Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kinh nghiệm quan trọng trong việc sang nhượng đất đai là phải tìm hiểu kỹ tứ cận giáp ranh, xem có ai tranh chấp gì không để tránh gặp trở ngại trong việc thực hiện các thủ tục về sau, thậm chí có nguy cơ mất tài sản… trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Anh Bình bất an về “số phận” hai thửa đất đã sang nhượng lại từ ông Rồi.
Ông Lê Văn Rồi, sinh năm 1959, ngụ ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu trình bày, năm 1999, ông có sang nhượng một phần đất lúa với diện tích 3.830m2 tại ấp Long Bình, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu của ông Nguyễn Văn Ninh.
Trước đó 1 năm, phần đất này được ông Ninh nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn No (có giấy chứng nhận QSDÐ vào năm 1992, hiện nay, ông No đã chết). Qua trích lục hồ sơ của Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh- Chi nhánh huyện Bến Cầu (VPÐKÐÐBC) vào ngày 20.7.2017, đồng thời chiếu theo bản đồ đo lưới toạ độ chính quy VN- 2000 thì phần đất trên có thay đổi diện tích là 4.329m2, gồm các thửa 290, 291, 216, 6, 11, thuộc tờ bản đồ số 19 và 11.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà cả ông Ninh và ông Rồi vẫn chưa thực hiện thủ tục sang tên. Về mặt giấy tờ, những thửa đất trên còn đứng tên ông No trong “sổ đỏ”. Mới đây, ông Rồi lại sang nhượng phần đất đang đề cập cho anh Nguyễn Thái Bình (ngụ xã Long Chữ) với số tiền hơn 250 triệu đồng.
Anh Bình đã trả phần lớn số tiền cho ông Rồi, chỉ còn thiếu lại 15 triệu đồng, chờ sau khi hoàn tất thủ tục sang tên sẽ trả dứt điểm. Thủ tục sang tên thửa đất đang diễn ra bình thường, bất ngờ vấp phải sự phản đối của ông Nguyễn Thanh Tùng, một người có đất giáp ranh.
Ông Tùng cho biết, ông về đây mua đất từ cuối năm 2016, trong giấy chứng nhận QSDÐ mà cơ quan chức năng đã cấp cho ông có bao gồm cả 2 thửa đất số 290, 291, tờ bản đồ số 11; việc cấp đổi giấy đất cho ông Rồi để từ đó sang tên cho anh Bình gây mất đất của ông.
Trong khi ông Rồi phản biện: “Vì sao trong quá trình niêm yết công khai tại địa phương về việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDÐ cho tôi, theo biên bản kết thúc niêm yết số 40 ngày 14.8.2017, ông Tùng không có ý kiến? Ðợi đến khi VPÐKÐÐBC tiến hành kiểm tra, thẩm định, đo đạc đất hoàn tất, gửi thông báo sẽ cấp đổi giấy đất cho tôi thì ông Tùng lại vào cuộc phản đối”.
Thông báo số 145 ngày 19.7.2017 của VPÐKÐÐBC về việc cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho ông Lê Văn Rồi nêu rõ: “Do trước đây tách, cấp đổi sai vị trí thửa của ông Nguyễn Thanh Tùng, nên đã cấp trùng lên vị trí phần đất của ông Lê Văn Rồi.
Nay VPÐKÐÐBC xác định đã cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho ông Nguyễn Thanh Tùng trùng (một phần- PV) với giấy chứng nhận QSDÐ của ông Lê Văn Rồi. VPÐKÐÐBC đề nghị ông Nguyễn Thanh Tùng nộp lại giấy chứng nhận QSDÐ để Văn phòng Ðăng ký đất đai điều chỉnh cho đúng với thực tế sử dụng. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày niêm yết tại UBND xã Long Chữ, nếu ông Tùng không nộp lại giấy chứng nhận QSDÐ để điều chỉnh thì VPÐKÐÐBC sẽ điều chỉnh cho ông Lê Văn Rồi”.
Ngày 22.5.2018, ông Tùng đã không đồng ý với nội dung thông báo nêu trên. “Ðất của tôi nằm trên địa bàn xã Long Chữ, nhưng tôi hiện ngụ ở thành phố Tây Ninh, việc niêm yết công khai tại địa phương như đã nêu làm sao tôi biết được? Hơn nữa, trong khoảng thời gian niêm yết, tôi không hề nhận được văn bản hay bất kỳ thông báo nào từ phía cơ quan chức năng về việc cấp đổi giấy cho ông Rồi.
