BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập trong việc đánh giá tạp chất khoai mì 

Cập nhật ngày: 21/06/2017 - 06:05

BTN - Nhiều nông dân trồng mì, thậm chí cả “lái mì” chuyên nghiệp hiện đang bức xúc trước việc các cơ sở chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh đánh giá tạp chất bằng... mắt thường, không có thiết bị, máy móc, không theo quy trình công nghệ nào cả (?).

Sản xuất bột mì tại một nhà máy mì (ảnh minh hoạ).

NỖI “ÁM ẢNH” CỦA NGƯỜI TRỒNG MÌ

Ông Nguyễn Văn Lành, một người trồng mì kiêm “lái” tại ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, là người có thâm niên trồng và mua bán loại nông sản này, nhưng việc đánh giá tạp chất của các lò mì luôn khiến ông vô cùng bức xúc.

Theo ông Lành, vào mùa khô, thông thường các lò mì đánh giá tạp chất dao động từ 10% đến 15% khối lượng, có nghĩa là một tấn khoai mì “bị đánh giá” có khoảng 100 đến 150kg tạp chất. Với mức đánh giá này, người trồng mì lẫn “lái” có thể chấp nhận được vì thực tế khoai mì sau khi nhổ vẫn còn bám bụi, đất....

Thế nhưng, khi đến mùa mưa, cả người trồng lẫn “lái” đều khóc ròng khi các lò mì đánh giá tạp chất khoai mì lên tới 30%, thậm chí 40%. Có nghĩa 10 tấn khoai mì, trừ tạp chất chỉ còn lại khoảng 6 đến 7 tấn. Vì vậy, người trồng mì luôn cầm chắc phần lỗ, không bao giờ có lãi vì cách đánh giá “trên trời” như thế.

Ông Lành cho biết thêm, người trồng mì ruộng thường phải đối mặt với những khó khăn do thời tiết. Nếu mùa mưa đến sớm như năm nay, người trồng mì phải tranh thủ nhổ, bán trước khi ruộng bị ngập nước, thối củ. Do đó, khi đưa đến lò mì, dù bị đánh giá tạp chất cao đến 40%, người trồng cũng phải “cắn răng” bán để gỡ gạc, dù chủ lò “không hề ép buộc” phải bán cho họ.

Chưa kể, việc vận chuyển được khối lượng khoai mì từ ruộng về lò vào mùa mưa không hề đơn giản, hơn nữa, khi ruộng bị ngập, dù củ mì lớn hay nhỏ nông dân đều không dám để lâu, sợ khoai bị chạy chỉ, ảnh hưởng đến chất lượng bột nên “bất cứ giá nào” cũng phải bán cho lò.

Vụ mì năm nay, ông Lành trồng khoảng 50 ha. Do mưa đến sớm nên gần phân nửa diện tích ruộng mì của ông bị ngập, đành phải bỏ; số còn lại, ông tranh thủ nhổ đem đến lò bán nhưng bị đánh giá tạp chất từ 40% trở lên. Nghĩa là cứ 10 tấn khoai mì trên xe, ông Lành chỉ được nhà máy tính tiền hơn phân nửa. Vì vậy mà vụ mì này, xem như ông Lành trắng tay.

Điều làm ông Lành ấm ức nhất là các lò mì chỉ đánh giá tạp chất khoai mì bằng mắt thường, chứ không có máy móc, thiết bị. Khác với đo chữ bột mì- bằng cách lấy mẫu để tính chữ bột, việc các lò mì đánh giá tạp chất khoai mì bằng mắt thường, cảm tính như thế không chính xác, không khách quan và bao giờ phần thiệt hại cũng nghiêng về phía nông dân.

Nông dân Nguyễn Văn Bảy, ngụ ở xã Hoà Hiệp cho rằng, không ít cơ sở chế biến lợi dụng người dân tranh thủ nhổ mì vào mùa mưa để đánh tạp chất khá cao, đẩy cái khó về cho nông dân. Trong thời điểm giá xuống thấp, các lò mì hoạt động ít lãi, họ sẵn sàng “bỏ rơi” nông dân, khi đó lò mì dán thông báo đang bảo trì máy... là họ tạm ngưng thu mua. Cho nên có giai đoạn mì tới kỳ thu hoạch nhưng người nông dân phải gian nan tìm nơi để bán.

Ông Bảy kiến nghị, ngành chức năng cần xem xét ban hành quy định về việc đánh giá tạp chất khoai mì, như quy định đánh giá tạp chất cây mía đang được áp dụng. Có như thế mới giúp người trồng mì không còn phải “ám ảnh” về việc bị trừ tạp chất khoai mì vô tội vạ như hiện nay.

Thu hoạch khoai mì trồng ở ruộng thấp.

THUẬN MUA, VỪA BÁN 

Một chủ lò mì ở huyện Tân Châu cho biết, đúng là các cơ sở chế biến đánh giá tạp chất chỉ bằng cảm tính, bằng mắt thường. Tuy nhiên, do “đặc thù” khoai mì khi nhổ lên còn dính nhiều cát đất, đầu củ chặt còn dài... nên lò mì phải đánh tạp chất tương ứng nhằm tránh bị thiệt hại.

Mặt khác, lò mì cũng không ép nông dân hay “lái” phải bán mì khi bị đánh tạp chất có tỷ lệ cao. Nếu không đồng ý với việc đánh giá tạp chất, họ có thể đem đến nơi khác để bán. Cho nên, việc nông dân cho rằng lò mì đánh giá tạp chất cao, ép họ là không đúng, vì trong mua bán ai cũng phải tính đến yếu tố loại trừ thiệt hại để bảo đảm kinh doanh có lãi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khác với cây mía đã có quy chuẩn về đánh giá tạp chất, chữ đường do Bộ NN&PTNT ban hành, hiện vẫn chưa có quy chuẩn nào áp dụng vào việc đánh giá tạp chất khoai mì.

Qua phản ánh của người dân, Sở cũng đã cử cán bộ đi tìm hiểu việc thu mua và đánh giá tạp chất tại một số lò mì. Cán bộ ngành chức năng ghi nhận thực tế các lò mì hiện vẫn đánh giá tạp chất khoai mì khi thu mua chỉ bằng cảm quan.

Riêng việc đánh giá về chữ bột khoai mì của các lò mì, hiện chỉ có Quyết định số 228/1999/QĐ-BKHCNMT của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường được ban hành từ năm 1999 quy định tạm thời về phương pháp lấy mẫu khoai mì, chứ không có văn bản nào quy định về đánh giá tạp chất khoai mì

Có thể do thiếu bộ quy chuẩn đánh giá tạp chất khoai mì nên người nông dân phải chịu thiệt thòi khi bị “lò mì” đánh giá tạp chất bằng mắt. Do vậy, để việc thu mua giữa người nông dân và các lò mì được khách quan, trung thực hơn, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh cần kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét ban hành bộ quy chuẩn về đánh giá tạp chất khoai mì như quy chuẩn đang áp dụng cho cây mía, để người trồng mì không còn phải “ấm ức” với việc bị đánh giá tạp chất bằng mắt thường như hiện nay.

THIÊN TÂM