghề trồng hành ở ấp Trường An cho biết: “Hiện nay, giá hành giống rất cao, tro trấu, phân bón, chi phí đều tăng trong khi giá cả bán ra không ổn định và phụ thuộc vào thương lái nên người trồng hành không còn lợi nhuận bao nhiêu, chỉ lấy công làm lời và có khi còn lỗ vốn”.

Ông Hoàng bắt đầu trồng hành từ sau ngày giải phóng vì vùng đất này trồng lúa không hiệu quả. Sau bao phen lận đận với nghề, ông rút ra được kinh nghiệm là phải lấy giống từ nơi khác về trồng, nếu trồng lại giống cũ, cây hành dễ bị thoái hoá, không phát triển. Từ thử nghiệm ban đầu với giống hành mua lại ở Bình Dương, An Giang đem về trồng có hiệu quả nên nhiều người học tập làm theo, trở thành cây xoá đói, giảm nghèo của địa phương. Cây hành ở đây được bà con trồng quanh năm với 2 loại giống là hành gốc thân trắng và hành gốc thân đỏ. Hành Trâu (Sậy) lá to, bụi to, năng suất cao nên được nhiều người trồng, thương lái cũng ưa chuộng loại hành này.

Người trồng hành ở xã Trường Tây đang xuống giống vụ hành Tết Nhâm Thìn 2012

Trước đây, người trồng hành ở xã Trường Tây chỉ có vài ba hộ, chủ yếu là bán lẻ ở chợ xã. Nhưng hiện nhu cầu về cây hành ngày càng tăng, thương lái đến đây đặt hàng ngày càng nhiều, do đó, diện tích cây hành ngày càng được mở rộng. Số lượng người trồng cũng tăng lên gần 70 – 80 hộ với tổng diện tích trên 25 ha. Hằng năm, “làng hành” cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn hành các loại tại các chợ đầu mối. Nhiều hộ có kinh nghiệm còn mạnh dạn đi thuê đất ở các nơi để trồng hành và hình thành nên vùng trồng hành ở các xã khác như Trường Hoà, Trường Đông... Theo kinh nghiệm của bà con thì cây hành trồng khá dễ, chỉ cần tưới nước, bón phân, chăm sóc kỹ thì sẽ đạt năng suất cao. Ông Bùi Văn Thành, ngụ ấp Trường An trồng 5 công (5.000m2) hành, vụ thu hoạch vừa qua ông bán giá 16.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí ông còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Cũng nhờ nghề trồng hành mà ông đã lo cho 5 đứa con ăn học thành tài.

Xã Trường Tây còn thành lập hẳn một hợp tác xã rau an toàn trong đó có gần 20 hộ dân trồng hành làm xã viên với tổng diện tích trên 4 ha. Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hành theo hướng rau an toàn, nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giữ thương hiệu hành lá Trường Tây. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho bà con mở rộng quy mô sản xuất… Mặc dù, hành ở đây thơm ngon, có chất lượng, được thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua, nông dân không lo đầu ra nhưng giá cả lên xuống thất thường và phụ thuộc thương lái nên người trồng thường bị ép giá. Như vụ hành đợt này, do hành ở TP.HCM về nhiều, cùng thời điểm thu hoạch với hành của bà con ở đây nên “dội hàng”, giá xuống thấp nên người trồng chịu thiệt.

Ông Lê Thanh Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ trồng rau an toàn ở đây chiết tính: Trung bình 1 công đất trồng khoảng 500 kg giống hành, sau 50 ngày, thu hoạch được khoảng 1,5 tấn hành lá, chi phí hết gần 10 triệu đồng. Nếu được giá từ 10.000 đồng/kg trở lên thì người trồng còn lãi khoảng 5 triệu, còn nếu giá xuống dưới 10.000 đồng thì coi như nông dân lỗ vốn. Hiện nay, giá 1kg hành tại ruộng chỉ khoảng 8.000 – 10.000 đồng, nên người trồng không còn lời. Tuy vậy, người trồng hành ở xã Trường Tây vẫn đeo bám với nghề vì để giữ thương hiệu và giữ mối lái đặt hàng với hy vọng giá cả sẽ tăng cao vào dịp Tết Nhâm Thìn này.

Nghề trồng hành còn giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân lao động địa phương, nhất là người già, phụ nữ. Nhân công cấy hành trung bình 1 người cũng có thu nhập gần 100 ngàn đồng/ngày, góp phần giải quyết việc làm cho hộ nghèo không có đất sản xuất. Nghề trồng hành một thời đã đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân, thậm chí có người vươn lên khá giàu. Nhưng giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường như điệp khúc buồn luôn ám ảnh người trồng sau mỗi vụ thu hoạch.

Nguyễn An