Bài liên
quan:
>> Bất
cập trong quản lý và thực hiện chính sách về môi trường
 |
Nhiều nhà máy chế biến khoai mì xây dựng hệ thống biogas |
Thực trạng thiếu thiết bị, phương tiện đo đạc
nhanh thông số môi trường ở các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện gần như
là thực trạng chung trên toàn tỉnh. Trong khi hằng năm lĩnh vực quản lý, bảo vệ
môi trường ở các huyện, thị đều được phân bổ nguồn kinh phí hoạt động và mua sắm
thiết bị. Như thế, trong những năm qua nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường phân
bố cho các huyện, thị đã được sử dụng như thế nào?
Kinh phí sự nghiệp môi trường- rất ít
nhưng... xài không hết (?!)
Từ khi có Luật Bảo vệ môi trường, hằng năm Nhà
nước đều có khoản chi ngân sách dành cho sự nghiệp môi trường. Riêng với các
huyện, thị trong tỉnh ta, kinh phí sự nghiệp môi trường được bố trí từ năm 2007
đến nay. Theo Thông tư Liên tịch số 114/2006/TTLT- BTC-TNMT của Bộ Tài chính và
Bộ Tài nguyên và Môi trường thì kinh phí sự nghiệp môi trường được quy định
trích từ tổng chi ngân sách Nhà nước không thấp hơn 1%. Thế nhưng từ nhiều năm
nay, chưa có huyện, thị nào chi kinh phí sự nghiệp môi trường đủ 1% tổng chi
ngân sách, thực tế chi ít hơn nhiều. Điều đáng nói là dù nguồn thực chi kinh phí
sự nghiệp môi trường được trích chi rất ít so với quy định, nhưng hầu như tất cả
các địa phương đều sử dụng không hết.
Điển hình như ở huyện Hoà Thành, nguồn chi ngân
sách Nhà nước hằng năm là hơn 100 tỷ đồng, nếu trích 1% cho kinh phí sự nghiệp
môi trường thì hằng năm nguồn chi này phải được hơn 1 tỷ đồng. Thực tế năm 2007,
khoản kinh phí sự nghiệp môi trường ở đây chỉ có 80 triệu đồng, năm 2008 còn
thấp hơn, chỉ có 60 triệu đồng. Riêng năm 2009 có khá hơn, được 288,5 triệu
đồng, nhưng đến năm 2010 lại giảm xuống chỉ có 206 triệu đồng. So với hạn mức
quy định là 1% tổng chi ngân sách thì số thực chi năm cao nhất ở huyện Hoà Thành
chỉ được khoảng 1/5, tức là 0,2% tổng chi. Vậy mà từ năm 2007 đến nay, không năm
nào huyện Hoà Thành sử dụng hết nguồn kinh phí sự nghiệp ít ỏi này. Cụ thể năm
2007 huyện chỉ sử dụng 35 triệu trên tổng số 80 triệu đồng; năm 2008 sử dụng
được gần… 10 triệu trên tổng số 60 triệu đồng; năm 2009 sử dụng chưa đến 64
triệu trên tổng số 288,5 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2010 chỉ mới sử dụng có
39 triệu trên tổng số 206 triệu đồng. Tương tự, ở huyện Dương Minh Châu, nếu
tính đủ 1% tổng nguồn chi thì kinh phí sự nghiệp môi trường cũng được xấp xỉ 1
tỷ đồng. Thế nhưng năm 2007 chỉ phân bổ có 80 triệu đồng, và… sử dụng 48,5 triệu
đồng; năm 2008 phân bổ được 94 triệu đồng, chỉ sử dụng… 6 triệu đồng; năm 2009
phân bổ khá hơn- 204 triệu, và cũng chỉ sử dụng 50 triệu đồng và năm 2010 phân
bổ 147 triệu đồng, nhưng trong 9 tháng đầu năm mới sử dụng có 58 triệu đồng.
