Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở một số nơi, đơn vị thụ hưởng phản ánh tình trạng thiết kế những hạng mục công trình không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình sử dụng.
Phòng tin học và ngoại ngữ ghép chung tại trường THCS Tây Sơn (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên).
Ðiển hình như công trình chợ Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), nhiều tiểu thương phản ánh tình trạng phía trước chợ không có mái che, nước mưa tạt vào làm ướt hàng hoá, gây khó khăn cho việc buôn bán.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Chủ tịch UBND xã Cầu Khởi, chủ đầu tư chợ cho biết, địa phương đã ghi nhận những ý kiến của tiểu thương. Tháng 8.2018, UBND xã đã vận động các tiểu thương phía trước và sau chợ tự trang bị mái che. Ðến mùa mưa năm 2019, nếu mưa vẫn gây ảnh hưởng ađịa phương sẽ phối hợp với BQL chợ khắc phục.
Ðối với việc đơn vị tư vấn không lấy ý kiến của tiểu thương về thiết kế chợ, bà Giàu cho biết, tháng 10.2016, có 2 đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát hiện trạng. Sau khi hoàn thành bản thiết kế, chủ đầu tư đã 3 lần lấy ý kiến của Ban Chỉ đạo xã, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban Phát triển ấp và Ban Quản lý chợ. Chủ đầu tư không lấy ý kiến của tiểu thương vì đây là nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chứ không phải là xã hội hoá. Sau khi xây dựng, chủ đầu tư cho các tiểu thương thuê mặt bằng để buôn bán và dùng số tiền đó để trả phần đối ứng theo quy định của Nhà nước là 20%.
Theo Chủ tịch UBND xã, văn bản hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 không quy định cụ thể nhà lồng chợ phải có mái che hay không có mái che (!). Do đó, những hạng mục như mái che, máng xối, đường ống nước... được chủ đầu tư cắt giảm để tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã có văn bản thẩm định chợ Cầu Khởi bảo đảm đúng chất lượng, bảo đảm đúng thiết kế kỹ thuật nên đầu tháng 3.2019, UBND xã đã bàn giao và đưa chợ vào sử dụng chính thức.
Khu vực nhà vệ sinh tại chợ Lộc Hưng nằm ngay bãi rác bốc mùi hôi thối.
Một công trình khác bị phản ánh xây dựng không phù hợp với thực tế là Trường THCS Tây Sơn (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên). Hiệu trưởng Võ Văn Ban cho biết, trường do BQL Dự án Ðầu tư và Xây dựng huyện làm chủ đầu tư, xây mới 2 dãy và nâng cấp cải tạo một dãy phòng học. Trước khi thi công, chủ đầu tư có lấy ý kiến của đơn vị sử dụng về vài hạng mục. Tuy nhiên, do bản vẽ thiết kế kỹ thuật quá nhiều và “dày”, nên đơn vị sử dụng không có thời gian xem rõ và không hiểu được hết nội dung để có ý kiến chỉnh sửa phù hợp.
Khi công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng, bộc lộ một số bất cập như: phòng thư viện của trường quá hẹp, làm cản trở hoạt động chuyên môn của giáo viên và nhu cầu sử dụng của học sinh. Bên cạnh đó, phòng tin học và ngoại ngữ thiết kế không phù hợp gây bất tiện cho việc dạy và học. Cụ thể, chủ đầu tư đã cho thi công ghép hai phòng tin học - ngoại ngữ chung lại với nhau với diện tích rộng gấp 1,5 lần so với phòng học bình thường. Hiện phòng tin học - ngoại ngữ được bố trí 3 dãy máy tính bàn phía trên phục vụ dạy và học môn tin học. Phía cuối dãy được bố trí cho việc dạy và học môn ngoại ngữ. Trong khi môn ngoại ngữ rất cần máy chiếu nhưng chỗ ngồi và máy chiếu quá xa, học sinh khó tiếp thu bài học.
Ông Cao Tấn Sĩ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, phụ trách về thiết kế và xây dựng cơ bản cho biết, trước đây, khi xây trường học, các phòng chức năng được quy định xây dựng riêng biệt, trong đó có phòng tin học và phòng ngoại ngữ, mỗi phòng diện tích 72m2. Tuy nhiên, năm 2016, Sở GD&ÐT có công văn số 400/HD-SGDÐT hướng dẫn xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất đối với xã điểm xây dựng nông thôn mới, có một vài hạng mục của công trình sẽ được xây dựng dồn ghép lại để giảm bớt chi phí như phòng tin học, ngoại ngữ được ghép chung. Trường THCS Tây Sơn khi xây dựng đã thực hiện đúng theo tinh thần của Công văn số 400. Ông Sĩ cho rằng, nếu phòng tin học và ngoại ngữ được xây tách riêng sẽ hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do diện tích phòng tin học khá lớn so với số lượng học sinh ngồi học.
Ðối với hạng mục thư viện Trường THCS Tây Sơn được phản ánh là có diện tích nhỏ, ông Sĩ cho rằng các hạng mục này đã được thiết kế đúng hướng dẫn của tỉnh. Vấn đề sắp xếp thư viện như thế nào để bảo đảm công tác dạy và học của thầy trò là trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường.
Ông Sĩ xác nhận, trước khi thi công công trình Trường THCS Tây Sơn, đơn vị thiết kế cùng chủ đầu tư có cho đơn vị thụ hưởng xem bản thiết kế để đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, phần lớn các thầy giáo không có chuyên môn về xây dựng nên không thể nào hiểu và nắm hết các chi tiết thi công bên trong bản thiết kế. Ðến khi công trình hoàn thành, bàn giao thì đơn vị thụ hưởng mới có ý kiến là có bất cập.
Ông Nguyễn Trình Quyển - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðầu tư và Xây dựng huyện (chủ đầu tư) cho biết, trước khi công trình được đưa vào thi công, đơn vị đã tổ chức nhiều buổi họp lấy ý kiến đóng góp về bản thiết kế kỹ thuật của công trình, gồm các thành phần tham gia là chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật và đơn vị thụ hưởng gián tiếp (Phòng GD&ÐT), đơn vị thụ hưởng trực tiếp (Trường THCS Tây Sơn) và nhận được sự đồng tình, thống nhất với bản thiết kế.
Trong khi đó, tại chợ xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng), quá trình xây dựng các công trình chợ cũng lộ ra một số bất cập, không phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ cho biết, văn phòng của Tổ được thiết kế trên nền đất trống ở cuối chợ. Ðiều này là bất hợp lý bởi bộ phận quản lý chợ phải được bố trí gần hệ thống phòng cháy chữa cháy để khi xảy ra sự cố, lực lượng quản lý chợ sẽ nhanh chóng ứng phó kịp thời.
Hơn nữa, do văn phòng Tổ Quản lý nằm ở cuối chợ, ngay khu vực chợ cá nên người dân khó tìm thấy để liên hệ, phản ánh, trao đổi các hoạt động có liên quan. Lẽ ra, phải được bố trí ở khu vực đầu chợ, hoặc những khu vực dễ nhìn thấy để thuận tiện trong quá trình hoạt động của Tổ. Ông Lộc cho biết đã có ý kiến phản ánh trong những đợt tiếp xúc cử tri và mong muốn sớm được bố trí văn phòng quản lý cho phù hợp.
Ðồng thời, ông Lộc cũng đề nghị chủ đầu tư cho nâng cấp sửa chữa nhà vệ sinh cho tiêu thoát dễ dàng để phục vụ tiểu thương và người dân. Ông cũng kiến nghị lãnh đạo địa phương sớm có phương án thu gom rác thải tại chợ, hạn chế tình trạng bốc mùi hôi thối như hiện nay, đặc biệt ngay khu vực nhà vệ sinh.
NHI TRẦN