Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập giao thông không phải do thực hiện Nghị định 168
Thứ tư: 00:00 ngày 22/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khẳng định Nghị định 168 đã đi đúng hướng và các bất cập phát sinh trên đường sau khi Nghị định có hiệu lực không xuất phát từ chính Nghị định.

Dần hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn hơn

Từ ngày 1/1/2025, khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực, ý thức người tham gia giao thông cải thiện rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ giảm đáng kể.

Hiệu quả từ việc áp dụng Nghị định 168.

Theo TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia: "Các vấn đề ùn tắc giao thông phát sinh sau khi Nghị định 168 có hiệu lực chủ yếu do hạ tầng".

Ông Minh khẳng định, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức của người tham gia giao thông đã cải thiện rõ rệt. Trước đây, tại các ngã tư đèn đỏ, tình trạng vượt đèn diễn ra phổ biến, nhưng nay hầu như không còn.

“Hiệu quả này xuất phát từ việc tăng mức phạt vi phạm. Người dân dần hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn hơn. Các lỗi như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, hoặc dùng điện thoại khi lái xe bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, khiến nhiều người cân nhắc, nhiều người đã biết sợ và tuân thủ hơn”, ông Minh nói.

Về có ý kiến cho rằng, mức xử phạt vi phạm quá cao so với thu nhập của người dân, ông Minh cho biết, các mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168 đã được xây dựng đúng lộ trình, đảm bảo đủ sức răn đe để duy trì trật tự an toàn giao thông.

“Việc áp dụng các quy định này không chỉ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính họ và những người xung quanh”, ông Minh khẳng định.

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông, xung đột tại các điểm giao cắt dễ xảy ra, gây tắc đường, lãng phí thời gian và tiền bạc. Để tránh bị phạt nặng, người dân cần nghiêm túc chấp hành luật và các quy định giao thông.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.

Về ý kiến cho rằng ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn đang diễn ra, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trước khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi mật độ phương tiện cao và ùn tắc thường xuyên.

Tình trạng coi thường luật, lưu thông tùy tiện diễn ra phổ biến, thậm chí ngay trước mặt CSGT vẫn có người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Đây là nguyên nhân chủ quan dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.

“Về khách quan, do hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông, tốc độ tăng trưởng của kinh tế xã hội.

Nghị định 168 có hiệu lực, đã đi đúng hướng. Những bất cập phát sinh trên đường kể từ khi Nghị định có hiệu lực không xuất phát từ chính Nghị định”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, khi ý thức người dân được cải thiện nhưng ùn tắc và tai nạn vẫn xảy ra, nguyên nhân cần được đánh giá rõ ràng. Vấn đề hiện nay nằm ở hạ tầng giao thông, đòi hỏi quy hoạch bổ sung quỹ đất cho giao thông, bãi đỗ xe, và mở rộng các làn đường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Một vấn đề quan trọng khác là phát triển giao thông thông minh và vận tải hành khách công cộng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

 Bên cạnh đó, cần tổ chức giao thông hợp lý, rà soát và điều chỉnh các biển báo, đèn tín hiệu giao thông sao cho lắp đặt đúng vị trí, dễ nhìn, dễ quan sát. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện giao thông và nâng cao ý thức, hành vi của người dân.

“Người dân khi tham gia giao thông ai cũng muốn đi đúng làn đường quy định để đảm bảo an toàn, nhưng có những tình huống bất khá kháng, phát sinh khiến họ vi phạm giao thông. Muốn xây dựng văn hóa giao thông, cần phải xử lý được các bất cập, tồn tại”, ông Minh nói.

Lực lượng CSGT tỉnh Lào Cai tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm, ngày lễ, tết và những khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm.

Về việc các cơ quan quản lý cần làm những gì để văn hóa giao thông được nâng cao hơn nữa, ông Minh cho rằng, ý thức và văn hóa giao thông cần được duy trì liên tục và trở thành thói quen của mỗi người.

“Như đã đề cập, cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông từ các tuyến quốc lộ, cao tốc đến đô thị, đồng thời đẩy mạnh vận tải công cộng và quản lý hiệu quả nhu cầu giao thông.

Lực lượng chức năng cần thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng, minh bạch, có tình có lý để tạo sự đồng thuận và ý thức tự giác từ người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng hệ thống giám sát bằng camera và áp dụng xử phạt nguội thông qua hình ảnh để đảm bảo tính răn đe và hiệu quả quản lý”, ông Minh nêu ý kiến.

Tạo môi trường giao thông văn minh, an toàn
Tại cuộc Tọa đàm: “Tác động của hạ tầng giao thông đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông”, mới được Báo Lao Động tổ chức chiều 16/1, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP được triển khai, tình hình tai nạn giao thông đã có những chuyển biến rõ nét, trong đó có 3 yếu tố chính giảm đáng kể, gồm: số người tử vong, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương.

Theo đó, từ 1/1 – 14/1/2025, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41), giảm 426 người bị thương (-34,24%), so với kỳ liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%). Sự cải thiện này được ghi nhận và thể hiện rõ trên tất cả các phương thức vận tải.

Đại tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền điều tra, Cục Điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). Ảnh Tô Thế.

Lý giải về mức phạt cao, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh giải thích, Nghị định 168 khi được thực hiện đã điều chỉnh mức phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi có khả năng gây tai nạn giao thông cao.

Theo quan điểm của các cơ quan chức năng và cơ quan thực thi pháp luật có liên quan, mục đích của việc tăng mức phạt không phải để “tận thu cho ngân sách Nhà nước”, bởi trên thực tế, các vi phạm này trước đây vẫn được xử lý, tuy nhiên chưa đủ sức răn đe, vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh đánh giá, sau khi Nghị định 168 ra đời, các hiện tượng đi xe trên vỉa hè, chen lấn, vượt đèn đỏ đã giảm đáng kể. Những điều này tạo nên một hình ảnh đẹp đối với du khách và bạn bè quốc tế.

Việc tạo ra một môi trường giao thông văn minh, an toàn cũng sẽ giúp chúng ta có thể thu hút được khía cạnh về đầu tư để phát triển kinh tế xã hội.

Đèn tín hiệu lỗi, người tham gia giao thông sẽ không bị xử phạt
Những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra tại các thành phố lớn như tại Hà Nội và TPHCM. Trong đó, có việc đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao gặp lỗi (không nhảy đèn tín hiệu) khiến người dân không thể di chuyển.

Thông tin về vấn đề này, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh đánh giá, hiện một số đèn tín hiệu giao thông đã cũ, nên quá trình hoạt động có thể gặp lỗi. Khi đèn bắt đầu chuyển từ chu kỳ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hoặc ngược lại thì thiết bị sẽ có độ trễ nhất định.

“Tuy nhiên, những sai số này không nhiều như một số trang mạng xã hội đưa tin trong thời gian qua”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định.

Để khắc phục tình trạng này, phía Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan, yêu cầu rà soát, điều chỉnh, bảo dưỡng và thậm chí là có thể thay thế những thiết bị đèn tín hiệu giao thông không còn đảm bảo tiêu chuẩn.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh, người tham gia giao thông hãy yên tâm về vấn đề này. Trong xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi vượt đèn đỏ, lực lượng chức năng sẽ không để xảy ra hiện tượng oan sai.

Bởi, trong quá trình xử phạt, cơ quan chức năng sẽ cung cấp những bằng chứng để người vi phạm nắm được quá trình vi phạm của mình.

Còn đối với trường hợp đèn nhảy số (lỗi đèn tín hiệu), chắc chắn lực lượng chức năng sẽ không tiến hành xử phạt các vi phạm đó.

Nguồn t/h

Tin cùng chuyên mục