BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bấp bênh Xóm Chài

Cập nhật ngày: 21/03/2010 - 05:55

Từ cầu Hiệp Hoà (cầu Trường Đảng) đi ra phía hạ lưu rạch Tây Ninh, sẽ đến xóm Chài- tên thường gọi của một số dân cư chuyên sống bằng nghề chài lưới thuộc tổ 16, ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Mặc dù đã được chính quyền địa phương giúp đỡ bằng cách cho vay vốn xoá đói giảm nghèo, nhưng hơn 30 năm nay, bà con nhân dân xóm Chài vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo khổ.

Cái nghèo khó gỡ cho ra

Chúng tôi đến thăm xóm Chài vào ngày 16.3.2010. Đang mùa nước cạn nên hầu hết đàn ông, đàn bà, thanh niên trong xóm đều kéo nhau xuống rạch Tây Ninh, ra sông Vàm Cỏ Đông đánh bắt cá. Trong những ngôi nhà sàn tạm bợ, nhỏ nhắn, chỉ còn một vài cụ già, phụ nữ và trẻ em lấp ló sau ô cửa sổ.

Ông Nguyễn Văn Nhượng, tổ trưởng tổ 16, kể khái quát: “Bà con ở xóm Chài này đều quê ở Hải Dương. Tôi vào Tây Ninh lập nghiệp từ trước 1975. Lúc đó, chúng tôi sống tập trung ở gần chùa Vĩnh Xuân (ấp Thái Vĩnh Đông, phường 1, Thị xã) kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá dưới rạch Tây Ninh. Sau ngày Tây Ninh giải phóng, Thị xã có chủ trương đưa cả xóm đi vùng kinh tế mới ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành nhưng vì chỉ biết có nghề chài lưới, sợ lên vùng đất mới không sống được nên mọi người xin ra đây sinh sống”.

Trở về sau một ngày kiếm sống trên sông

Cũng theo lời ông Nhượng, ban đầu xóm Chài chỉ có khoảng 5 - 10 hộ, còn hiện nay đã có đến 33 hộ, trung bình mỗi hộ có từ 3 - 4 người. Cuộc sống của người dân xóm Chài hãy còn rất bấp bênh, tạm bợ. Không có ruộng, vườn, nghề nghiệp chính của cả xóm là giăng câu, giăng lưới, kéo chài trên sông, rạch. Bắt được cá lớn, đem bán lấy tiền mua gạo, cá nhỏ thì để lại ăn. Những năm trước, rạch Tây Ninh còn nhiều tôm, cá, cuộc sống bà con còn đỡ khổ. Những năm gần đây, nước sông rạch bị ô nhiễm, tôm cá chết nhiều, dưới rạch chỉ còn một số loại cá đen nên cuộc sống ngày càng khó khăn. 

Nhà ở xóm Chài phần lớn là nhà sàn, ọp ẹp và nhỏ hẹp. Mùa nắng, đường khô ráo có thể chạy xe mô tô vào được hơn nửa xóm (còn một số nhà ở cuối xóm và bên kia bờ rạch Tây Ninh, thuộc địa phận ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành thì chỉ có thể đi bộ hoặc đi bằng xuồng, ghe). Mùa mưa, nước ngập lênh láng cả xóm, mọi việc đi lại đều bằng phương tiện đường thuỷ. Những năm gần đây, người dân xóm Chài bắt đầu nuôi cá lóc, nhưng số lượng nhỏ, lợi nhuận không cao.  

