BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập ở các trạm cung cấp nước sạch nông thôn (kỳ 2)

Cập nhật ngày: 17/05/2010 - 11:33
HTML clipboard

>> Bất cập ở các trạm cung cấp nước sạch nông thôn (kỳ 1)

 

Nhiều trạm chưa phát huy hết tác dụng

Các hộ dân Kà Ốt được lắp đặt đường ống dẫn nước đến tận nhà, nhưng sử dụng nước quá ít

Ngoài một số trạm cung cấp nước sạch nông thôn sử dụng lâu ngày bị hư hỏng nặng không có kinh phí sửa chữa phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động hoàn toàn, thực tế còn có không ít trạm đang vận hành nhưng chưa hoạt động hết công suất thiết kế do không có nhiều hộ đăng ký sử dụng nước từ trạm cung cấp.

Cụ thể như ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Năm 2007, Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trạm cung cấp nước sạch ở ấp Ninh Hưng 1 thuộc xã Chà Là để phục vụ nhân dân các ấp Ninh Hưng 1, Ninh Hưng 2 và khu vực chợ xã. Theo thiết kế, trạm Ninh Hưng 1 có khả năng cung cấp nước sạch cho 350 hộ dân. Thế nhưng sau khi xây dựng xong đưa vào hoạt động thì chỉ có khoảng 70 hộ đăng ký sử dụng nước do trạm cung cấp. Với số hộ sử dụng quá ít so với thiết kế làm cho hiệu quả xã hội của chương trình bị hạn chế, số tiền thu từ các hộ dùng nước không đủ bù các khoản chi vận hành, cho nên xã phải điều tiết ngân sách xã để cân đối nhằm đảm bảo cho trạm hoạt động thường xuyên. Từ năm 2009 đến nay xã Chà Là tích cực vận động các hộ trong khu vực trạm Ninh Hưng 1 sử dụng nước sạch nên số hộ tham gia có tăng, nhưng cũng chỉ được có 117 hộ đạt khoảng 1/3 số hộ so thiết kế nên vẫn còn lãng phí công suất đầu tư. Ngoài trạm Ninh Hưng 1, năm 2009 xã Chà Là tiếp tục được đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng thêm trạm cung cấp nước sạch ở ấp Láng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng với thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho 350 hộ dân. Đầu năm 2010, trạm ấp Láng đưa vào hoạt động nhưng chỉ có 40 hộ đăng ký sử dụng nước, chỉ hơn 10% tổng số hộ theo thiết kế. Hiện trạm ấp Láng cũng đang trong tình trạng tiền thu không đủ trang trải các khoản chi vận hành trạm.

Đáng chú ý, ở xã Tân Hiệp thuộc huyện Tân Châu được đầu tư kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng trạm cung cấp nước sạch ở ấp Thạnh Phú với công suất bơm là 10 mét khối/giờ và khả năng cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ dân trong khu vực. Ông Châu Văn Nhạn- Tổ trưởng tổ 11, ấp Thạnh Phú cho biết, trạm đã được xây dựng hoàn chỉnh và đường ống chính đã được lắp đặt cách nay hơn 1 năm, nhưng đến nay trạm vẫn chưa hoạt động. Theo lãnh đạo xã Tân Hiệp thì trạm không hoạt động được là do có trục trặc về khâu lắp đặt, đấu nối đường điện vào trạm. Tuy nhiên theo Tổ trưởng tổ dân phố thì trạm chưa hoạt động được một phần là do số hộ đăng ký sử dụng quá ít- đến nay chỉ mới có 18 hộ đăng ký sử dụng nước sạch do trạm cung cấp, trong khi công suất thiết kế của trạm là cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ sử dụng.

Trạm cung cấp nước sạch Tân Hiệp hoàn thành hơn 1 năm nhưng chưa đưa vào hoạt động

Thực ra, cũng có trạm cung cấp nước sạch có số lượng hộ đăng ký sử dụng nước sạch khá nhiều, nhưng số lượng nước tiêu thụ lại quá ít cũng gây lãng phí công suất đầu tư. Ấp Kà Ốt thuộc huyện Tân Châu là ấp biên giới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ năm 2004, Kà Ốt được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm cung cấp nước sạch với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí lắp đặt đường ống đến tận từng hộ dân. Sau khi trạm hoạt động, có hơn 100 hộ dân trong ấp có nước sạch từ trạm cung cấp để sử dụng. Thế nhưng theo anh Ngất Ruôn- người quản lý vận hành trạm cho biết, mỗi tháng hơn 100 hộ dân chỉ sử dụng có khoảng 350 mét khối, bình quân mỗi hộ chỉ sử dụng có 3,5 mét khối mỗi tháng. Một người dân ấp Kà Ốt cho biết sở dĩ bà con nơi đây ít sử dụng nước sạch từ trạm cung cấp là do nhiều nhà đã có giếng khoan hoặc giếng đào nên họ chỉ sử dụng nước sạch của trạm vào việc ăn uống, còn tắm giặt và các sinh hoạt khác thì sử dụng nước giếng. Với khối lượng nước sử dụng thấp như vậy, không chỉ lãng phí công suất đầu tư mà còn gây khó khăn thường xuyên trong công tác quản lý, vận hành trạm. Bởi vì mỗi tháng, Trạm cung cấp nước sạch ấp Kà Ốt chỉ thu tiền sử dụng nước được có khoảng 700.000 đồng, trả tiền điện khoảng 300.000 đồng, còn lại khoảng 400.000 đồng không đủ trả lương cho người quản lý thì lấy đâu ra để trang trải chi phí vận hành.

Nguyên nhân khiến cho một số trạm cung cấp nước sạch nông thôn có quá ít người đăng ký sử dụng là ở nơi đó người dân có thể tự khoan giếng tìm nguồn nước hợp vệ sinh. Khi trạm cung cấp nước sạch xây dựng thì trong khu vực thiết kế cung cấp nước của trạm đã có nhiều hộ có giếng khoan và đặt máy bơm lấy nước sinh hoạt. Từ đó có không ít hộ không muốn bỏ thêm ra một số tiền nữa để lắp đặt đường ống từ đường ống chính của trạm vào nhà (ở Trạm cung cấp nước sạch Tân Hiệp hộ đăng ký sử dụng nước trạm chỉ đóng có 423.000 đồng). Đây là một trong những bất cập khiến cho một số trạm cung cấp nước sạch nông thôn tuy đang hoạt động nhưng không phát huy hết tác dụng.

Có người cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lãng phí công suất ở một số trạm cung cấp nước sạch là do khâu khảo sát chọn địa điểm xây dựng trạm chưa chính xác. Từ đó mà có một số trạm cung cấp nước sạch được đầu tư xây dựng ở những nơi mà nhu cầu nước sạch chưa thực sự bức xúc, bởi vì trong khu vực đó đã có nhiều hộ dân tự tìm được nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng…

SƠN TRẦN

(Còn tiếp)