Mặt khác, việc VPÐKÐÐBC tiến hành kiểm tra, đo đạc, thẩm định… không mời tôi tham gia. Tôi chỉ hay tin khi anh Nguyễn Thái Bình cho tôi xem Thông báo số 145 đề ngày 19.7.2017. Tôi có quyền khiếu nại khi chính thức biết tin về vụ việc, bởi vấn đề này có ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất mà tôi đã được cấp”.
Diễn biến sau đó, ý kiến phản ánh của ông Tùng đã được VPÐKÐÐBC ghi nhận tại biên bản làm việc vào ngày 22.8.2017. Cùng ngày 22.8, VPÐKÐÐBC đã ra Thông báo số 268 từ chối giải quyết hồ sơ của ông Lê Văn Rồi với lý do: “2 thửa đất số 290, 291, tờ bản đồ số 11 là của ông Nguyễn Thanh Tùng nhận chuyển nhượng từ ông Huỳnh Phước Lương, nên không thể cấp đổi cho ông Rồi được”.
Sự việc càng trở nên rắc rối khi trước đó, trong biên bản kiểm tra đo đạc thực tế các thửa đất ngày 14.7.2017 của UBND xã Long Chữ thể hiện “đất của ông Rồi tăng 499m2, không tranh chấp và sử dụng ổn định từ trước đến nay”. Ngược lại, tại biên bản thẩm định đề ngày 20.7.2017 (cũng của xã Long Chữ) về việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDÐ cho ông Rồi lại cho thấy, thửa đất đang đề cập giảm 690,8m2 do sai số đo đạc và ranh không thay đổi (?).
Ông Lê Văn Rồi bức xúc: “Có mấy thửa đất mà đo đạc lúc tăng lúc giảm diện tích, lúc thừa nhận đã cấp trùng thửa, khi lại giải thích ông Tùng đã nhận chuyển nhượng từ ông Lương nên không thể cấp đổi giấy cho tôi được. Lỗi này đâu phải do người dân, đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm để tôi được cấp đổi sổ đỏ từ ông No, sau đó sang tên cho anh Bình.
Còn chuyện cơ quan nào cấp đất có sai sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Tùng, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả. Thực tế, khoảng từ năm 1999 đến khi tôi sang nhượng lại đất cho anh Bình, tôi là người trực tiếp sản xuất trên 2 thửa đất được cho là trùng thửa, việc này có thể xác minh những hộ dân canh tác nông nghiệp gần đó.”. Ông Rồi tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng đo đạc lại hiện trạng đất và cấp đổi giấy cho ông.
Ngày 2.11.2017, VPÐKÐÐBC đã ra tiếp Thông báo số 460 từ chối giải quyết hồ sơ của ông Rồi với lý do “chưa thống nhất ranh giới thửa đất”. Sau đó, UBND xã Long Chữ có mời ông Tùng và ông Rồi lên xã để hoà giải nhưng không thành.
Ngày 21.5.2018, ông Trần Văn Bổng- Giám đốc VPÐKÐÐBC nêu ý kiến: “Việc cấp đổi giấy cho ông Rồi được thực hiện theo thủ tục nhận chuyển nhượng đất, tức là đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng, các thay đổi về việc sang tên chủ sở hữu chủ yếu dựa vào hồ sơ sẵn có.
Theo quy định, hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ai khiếu nại thì tiến hành cấp đổi. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khi chúng tôi hay tin có xảy ra tranh chấp, mặc dù hơi muộn so với niêm yết, nhưng để bảo đảm tính khách quan và tránh khiếu nại về sau, việc cấp đổi giấy vẫn được cho tạm ngưng để làm rõ, hoặc hướng dẫn các bên đương sự liên hệ cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Ngày 22.5.2018, ông Tùng có ý kiến: “Nếu ông Rồi đồng ý chia đôi số diện tích được cho là đã cấp trùng thửa thì xem như mỗi bên chịu thiệt một nửa, hoà giải thành; còn ngược lại phải nhờ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trường hợp nếu giấy chứng nhận QSDÐ của tôi thật sự có một phần trùng thửa với đất của ông No, bên nào để xảy ra sai sót trong việc này phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Về phía ông Rồi, ông không đồng ý theo giải pháp chia đôi 2 thửa đất với ông Tùng nên đã nộp đơn lên TAND huyện để yêu cầu xét xử.
Riêng anh Nguyễn Thái Bình không khỏi bất an: “Mua đất mà gặp phải tình trạng này thì hồi hộp quá, gặp khó trong việc sang tên đã đành, còn chưa biết có bị mất tài sản hay không”.
Quốc Sơn