Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên
Thứ sáu: 00:17 ngày 09/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu Bộ GD&ÐT không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì nên hướng dẫn, cho phép giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đưa nội dung học tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lồng ghép vào chương trình tự học bồi dưỡng thường xuyên hằng năm, giúp giáo viên không phải mất thêm thời gian và chi phí để học lấy chứng chỉ chức danh nghề.

Ảnh minh hoạ

Liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, hiện nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ÐT xem lại các quy định trong “chùm” thông tư (01, 02, 03 và 04) có hiệu lực từ 20.3.2021. Một trong những cơ sở để nêu vấn đề là, “chùm” thông tư của Bộ ngoài một số nội dung có thể định lượng thì có những nội dung khó, nếu không muốn nói là không thể định lượng được, trong đó có tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo. Quy định nhà giáo hạng I có đạo đức... cao hơn nhà giáo hạng II, nhà giáo hạng II có đạo đức cao hơn nhà giáo hạng III.

Ví dụ, quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo ghi, giáo viên hạng III phải “trau dồi”, hạng II phải “gương mẫu” và hạng I phải là “tấm gương” về đạo đức. Nhiều ý kiến chỉ ra, đây là quy định thiếu thực tế, không có cơ sở để đánh giá giáo viên trên phương diện đạo đức nghề nghiệp.

Bởi vì, không thể căn cứ vào thứ hạng của giáo viên để đánh giá người đó phải thường xuyên “trau dồi đạo đức” hoặc “gương mẫu” hay là “tấm gương”. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có thể định lượng được (căn cứ chứng chỉ, văn bằng...) nhưng dựa vào điều này để phân loại đạo đức nhà giáo là thiếu cơ sở vững chắc.

Năm 2008, Bộ GD&ÐT có Quyết định 16/2008/QÐ-BGDÐT quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó ban hành một chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, không quy định giáo viên cấp cao thì đạo đức cao hơn giáo viên cấp thấp.

Luật Viên chức năm 2010 quy định: “Ðạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”.

Theo tinh thần đó, chỉ có một bộ quy tắc, chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các mức độ cao thấp theo thứ hạng viên chức.

Trước đó, ngày 20.3.2021, Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (vừa được bầu làm Chủ tịch nước), yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức; nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Ðồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức; Bộ GD&ÐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Bộ GD&ÐT có trách nhiệm đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này; các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2021.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tuớng, dư luận trong và ngoài ngành, nhìn chung, hết sức hoan nghênh động thái kịp thời, sâu sát của người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ sửa chữa mà cần xem xét huỷ bỏ “chùm” thông tư nói trên vì những quy định thiếu thực tế, không thể định lượng.

Theo quy định của Bộ GD&ÐT, kể từ ngày 20.3.2021, lương, thu nhập của giáo viên được căn cứ vào thứ hạng của giáo viên đó. Tuy nhiên, khi nào quy định này được thực hiện và thực hiện như thế nào thì chưa biết. Một số giáo viên (đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp) sẽ được thay đổi hệ số, thang bậc lương.

Nhưng đại bộ phận giáo viên các cấp học chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì mọi chuyện vẫn như cũ. Trong khi đó, văn bằng (nơi trường sư phạm cấp) cho giáo viên có giá trị ngang nhau.

Nay, chỉ căn cứ vào chức danh, thứ hạng, chứng chỉ nghề nghiệp để “phân biệt” cao thấp trong thu nhập, thang bậc, hệ số lương liệu có hợp lý hay không? Trên thực tế, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp của giáo viên đến đâu là do cá nhân người thầy đối với học trò của mình chứ không chỉ được quyết định bởi cái chứng chỉ.

Giai đoạn 2015-2020, Bộ GD&ÐT cùng một số bộ, ngành liên quan đã thực hiện mạnh mẽ về cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Nhiều quy định nặng tính hình thức, một số chứng chỉ đã và đang được bãi bỏ.

Nhưng, riêng với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, không phải ai khác, chính những người trong ngành lại phản ứng mạnh nhất. Nếu Bộ GD&ÐT không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì nên hướng dẫn, cho phép giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đưa nội dung học tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lồng ghép vào chương trình tự học bồi dưỡng thường xuyên hằng năm, giúp giáo viên không phải mất thêm thời gian và chi phí để học lấy chứng chỉ chức danh nghề. 

Ð.V.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục