HTML clipboard
 |
Giếng khoan Trạm
cung cấp nước sạch xã Mỏ Công không đủ nước |
Theo thông tin từ Chi cục
Thuỷ lợi Tây Ninh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 68 trạm cung cấp
nước sạch tập trung từ nhiều nguồn vốn đầu tư. Trong đó hầu hết các trạm cung
cấp nước sạch đều phát huy hiệu quả sau khi vận hành, giúp nhân dân nông thôn có
nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên do trong quá trình vận hành có những điều
bất cập, nên sau một thời gian hoạt động có nhiều trạm hiệu quả ngày càng kém
đi, và trong đó có không ít trạm phải ngưng hoạt động hoàn toàn.
Hư hỏng không có kinh phí
sửa chữa
Tuy chưa có con số thống kê
chính xác là trong số 68 trạm cung cấp nước sạch nông thôn đã xây dựng trên địa
bàn tỉnh thì hiện nay có bao nhiêu trạm không còn hoạt động được. Thế nhưng qua
thực tế ở một địa phương cho thấy số lượng trạm đã ngưng hoạt động hoặc hoạt
động ngày càng kém hiệu quả là không nhỏ.
Cụ thể như ở xã Phước Chỉ,
huyện Trảng Bàng. Đây là một trong những xã trên địa bàn tỉnh mà nhân dân hết
đời này sang đời khác bị khổ sở vì thiếu nước sạch, do nguồn nước mặt, nước ngầm
đều bị nhiễm phèn rất nặng. Muốn có nguồn nước sạch phải khoan lấy nước ở độ sâu
hàng trăm mét dưới lòng đất. Điều này tự nhân dân không thể làm được. Do đó xã
Phước Chỉ được Nhà nước đặc biệt quan tâm về nước sạch, và từ trước năm 2000 xã
đã được đầu tư xây dựng nhiều trạm cung cấp nước sạch tập trung. Đến năm 2007,
trên địa bàn xã Phước Chỉ đã có đến 7 trạm cung cấp nước sạch tập trung là Phước
Đông, Phước Thuận, Phước Bình, Phước Long, Phước Trung, Phước Lập, Phước Hội.
Theo thiết kế thì cả 7 trạm có khả năng cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân
trong xã. Đây là xã có số lượng trạm cung cấp nước sạch nhiều nhất so với các xã
khác trong tỉnh. Thế nhưng bước sang năm 2008, trong 7 trạm cung cấp nước sạch
tập trung chỉ còn có 2 trạm Phước Bình và Phước Đông là hoạt động được, 5 trạm
còn lại thì đã phải ngưng hoạt động hoàn toàn. Đã vậy, trong 2 trạm còn hoạt
động được thì có 1 trạm Phước Đông nguồn nước đã bị nhiễm phèn nặng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến
một số trạm ở Phước Chỉ không còn hoạt động được là do trong thời gian vận hành
không có kinh phí duy tu sửa chữa nên nhiều thiết bị bị hư hỏng ngày càng nặng.
Một số trạm đã bị nước phèn bào mòn đến nỗi bồn chứa (bằng sắt) bị mục không còn
trữ nước được nữa, những thanh sắt đỡ bồn chứa cũng bị bào mòn tưởng chừng như
có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Một số trạm bị hư máy bơm nước, hệ thống lọc… Do
đó, trong hàng ngàn hộ dân xã Phước Chỉ theo thiết kế có nước sạch sử dụng từ 7
trạm cung cấp nước sạch tập trung thì đến năm 2008 chỉ còn hơn 200 hộ là thực sự
có nước sạch sử dụng, cả ngàn hộ còn lại tiếp tục khổ sở vì thiếu nước sạch- mặc
dù đang cư ngụ trong khu vực đã được thiết kế cung cấp nước sạch. Năm 2009, Nhà
nước tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 trạm cung cấp nước sạch nữa ở ấp Phước Hoà,
đầu năm 2010 trạm hoạt động cung cấp nước sạch được thêm gần 200 hộ. Như vậy đến
nay toàn xã Phước Chỉ chỉ có hơn 400 hộ là được sử dụng nước sạch từ 3 trạm cung
cấp tập trung còn hoạt động được. Nếu tính tỷ lệ thì ở xã Phước Chỉ chỉ có 16,5%
số hộ được hưởng nước sạch từ các trạm cung cấp nước sạch tập trung- mặc dù toàn
xã đang có đến 8 trạm cung cấp nước sạch. Qua con số thực tế này cho thấy quả
thật hiệu quả xây dựng trạm cung cấp nước sạch tập trung ở xã Phước Chỉ là quá
thấp.
