Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tin từ Công an huyện Gò Dầu, tối 23.12.2020, Đội cảnh sát Kinh tế phối hợp Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Công an xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu), Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh (Sở NN&PTNT) tiến hành kiểm tra hành chính nhà bà Nguyễn Thị P. (48 tuổi, ngụ ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh) vì nghi ngờ chứa hàng cấm.
Quá trình kiểm tra, Đoàn phát hiện nhà bà P. đang cất giữ 39 cá thể động vật (nghi vấn là rùa biển đã sấy khô) và một kho lạnh, bên trong chứa khoảng 3,8 tấn nội tạng (nghi vấn là nội tạng heo). Bà P. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên. Bước đầu, bà P. khai nhận, số hàng hóa trên do một người đàn ông (chưa rõ họ tên, ngụ cùng địa phương) giao cho bà cất giữ.
Đoàn tiến hành lập biên bản tạm giữ 39 cá thể động vật nói trên, đồng thời niêm phong kho lạnh, giao cho bà P. quản lý, bảo quản.
Đồi mồi là một trong 5 loài rùa biển đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất
Trao đổi với phóng viên trưa 24.12, Thiếu tá Hồ Văn Duy- Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Gò Dầu cho biết: Qua công tác xem xét mẫu vật, xác định sản phẩm là cá thể của động vật quý hiếm, nghi là rùa biển. Hiện công an huyện đang củng cố hồ sơ điều tra vụ án và xử lý theo quy định.
Đang là thời điểm cận tết Dương lịch và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thiếu tá Hồ Văn Duy khuyến cáo, ngoài việc tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm, còn có một số hành vi vi phạm khác như pháo và một số mặt hàng không được phép mua bán, vận chuyển, người dân phát hiện nên báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời, đảm bảo cho người dân đón tết vui vẻ, an toàn.
39 cá thể nghi vấn là đồi mồi được công an thu giữ.
Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh (Sở NN&PTNT) nhận định, 39 cá thể bước đầu nghi vấn là đồi mồi, thuộc danh mục loài quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. “Pháp luật quy định, mọi hành vi xâm hại đến các loài động vật quý hiếm, nhất là loài có nguy cơ tiệt chủng, kể cả nuôi nhốt trái pháp luật vẫn phải bị xử lý hình sự”- ông Thới nói.
Ông Thới cho biết thêm, mọi tác động đến các loài động vật quý hiếm được nhà nước ưu tiên bảo vệ đều không có khung xử lý vi phạt hành chính. Điều này cho thấy nhà nước rất quan tâm, đặc biệt có những chế tài rất mạnh đối với những hành vi này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những hành vi vi phạm. Đối với hành vi bắt tàng trữ 39 cá thể mỹ nghệ nghi vấn là đồi mồi, một số người dân nghĩ rằng đây là sản phẩm mỹ nghệ, không phải động vật. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, mọi sản phẩm của đồi mồi, kể cả trứng của nó cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Việt Nam là nơi cư trú của 5 loài rùa biển quý hiếm (gồm rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, đồi mồi là loài suy giảm số lượng nghiêm trọng nhất (giảm tới 80%), kế đến là vích khi chỉ có khoảng 1/1000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành. Tình trạng suy giảm này chủ yếu do bị săn bắt để lấy mai nhằm chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức....
Tất cả các loài rùa này được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định pháp luật. Theo Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam.
Tâm Giang