Gia đình ông Nhượng cũng rất khó khăn. Vợ chồng ông có 6 người con. Con trai lớn đã lập gia đình, ra ở riêng cũng nối nghiệp cha, sớm chiều quanh quẩn trên sông rạch. Duy chỉ có người con gái đi làm công nhân ở cụm công nghiệp Bến Kéo (huyện Hoà Thành). Hai năm gần đây, ông Nhượng móc ao cặp bờ sông nuôi cá lóc từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo. Vụ vừa rồi, thu hoạch được hơn 300 kg, bán với giá 20.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời hơn 1 triệu đồng. “Nhờ vợ chồng tôi đánh bắt cá dưới sông về phụ làm thức ăn cho cá lóc nên đỡ chi phí chăn nuôi, xem như lấy công làm lời, chứ nếu toàn bộ thức ăn cho cá đều phải mua thì bị lỗ. Đó là chưa kể cá nuôi xong không có đầu ra mà chỉ bán cho bạn hàng, có khi bị ép giá nên không lời được bao nhiêu”, ông Nhượng nói.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mao, 71 tuổi, người cao niên nhất ở xóm Chài. Ông buồn bã kể: Ông là một trong những người đầu tiên đặt chân trên mảnh đất này. Hơn 30 năm nay, vợ chồng ông cật lực làm ăn mà vẫn chưa thoát nổi cái nghèo đeo đẳng. “Tôi vay vốn xoá đói giảm nghèo chỉ có 5 triệu đồng, nhưng gần 10 năm nay không trả nổi. Những lúc nước sông cạn như thế này, bắt cá không được bao nhiêu, nhiều khi phải mượn tiền của các bạn hàng mua gạo ăn trước, chờ đến mùa nước lên, giao cá trừ lại”. Ông Mao có 8 người con, 30 đứa cháu nội, ngoại, tất cả đều theo nghề đánh bắt cá. Hiện tại, vợ chồng ông đang ở cùng với vợ chồng người con trai út. “Năm 2009, con trai út của tôi nuôi cá lóc, bị lỗ, năm nay nó chuyển sang nuôi 300 con vịt. Chưa biết kết quả ra sao, ớn quá”, ông Mao lo lắng.

Chút niềm hy vọng

Hầu hết trẻ em ở xóm Chài đều được đến trường nhưng đa số chỉ học xong cấp một là nghỉ, lên cấp hai chỉ còn một vài em, còn cấp ba thì rất hiếm. Cả xóm duy nhất chỉ có gia đình anh Nguyễn Văn Đãng là quyết tâm nuôi con ăn học. Vợ chồng anh Đãng cũng nghèo như bao nhiêu gia đình khác, anh chị có 2 đứa con trai và 2 đứa con gái. Đứa con gái lớn của anh đang học năm thứ 2, Trường Trung học Y tế Tây Ninh. Đứa con trai kế theo học tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Đứa con trai thứ ba học xong lớp 10, đi làm công nhân. Đứa con gái út đang học lớp 10.

Anh Đãng tâm sự: “Không còn cách nào khác, phải ráng cho con ăn học để sau này chúng nó lớn lên không còn cảnh đêm hôm sông nước vất vả như bố mẹ”. Anh đã mạnh dạn vay 32 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo cho hai đứa con ăn học. Hiện tại, anh đang nuôi 3.000 con cá lóc trong ao. Nay mùa nước cạn, cá dưới sông bắt về không đủ làm mồi cho cá nuôi nên mỗi ngày anh phải mua thêm 17 kg cá chợ, với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. “Trừ các chi phí, mỗi vụ cá, tôi chỉ còn lời khoảng 1 - 2 triệu đồng nhưng tôi vẫn phải cố gắng để trả nợ và tiếp tục nuôi đứa con út ăn học”, anh Đãng quyết tâm.

Anh Trương Văn Tuấn, Trưởng Ban Nông nghiệp xã Thanh Điền cho biết: “Trong năm 2009 có 29/33 hộ dân ở xóm Chài được vay vốn xoá đói giảm nghèo, mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng để mua ghe, mua máy làm phương tiện đánh bắt cá và nuôi cá lóc. Hiện nay, chúng tôi đang làm dự án nuôi cá bè cho xóm Chài. Khoảng tháng 6 năm nay, dự án hoàn tất, sẽ trình lên UBND huyện. Nếu dự án được duyệt, bà con ở đây sẽ được vay vốn nhiều hơn để mở rộng quy mô nuôi cá, nhằm cải thiện cuộc sống”. 

Đại Dương