 |
Người dân nông thôn
vui mừng khi có nước sạch sử dụng. |
Chuyện trạm cung cấp nước
sạch bị hư hỏng không chỉ xảy ra ở xã Phước Chỉ mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác
trong tỉnh. Trong chuyến khảo sát gần đây ở một số xã phía Bắc tỉnh, chúng tôi
cũng thấy một số trạm tuy vẫn còn đang hoạt động nhưng một số thiết bị đã bị hư
hỏng, xuống cấp làm ngày càng giảm hiệu quả đầu tư. Cụ thể như ở Trạm cung cấp
nước sạch ấp Kà Ốt, huyện Tân Châu hệ thống lọc đã bị sụp không còn hoạt động
được hằng tháng trời nhưng chưa được sửa chữa. Để có nước cung cấp cho bà con
trong mùa nắng hạn đang gay gắt, người vận hành trạm này phải bơm trực tiếp nước
từ lòng đất lên bồn chứa- không qua công đoạn lọc để phân phối nước đến hộ sử
dụng. Cách “chữa cháy” này giúp bà con trong vùng tiếp tục “có nước” sử dụng
nhưng chắc chắn là không thể gọi là “nước sạch” được do không hề qua công đoạn
lọc. Chưa biết đến bao giờ hệ thống lọc này mới được sửa chữa vì theo như anh
Ngất Ruôn- người quản lý trực tiếp trạm cung cấp nước này cho biết từ khi vận
hành đến nay trạm thu tiền nước không đủ trả lương thì lấy đâu ra tiền duy tu
sửa chữa.
Ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên
cũng có trạm cung cấp nước sạch tập trung hoạt động kém hiệu quả không phải do
thiết bị hư hỏng mà do nguồn nước không đảm bảo trữ lượng. Khi chuẩn bị xây dựng
trạm cung cấp nước sạch (ngay phía sau trụ sở xã Mỏ Công) thì kết quả khảo sát
nguồn nước cho thấy đảm bảo trữ lượng và chất lượng. Trạm bơm nước được thiết kế
bơm từ lòng đất lên với công suất 10 mét khối/giờ. Thế nhưng sau khi xây dựng
xong, vận hành một thời gian thì lượng nước không đáp ứng đủ, chỉ đạt khoảng
được 3-4 mét khối/giờ. Sự thiếu hụt lượng nước khiến cho máy bơm bị cháy liên
tục và lượng nước sạch không đủ cung cấp cho các hộ sử dụng. Khi chúng tôi đến
khảo sát, máy bơm của trạm này đã bị cháy lần thứ 8 hiện chưa sửa chữa xong. Đến
nay “điểm yếu” của Trạm cung cấp nước sạch xã Mỏ Công vẫn chưa có biện pháp khắc
phục. Để duy trì hoạt động của trạm, xã cho “hoà mạng” với hệ thống cung cấp
nước của trạm mới xây dựng, nhưng hiệu quả phục vụ thì vẫn kém. Theo một cán bộ
xã Mỏ Công, muốn trạm này hoạt động tốt- nghĩa là có đủ nguồn nước bơm theo
thiết kế thì phải đầu tư khoan giếng khác. Tuy nhiên, xã biết lấy đâu ra nguồn
kinh phí để thực hiện điều này.
 |
Hệ thống lọc Trạm
cung cấp nước sạch Kà Ốt, xã Tân Đông đã hư hỏng |
Tóm lại, việc cung cấp nước
sạch cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ các trạm cung cấp nước sạch tập trung ở
nhiều nơi đến nay tỏ ra có hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân có nước sạch
sử dụng. Tuy nhiên, trong số đó có không ít trạm phải ngưng hoạt động sau một
thời gian vận hành- chủ yếu là do thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên.
Đây là điều bất cập đầu tiên cần phải được cơ quan chức năng bàn bạc và tìm giải
pháp khắc phục. Nếu tình trạng thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa còn kéo dài thì
chắc chắn sẽ còn nhiều trạm cung cấp nước sạch khác tiếp tục bị hư hỏng phải
ngưng hoạt động.
Sơn TrẦn
(Còn tiếp)