Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bắt cá nằm mà
Thứ bảy: 18:53 ngày 27/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, từ thời niên thiếu, anh em tôi đã lặn lội sông rạch, ruộng đồng bắt cá. Tuỳ theo mùa trong năm, anh em tôi có cách khai thác nguồn thuỷ sản trời cho khác nhau.

Thường chúng tôi có bốn cách bắt cá là giăng lưới, cắm câu, bắt mò và bắt cá nằm mà (gọi tắt là bắt cá mà)... Mỗi cách bắt cá cần có một loại dụng cụ khác nhau. Như giăng lưới thì nhất định phải có hàng trăm thước lưới bén; cắm câu thì cũng phải có cả trăm cần câu; còn bắt mò và bắt mà thì phải có cái nơm cầm tay. Hồi đó, dù bắt cá bằng cách nào, thường thì anh em tôi luôn được nhiều hơn những người trong xóm.

Vì vậy, bà con ở đây hay nói anh em tôi là “sát cá”- tức là có khả năng “trời phú” bắt được cá dễ dàng. Thật ra không phải như vậy! Sở dĩ anh em tôi bắt được cá nhiều hơn người khác là do siêng năng, cần mẫn cộng với việc tích cực học hỏi người đi trước- và nhất là biết đúc kết kinh nghiệm bản thân trong quá trình lao động. Cụ thể như đi bắt cá mà, không phải ai cũng biết cách bắt như anh em tôi.

Bắt mò và bắt cá mà là hai cách bắt cá hoàn toàn khác nhau. Bắt mò thường vào mùa nắng, khi nước dưới ruộng, hoặc sông rạch cạn, cá chúi trong bùn, người đi bắt cá dùng tay mò xuống bùn sình tìm cá để bắt.

Để cho chắc, khi mò đụng cá, người ta lấy nơm chụp cá lại rồi thò tay vô nơm mà bắt. Còn đi bắt cá mà thường vào đầu mùa mưa, tức là khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch. Bắt cá mà ở những đám ruộng trống và nước phải trong. Hồi đó cá đồng ở quê tôi rất nhiều.

Vào mùa nắng hạn, đồng ruộng khô nước, cá rút hết ra sông, rạch. Đến khi mưa xuống, ruộng có nước, cá từ sông rạch vào ruộng sinh sống và sinh sản, duy trì nòi giống. Xưa kia, cánh đồng quê tôi mỗi năm làm có một vụ lúa dài ngày, bằng cách gieo mạ, cấy lúa.

Để có đất sạch cấy lúa, ruộng gò thì nông dân cày, bừa, trục... còn ruộng lầy phát năn, chặt cỏ rồi gom lại hốt vô bờ. Ruộng dọn sạch rồi, nông dân còn phải chờ cho mạ tới lứa, hoặc chờ kêu được công cấy nên có những đám ruộng dọn sạch mười bữa, hoặc nửa tháng cũng chưa cấy lúa.

Ruộng dọn chưa cấy, bùn sình lắng xuống, nước ruộng trong vắt. Cá dưới ruộng không còn chỗ để ẩn nấp. Khi trời bắt đầu nắng lên, để ẩn mình, các loại cá tràu, trê, rô... chúi xuống bùn và nằm lại đó. Chỗ cá nằm, nó cựa quậy làm đục nước, gọi là cá làm mà để nằm, hay gọi là cá nằm mà. 

Hồi đó, đầu mùa mưa là mùa dọn ruộng cấy lúa và cũng là mùa đi bắt cá mà. Đây cũng là mùa nghỉ hè nên anh em tôi tha hồ có thời gian đi bắt cá. Do bắt cá mà ở những đám ruộng nhiều nước, nhất thiết là phải có cái nơm.

Vào mùa bắt cá mà, cứ tầm 9 giờ sáng là anh em tôi mỗi đứa một cái nơm, một cái đụt đi ra đồng ruộng, tìm đến những đám ruộng dọn sạch và đoán biết là có nhiều cá lội xuống bắt trước (nếu không người khác xuống bắt trước là mình thất thu).

Vào buổi sáng, khi chưa có người khuấy động, một số con cá làm mà, bên cạnh đó cũng có nhiều con khác chưa làm mà. Đối với những đám ruộng có chỗ nước sâu, chỗ nước cạn (do mặt ruộng nghiêng, hoặc không bằng phẳng), cá làm mà chỗ nước cạn dễ bắt hơn chỗ nước sâu.

Nên khi xuống ruộng bắt cá mà là anh em tôi lựa những chỗ nước sâu lội trước, gây tiếng động cho cá dạt về chỗ nước cạn làm mà. Tuỳ theo loại và kích cỡ mà cá làm cái mà khác nhau. Cá tràu làm mà lớn, nước chỗ mà đục và lan rộng.

Nếu gặp cá tràu lớn, cái mà của nó rộng hơn cái nơm, cũng có con khôn ngoan làm một lúc hai, ba cái mà liền kề nhau. Trước những cái mà lớn như vậy, bằng kinh nghiệm quan sát của mình, anh em tôi biết khá chính xác con cá này nằm ở chỗ nào, cứ nhắm vào đó mà chụp nơm, nhận mạnh xuống là bắt được cá.

Vậy mà có khi cũng bị trật, cá chạy tuốt. Còn những người không có kinh nghiệm chuyện nơm trật cá tràu là thường xuyên. Con cá trê thì làm cái mà nước đục ngầu, vì chúng làm mà rất sâu trong bùn. Thấy mà cá trê là biết liền, anh em tôi cứ nhắm chỗ nào nước đục nhiều cho nó nằm giữa cái nơm, rồi nhận nơm sâu xuống là bắt được cá trê, ít khi nào sẩy.

Cá rô đồng thì có cái mà nhỏ gọn, nằm trọn trong cái nơm, rất dễ bắt. Cứ thế, anh em tôi quần hết đám ruộng này qua đám khác. Đến trưa, khi chân bắt đầu mỏi, vai cũng hơi nặng vì đụt cá, và xuất hiện nhiều người đi bắt mà, anh em ra về. Đến khi toàn cánh đồng đã cấy lúa xong, không còn đám ruộng trống nào nữa là mùa bắt cá mà cũng hết.

Thiên nhiên không thay đổi, những cơn mưa vẫn bắt đầu từ tháng tư, tháng năm âm lịch. Nhưng cánh đồng quê tôi không còn ai dọn ruộng cấy lúa như trước kia nữa, nên không còn chỗ để bắt cá mà. Mà nếu có những đám ruộng dọn sạch, nước trong, cũng chưa chắc có cá làm mà. Con cá đồng quê tôi ngày nay cũng vô cùng khan hiếm. Mùa đi bắt cá mà trên cánh đồng quê tôi chỉ còn là quá khứ...

T.L

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục