Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập trong quản lý nhà đất công: Nhiều trụ sở bỏ hoang, lãng phí tài sản Nhà nước
Thứ hai: 00:08 ngày 03/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo tìm hiểu của người viết, trên địa bàn tỉnh có hàng chục trụ sở của các cơ quan, đơn vị bị bỏ hoang, gây ra tình trạng lãng phí đất đai. Ngoài những điểm đã nói trên thì còn nhiều trường học sau sáp nhập cũng đang trong tình trạng hoang hoá.

Trụ sở cũ của Chi cục Thuế huyện Bến Cầu bị bỏ hoang không sử dụng đã lâu.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được sắp xếp tinh gọn, hợp lý. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, chuyển đổi, nhiều trụ sở, trường học cũ vẫn chưa được sắp xếp tái sử dụng mà bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản Nhà nước.

Nhiều trụ sở bị bỏ hoang

Từ đầu năm 2008, dự án xây mới trụ sở Huyện uỷ - Uỷ ban nhân dân huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) tại thị trấn Hoà Thành (nay là phường Long Hoa) được khởi công, công trình gồm khối làm việc Huyện uỷ; khối làm việc UBND; các khối phòng, ban huyện. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010.

Sau khi UBND Hoà Thành chuyển đến địa điểm mới, nơi này được bố trí là nơi làm việc của một số đơn vị khác, nhưng chỉ một thời gian ngắn, các đơn vị này cũng chuyển đi nên trụ sở tiếp tục bị bỏ hoang đến nay.

Bà B.T.N.A, người dân ngụ khu phố Hiệp An, phường Hiệp Tân cho biết, từ khi trụ sở của UBND thị xã Hoà Thành bị bỏ hoang, cây cỏ mọc hoang um tùm, các công trình bên trong xuống cấp thấy rõ, nhiều đoạn rào chắn bằng sắt theo thời gian bị mục, gãy nên nhiều người dân thiếu ý thức đem rác đến vứt bừa bãi bên trong.

Theo ông Đức (ngụ khu phố Hiệp An), trụ sở cũ của UBND Hoà Thành trước đây rất khang trang, nằm ngay mặt tiền 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Lạc Long Quân nhưng lại bị bỏ hoang không sử dụng nhiều năm nay, vừa gây mất mỹ quan vừa lãng phí tài sản Nhà nước.

Tại thành phố Tây Ninh, theo phản ánh của người dân phường 3, trên địa bàn phường có hai trụ sở bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thu Phượng, nhà đối diện với 2 trụ sở bỏ hoang trên đường Phạm Tung cho biết, trước đây, hai trụ sở là của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh và Công ty cổ phần Xây dựng Tây Ninh. Cả hai đơn vị này đã chuyển đến địa điểm làm việc mới từ hơn 5 năm trước. Hiện các trụ sở này đều bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm, nhiều người đến dựng lều buôn bán cặp hàng rào của hai trụ sở này, thu hút các đối tượng tập trung ăn nhậu vào ban đêm, gây mất an ninh trật tự, làm người dân địa phương lo lắng.

Nằm ngay khu vực trung tâm thị trấn huyện Bến Cầu, tiếp giáp với Kho bạc Nhà nước và UBND huyện, phía trước là trục đường 786, nhưng trụ sở cũ của hai cơ quan là Chi cục Thuế và Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu lại đang trong tình trạng bỏ hoang, không sử dụng nhiều năm qua. Theo người dân địa phương, trụ sở hai cơ quan này bị bỏ hoang từ năm 2018, ban đầu có thông tin nơi này quy hoạch để xây dựng siêu thị, nhưng đến nay vẫn không có triển khai.

Trụ sở Trung tâm Văn hoá thông tin Thành phố không sử dụng dù nằm ở vị trí mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám.

Gần 2 năm qua, trụ sở HĐND, UBND xã Long Giang (huyện Bến Cầu) toạ lạc tại ấp Bảo, xã Long Giang được di dời sang vị trí mới cách đó khoảng 1km, cũng chừng đó thời gian, trụ sở cũ bị bỏ hoang phế.

Bà L.T.H, ngụ ấp Bảo, xã Long Giang cho biết, trụ sở xã cũ nằm ngay ngã ba Long Giang, với 2 mặt tiền của 2 con đường là 786 và đường liên xã Long Giang - Long Phước, rất thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, từ đó đến nay, nơi này bị đóng cửa, bên trong trụ sở, các hạng mục công trình nhà làm việc, nhà xe, nhà vệ sinh xuống cấp, bỏ hoang gây lãng phí.

Theo tìm hiểu của người viết, trên địa bàn tỉnh có hàng chục trụ sở của các cơ quan, đơn vị bị bỏ hoang, gây ra tình trạng lãng phí đất đai. Ngoài những điểm đã nói trên thì còn nhiều trường học sau sáp nhập cũng đang trong tình trạng hoang hoá.

Bà M, ngụ ấp Long Giao, xã Long Chữ cho biết, trên địa bàn trước đây có điểm Trường tiểu học Long Chữ B, ngôi trường này được xây dựng khoảng hơn 30 năm trước. Khoảng 3 năm trở lại đây, điểm trường này sáp nhập với các điểm trường khác trên địa bàn xã với tên gọi mới là Trường tiểu học Long Chữ (phía sau trụ sở UBND xã Long Chữ). Từ đó đến nay, điểm Trường tiểu học Long Chữ B bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm.

Theo bà M, địa bàn xã Long Chữ rất rộng, việc sáp nhập các điểm trường về một chỗ khiến cho việc học hành của con em nơi đây gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu như trước đây, khi còn điểm trường này, học sinh chỉ việc đi bộ hoặc tự đi xe đạp đến trường, hiện nay, cha mẹ các cháu phải đưa đón vì khoảng cách đến trường mới quá xa. Một số gia đình nhà ở xa, cả hai vợ chồng đi làm công nhân thì việc đưa đón con lại phải nhờ hàng xóm rất bất tiện. Bên cạnh đó, thay vì tìm phương án tái sử dụng để phát triển kinh tế địa phương thì điểm trường này lại bị đóng cửa, bỏ hoang, rất lãng phí.

Chờ quyết định của tỉnh?

Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết, qua rà soát, trên địa bàn Thành phố hiện có 16 công trình trụ sở các cơ quan đơn vị Nhà nước đang không sử dụng từ một năm trở lên. UBND Thành phố đã tổng hợp để báo cáo Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét phương án sắp xếp xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 8.4.2019 và Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 18.12.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, trụ sở Công ty cổ phần xây dựng Tây Ninh đang được Thành phố xin tỉnh để làm trụ sở mới cho Chi cục Thuế Thành phố. Đồng thời, UBND Thành phố đang trình tỉnh chủ trương giao đất của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh xây dựng trụ sở UBND phường 3.

Ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn huyện có 21 trụ sở của các cơ quan, đơn vị nhà nước đang không được sử dụng từ 1 năm trở lên, trong đó, cấp huyện có 2 trụ sở cũ là nhà, đất dôi dư của Trung tâm Y tế huyện và Chi cục Thuế; cấp xã có 1 trụ sở UBND xã Long Giang. Bên cạnh đó còn có 18 điểm là khối các trường học (có 10 vị trí dôi dư điều chuyển qua làm trụ sở nhà văn hoá và trung tâm văn hoá xã, còn lại 8 vị trí đề nghị bán đấu giá theo Nghị định 167).

Đến nay, toàn bộ trụ sở nhà, đất dôi dư trên địa bàn huyện đã được huyện báo cáo và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP và 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguyên An

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh