Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bấp bênh thỏa thuận hạt nhân Iran
Thứ hai: 09:56 ngày 23/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến tiến trình tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên càng trở nên bế tắc.

Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ tại thủ đô Tehran của Iran (Ảnh: Reuters)

Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ tại thủ đô Tehran của Iran (Ảnh: Reuters)

Ngày 22-10, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không trở lại các cuộc đàm phán đa phương cho đến khi nước này giải quyết các vấn đề với Mỹ. 

Triều Tiên từ chối quay lại đàm phán 6 bên

Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 22-10, tuyên bố trên được Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra trong phiên họp tại một diễn đàn quốc tế về giải trừ hạt nhân được tổ chức ở thủ đô Mátxcơva của Nga.

Bà Choe Son-hui cáo buộc, khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là do chính sách thù địch của Mỹ đối với Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định nước này sẽ không trở lại bất cứ các cuộc đàm phán đa phương nào, trong đó có các cuộc đàm phán 6 bên, cho đến khi nước này giải quyết các vấn đề với Mỹ. Thậm chí, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên. 

Các vòng đàm phán 6 bên, với sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã đình trệ từ năm 2008 sau khi Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán. Diễn biến này cho thấy những nỗ lực vận động của các nước về một cuộc đàm phán 6 bên đang trở nên vô vọng.

Theo giới quan sát, có thể hệ lụy từ nguy cơ sụp đổ thỏa thuận Iran đã khiến công cuộc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo này càng trở nên khó khăn. Mặc dù Washington vẫn chưa tuyên bố chính thức rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) với Iran, nhưng những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên có lý do để không tin tưởng và từ chối đàm phán với Washington.

Có khả năng Bình Nhưỡng cũng đang nghi ngờ vào vai trò của Trung Quốc và Nga trong việc tham gia có hiệu quả vào một thỏa thuận với Triều Tiên giống như của Iran, khi mà Mỹ vẫn luôn thích làm theo cách của riêng mình.

Iran, Nga không đàm phán lại JCPOA

Quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 21-10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định, chương trình tên lửa của Iran mang mục đích tự vệ, vì vậy những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân JCPOA được Tehran và nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký không áp dụng cho chương trình này. Thứ trưởng Ngoại giao Iran còn khẳng định, Tehran không thấy bất cứ khả năng nào về việc đàm phán lại JCPOA và thỏa thuận này cần phải được thực thi đầy đủ. 

Liên quan vấn đề này, ngày 21-10 tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu rõ, thỏa thuận giữa Nhóm P5+1 và Iran chỉ có thể được sửa đổi chừng nào Nga và các nước khác ký tham gia thỏa thuận này nhất trí với những thay đổi được đề xuất. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, mọi sự thay đổi đơn phương đối với JCPOA có thể chôn vùi thỏa thuận vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định chiến lược và không phổ biến hạt nhân này. 

Trong khi đó tại Mỹ, tỷ phú Tom Steyer vừa tuyên bố sẽ chi ít nhất 10 triệu USD vào chiến dịch quảng cáo trên truyền hình, kêu gọi luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo hãng tin AP, ông Steyer, một nhà bảo vệ môi trường, cho rằng ông Donald Trump cần bị phế truất vì đẩy đất nước tới phía chiến tranh hạt nhân, cản trở công lý tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và đe dọa đóng cửa các tổ chức tin tức ông không ưa. Ông hối thúc người xem gọi điện cho các thành viên quốc hội để đưa ra các điều khoản về luận tội.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục