BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập ở một ngôi chợ vùng ven Thị xã

Cập nhật ngày: 03/12/2010 - 11:11

Thanh Điền là một xã của huyện Châu Thành nhưng thuộc vùng ven thị xã Tây Ninh vì chỉ cách trung tâm tỉnh khoảng hơn 5km. Trong những năm gần đây, cùng với tiến trình đô thị hoá Thị xã nói riêng và cả tỉnh nói chung, Thanh Điền cũng dần thay da đổi thịt. Cụm Công nghiệp Thanh Điền phát triển với hàng ngàn công nhân làm việc cũng góp phần tăng cư dân khu vực quanh trung tâm xã. Cư dân ngày càng nhiều thì nhu cầu bán mua ngày càng lớn. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây việc bán buôn ở chợ Thanh Điền đã phát sinh nhiều bất cập.

Nhiều sạp lấn chiếm đường

Chợ Thanh Điền được xây dựng từ năm 1992. Chợ nằm ngay khu vực ngã tư trung tâm xã nên khá thuận lợi cho việc bán buôn. Trong khu vực chợ có một nhà lồng xây dựng kiên cố, mái lợp tôn, nền tráng xi măng. Thế nhưng thực tế tại chợ Thanh Điền đang diễn ra cảnh bán buôn vừa bất hợp lý, vừa mất trật tự. Bên trong nhà lồng chợ- dù có nền láng xi măng sạch sẽ nhưng chẳng có mấy hộ tiểu thương buôn bán. Hơn phân nửa nhà lồng gần như bỏ trống, trong khi đó bên ngoài nhà lồng thì có đến hàng trăm hộ tiểu thương buôn bán với nhiều kiểu cách khác nhau- có hộ tự cất sạp, có hộ bán ngoài trời và cũng có hộ chỉ làm giá treo đồ bán và che nắng bằng dù. Điều bất cập trước tiên là có rất nhiều tiểu thương cất sạp buôn bán ngoài nhà lồng nhưng không nằm trong khu vực chợ mà lấn chiếm cả một góc ngã tư rộng lớn và cũng chẳng theo trật tự nào. Do đó cảnh bán buôn ở đây diễn ra hết sức lộn xộn. Nhìn tổng thể, chợ Thanh Điền hiện nay cứ như là một chợ tự phát ở vùng nông thôn sâu nào đó, chứ không phải là một chợ xã vùng ven tỉnh lỵ Tây Ninh.

Vì sao chợ Thanh Điền lại có hiện tượng bất hợp lý như vậy? Một số người sống chung quanh chợ cho biết, khi chợ mới xây dựng, tất cả mặt bằng trong nhà lồng đều có hộ tiểu thương đăng ký và đóng tiền dựng sạp buôn bán. Thế nhưng, sau đó có một số hộ tiểu thương dựng sạp bán ngoài nhà lồng, gần đường, thuận tiện cho người mua nên dần dần ít người vào nhà lồng mua hàng. Hộ bán ngoài nhà lồng ngày càng nhiều thì ngày càng ít người vào bên trong nhà lồng. Chính vì thế một số hộ tiểu thương buôn bán trong nhà lồng bỏ mặt bằng, dời sạp ra gần đường để có thể bán được hàng. Hậu quả là ngoài đường ngày càng đông người bán mà trong nhà lồng thì ngày càng thưa dần. Việc lấn chiếm ngã tư đường vừa gây khó khăn về giao thông, vừa mất cảnh quan, lại gây ô nhiễm môi trường chung quanh do rác thải từ các sạp. Chuyện rác thải cũng là điều bất cập. Nhiều năm trước, rác thải được bỏ bừa bãi quanh chợ. Những năm gần đây có xe rác của Công ty CP Công trình đô thị đến lấy, nhưng công việc thu gom lại do người của xã đảm nhiệm. So với trước đây, những bãi rác tập trung không còn, nhưng chuyện thu gom rác vẫn chưa được triệt để. Vì vậy một số khu vực chung quanh chợ vẫn còn vương vãi nhiều rác. Đáng lo là gần chợ có một ngôi trường tiểu học và một trường mẫu giáo, khu vực chung quanh hàng rào các trường cũng thường xuyên vương vãi rác. Gặp người thu gom rác ở chợ Thanh Điền hỏi thăm thì được biết công việc nhiều nhưng thu nhập thì quá thấp- chỉ có 300 ngàn đồng mỗi tháng. Với thu nhập như vậy thì chuyện thu gom rác được chăng hay chớ cũng không có gì lạ. Một số tiểu thương cho rằng, không có nhiều hộ bán buôn trong nhà lồng chợ một phần cũng do đường đi chung quanh nhà lồng quá chật chội, người mua muốn vào cũng khó khăn, đồng thời hệ thống thoát nước chung quanh nhà lồng chẳng còn thoát được, gây mất vệ sinh nên cả người bán lẫn người mua đều không muốn đến. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa khiến cho tiểu thương dồn ra đường là do diện tích khu vực chợ so với sự phát triển các hộ tiểu thương thì quá hẹp, không còn đủ sức bố trí hết các sạp bán buôn.

Trong khi nhà lồng chợ thì trống lốc

Tất cả những bất cập nêu trên đã khiến cho chợ xã Thanh Điền vẫn tiếp tục tồn tại theo kiểu hỗn độn. Trong mấy năm qua, chính quyền xã cũng đã nhiều lần tổ chức “dọn dẹp” các hộ tiểu thương tự phát lấn chiếm khu vực ngã tư buôn bán. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau “đâu lại vào đấy”. Theo một số tiểu thương, muốn lập lại trật tự ở chợ Thanh Điền, trước tiên phải dọn dẹp mặt bằng trong khu vực chợ, nâng cấp hệ thống thoát nước, sửa sang lại nhà lồng và tạo đường đi thông thoáng từ ngoài vào nhà lồng. Có biện pháp buộc các hộ tiểu thương lấn chiếm “mặt tiền” vào trong khu vực chợ buôn bán có trật tự. Lúc đó các hộ buôn bán trong nhà lồng mới ổn định và có thể bán được hàng.

Tuy nhiên, việc sửa sang lại chợ hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt để hạn chế tình trạng lộn xộn. Còn về lâu dài, do sự phát triển kinh tế của một xã vùng ven- trong đó có cả một cụm công nghiệp thì nhất thiết phải có điều chỉnh mở rộng quy hoạch khu vực chợ Thanh Điền mới đáp ứng kịp với quy mô bán buôn ngày càng lớn.

SƠN TRẦN