Thực trạng kinh phí phân bổ đã ít mà lại không
sử dụng hết xảy ra ở tất cả huyện, thị trong tỉnh. Kể cả ở Sở Tài nguyên và Môi
trường, kinh phí sự nghiệp môi trường trong những năm qua cũng sử dụng không
hết. Cụ thể năm 2006, Sở được phân bổ 2,2 tỷ đồng, thực tế chỉ sử dụng có 1,6 tỷ
đồng; năm 2007 phân bổ 3,5 tỷ đồng chỉ sử dụng 684 triệu đồng; năm 2008 phân bổ
3 tỷ đồng sử dụng chỉ được 390 triệu đồng; năm 2009 phân bổ giảm xuống còn 1 tỷ
đồng và chỉ sử dụng 165 triệu đồng. Nguồn kinh phí phân bổ sự nghiệp môi trường
quá ít so với quy định đã là điều chưa hợp lý, nhưng thực tế các địa phương sử
dụng không hết nguồn kinh phí này lại càng bất hợp lý hơn, trong khi huyện nào
cũng thiếu thiết bị đo đạc, phương tiện hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường.
Vì sao như vậy?
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các
huyện cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến cho Phòng không mạnh dạn đề xuất sử
dụng kinh phí sự nghiệp môi trường- nhất là sử dụng vào việc mua sắm thiết bị
phục vụ công tác bảo vệ môi trường là do các hạng mục chi chưa được quy định cụ
thể, chi tiết và rõ ràng. Do các địa phương không nắm rõ nguồn kinh phí sự
nghiệp môi trường được phép chi vào mục nào và không được phép chi vào mục nào,
cho nên ai cũng ngần ngại trong việc sử dụng nguồn kinh phí này. Có những khoản
mua sắm thiết bị Phòng Tài nguyên và Môi trường dự định chi, nhưng Phòng Tài
chính lại cho rằng không đúng mục chi, sẽ không quyết toán được nên đành phải bỏ
qua dù nguồn kinh phí được phân bổ chưa sử dụng hết.
 |
Kinh phí không thiếu trong khi nhiều
xã chưa có kinh phí cho việc thu gom rác chợ |
Thực tế, ngoài Thông tư Liên tịch của Bộ Tài
chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp
môi trường vào năm 2006, thì từ tháng 2.2007 Liên Sở Tài chính và Tài nguyên &
Môi trường Tây Ninh cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý kinh phí sự
nghiệp môi trường cấp huyện, thị. Theo đó, nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường của
ngân sách huyện, thị bao gồm: hoạt động điều tra cơ bản, khảo sát, báo cáo,
thống kê số liệu tác động môi trường; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát ô nhiễm môi trường; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật, tập huấn, hội thảo nghiệp vụ chuyên môn về bảo vệ môi
trường; chi phí cho cuộc thi tìm hiểu về lĩnh vực bảo vệ môi trường… và mua sắm
trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường. Riêng quy định
về mua sắm trang thiết bị được nêu rất cụ thể là: máy đo độ ồn cầm tay, máy vi
tính, máy in; máy đo pH cầm tay… Theo văn bản hướng dẫn này thì khoản kinh phí
dành cho việc mua sắm thiết bị phục vụ công tác chuyên môn bảo vệ môi trường
được quy định là 30 triệu đồng/năm.
Như vậy, những lấn cấn về mục chi kinh phí sự
nghiệp môi trường không biết là do Phòng Tài nguyên và Môi trường hay do Phòng
Tài chính ở các huyện, thị không nắm vững quy định của Liên Sở đã có từ đầu năm
2007. Từ sự lấn cấn này mà nhiều năm nay các huyện, thị không dám mạnh dạn mua
sắm thiết bị và tổ chức các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vì thế hiệu quả công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở các
địa phương luôn bị hạn chế rất lớn. Nên chăng, ngành chức năng và các địa phương
cần có sự bàn bạc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề còn vướng mắc trong việc
sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, để nguồn chi sẽ mang lại hiệu quả thiết
thực.
Ngoài bất cập về phân bổ và sử dụng nguồn kinh
phí sự nghiệp môi trường, trong công tác bảo vệ môi trường vẫn còn vấn đề rất
đáng quan tâm là việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường…
Sơn TrẦn
(Còn tiếp)