Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều bậc cha mẹ hoảng hốt khi trẻ có biểu hiện dậy thì sớm như có kinh nguyệt, giọng nói như một người đàn ông, ngực to…
Một buổi sáng, TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, bước vào thang máy thì thấy một bà mẹ đang dắt tay người con.
Trong thang máy chỉ có ba người nhưng khi thang máy đi lên bỗng vang lên giọng nói của một người đàn ông: “Mẹ, chừng nào tới vậy mẹ?”. Bác sĩ không khỏi giật mình khi phát hiện “âm thanh ồm ồm” vừa nghe chính là tiếng nói của bé trai khoảng 3 tuổi. Sau đó, bác sĩ đã gặp lại bệnh nhi tại khoa vì hai mẹ con vào khoa thận - nội tiết để điều trị bệnh dậy thì sớm.
18 tháng tuổi đã dậy thì
Một bé gái mới 18 tháng tuổi cũng được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh với lý do thấy cháu bị xuất huyết âm đạo. Cả gia đình cháu đã hoảng hốt trước biểu hiện này. Trước đó, khi đưa con đến khám tại một số cơ sở y tế khác, có bác sĩ còn cảnh báo gia đình coi chừng cháu bị xâm hại.
Gần một tháng trôi qua, bà mẹ lại thấy con bị xuất huyết âm đạo. Lần này, bà mẹ nghi ngờ con có biểu hiện dậy thì sớm nên đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh dậy thì sớm được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo TS.BS Huỳnh Thoại Loan, số bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám và được chẩn đoán dậy thì sớm có xu hướng gia tăng. Năm 2010 là năm đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị trẻ dậy thì sớm chỉ có 5-6 trẻ thuộc dạng này đến điều trị, hiện nay khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị cho khoảng 120 trẻ dậy thì sớm. Phần lớn trẻ mắc bệnh dậy thì sớm được cha mẹ phát hiện đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị khi trẻ được 4-5 tuổi.
Dậy thì sớm bệnh lý là tình trạng dậy thì xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi và ở bé trai trước 9 tuổi. Bình thường hệ sinh dục được điều khiển bởi một hormon sinh dục nằm ở vùng não. Dậy thì sớm là do gia tăng hormon sinh dục ở não (dậy thì sớm trung ương) hoặc là do từ một số cơ quan ở ngoại vi (u buồng trứng, u tinh hoàn...) tăng sản xuất hormon nội tiết (dậy thì sớm ngoại vi).
Khi bé trai mắc bệnh này tinh hoàn, dương vật phát triển nhanh bất thường, xuất hiện lông mu, một số trẻ còn bị nổi mụn trên mặt. Ở trẻ gái sẽ phát triển vòng 1, xuất hiện lông mu và bắt đầu có kinh nguyệt. Một số trẻ mắc bệnh còn có thể có một loại u, tên khoa học là hamartomas vùng hạ đồi. 90% các bé gái bị dậy thì sớm không rõ nguyên nhân và cũng chỉ có 40% các bé trai dậy thì sớm có nguyên nhân, trong đó phần lớn là có khối u lành tính nằm ở vùng hạ đồi.
Trẻ dậy thì sớm cần điều trị
Bác sĩ Thoại Loan cho rằng khi trẻ có những biểu hiện của dậy thì sớm, các bậc cha mẹ cần giữ bình tĩnh vì người lớn cần phải bình tĩnh thì trẻ mới bình tĩnh được, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xác định, chẩn đoán, điều trị. Trẻ dậy thì sớm cần được điều trị càng sớm càng tốt để làm giảm, biến mất các triệu chứng của dậy thì sớm và làm tăng chiều cao ở tuổi trưởng thành cho trẻ.
Nếu trẻ dậy thì sớm do có khối u thì tùy tính chất lành, ác của khối u, bác sĩ có thể lấy trọn hoặc để khối u lại theo dõi, dùng một số biện pháp khác như chiếu xạ...
Còn nếu trẻ dậy thì không rõ nguyên nhân, các bác sĩ sẽ tiêm cho trẻ theo định kỳ hằng tháng tại các cơ sở y tế một loại thuốc dùng để ức chế cạnh tranh (là một biến thể của nội tiết tố, gắn vào thụ thể để cho nội tiết tố thực thể không phát huy tác dụng). Có khoảng 90% số trẻ được điều trị thuốc sẽ biến mất những triệu chứng dậy thì sớm. Trẻ sẽ được tiêm thuốc cho đến khi tới tuổi dậy thì thực sự, khi đó trẻ sẽ được ngưng điều trị.
Trẻ dậy thì sớm sẽ có những nguy cơ như trẻ không thể xoay xở với những triệu chứng dậy thì sớm. Trẻ sẽ bị lùn vì xương sẽ bộc phát vào thời điểm chưa đủ chín muồi, sau đó đóng đầu xương sớm. Trẻ có thể có hệ lụy về xã hội khi trẻ còn nhỏ nhưng có một hình thể và vẻ bề ngoài đã bước vào dậy thì. Nếu để thời gian dậy thì sớm kéo dài sẽ ảnh hưởng lên tâm lý trẻ càng nhiều.
Theo bác sĩ Loan, các phụ huynh nên giữ cho con có tình trạng dinh dưỡng ở mức chuẩn, hạn chế tình trạng tăng cân, nhất là các bé gái vì tăng cân có mối liên quan đến dậy thì sớm. Ngoài ra, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với hình ảnh, tình huống, tất cả các thông tin gợi ý tới quan hệ giới tính. Khi thấy trẻ có những biểu hiện của dậy thì sớm nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa.
Ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa sẽ dậy thì sớm?
Trước thông tin trẻ ăn nhiều thịt, uống sữa sẽ dậy thì sớm, TS.BS Huỳnh Thoại Loan cho rằng hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về những điều này. Tuy nhiên, theo BS Thoại Loan, 90% thực phẩm tăng trọng không được kiểm soát đều có nội tiết tố. Và có mối liên hệ giữa việc ăn nhiều thịt với dậy thì sớm, nhất là thịt của những con vật cần có sự vỗ béo nhanh nhiều như thịt heo…
Ngoài ra, uống sữa tốt cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt trong việc tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ uống quá mức để dẫn đến tăng cân.
Bệnh viện Nhi T.Ư trị cho 450 trẻ dậy thì sớm
Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, trong khoảng 3 năm gần đây bệnh viện này đã điều trị cho khoảng 450 trẻ em có biểu hiện dậy thì sớm. Theo các bác sĩ, nếu tình trạng dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi ở trẻ gái, trước 11 tuổi ở trẻ trai thì được coi là dậy thì sớm. “Ở VN chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa thực phẩm, chế độ ăn uống với tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em”- nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai cho hay.
Nguồn TTO