BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bát nháo chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới

Cập nhật ngày: 25/04/2010 - 12:01

>> Kỳ 1: Từ một vụ buôn lậu bị phát hiện

>> Kỳ 2: Trâu bò “đại hạ giá”! 

Kỳ 3: Bất nhất trong xử lý

Công ty Kim Thành vi phạm “tày trời” nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý “nhẹ hều” bằng hình thức phạt hành chính. Vậy mà Công ty Kim Thành cũng không nộp phạt (!). Trong khi đó, một trường hợp khác mang đi bán 4 con trâu đã được chính quyền địa phương xác nhận là trâu bò hợp pháp, ngành Thú y đã làm thủ tục xác nhận theo quy định nhưng lại bị tịch thu (?). Sau vụ này, trâu bò nội địa đã “đóng băng” vì ngành Thú y ngưng làm thủ tục xác nhận tình trạng vệ sinh thú y đối với trâu bò vùng biên giới Châu Thành.

“Trâu hợp pháp” bị tịch thu?

Trụ sở làm việc của Công ty Kim Thành tại khu cách ly kiểm dịch xã Biên Giới giờ đang vắng hoe

Xung quanh việc xử lý trâu bò lậu ở tuyến biên giới huyện Châu Thành có sự bất nhất đáng ngạc nhiên. Vụ buôn lậu 49 con trâu bò ở Công ty Kim Thành bị cơ quan Công an Kinh tế tỉnh Tây Ninh bắt “tại trận” với đầy đủ cơ sở khẳng định vi phạm Luật Hình sự nhưng chỉ bị xử phạt hành chính về trốn thuế và gian lận thuế. Trong khi đó, một trường hợp khác mua trâu bò từ Campuchia về, được chính quyền địa phương xác nhận và được cơ quan Thú y huyện Châu Thành làm thủ tục cho xuất bán, lại bị Công an huyện Châu Thành tịch thu (!?).

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Công (44 tuổi, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), đầu tháng 1.2010, ông thế chấp tài sản là diện tích đất trồng lúa gần 6.500m2 để vay 20 triệu đồng tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT về chăn nuôi. Ông Công dùng số tiền trên cộng với số tiền dành dụm để mua 4 con trâu (trong đó có một con nghé) từ Campuchia về nuôi. Sau 3 tháng nuôi dưỡng và thực hiện tiêm phòng theo quy định, ông Công làm đơn xin chính quyền địa phương và Trạm Thú y Châu Thành cho di chuyển đến xã Thanh Điền bán.

Ngày 25.3.2010, ông Công chuyển 4 con trâu mua từ Campuchia và 2 con trâu khác lên xe tải biển số 54L 6354 mang đi bán thì bị Cảnh sát Kinh tế và Cảnh sát Giao thông huyện Châu Thành chặn lại kiểm tra. Mặc dù ông Công đã xuất trình giấy xác nhận của UBND xã Hoà Thạnh và của Trạm Thú y huyện nhưng Công an Kinh tế huyện Châu Thành vẫn lập biên bản vi phạm hành chính về thương mại đối với ông Công, đồng thời thu giữ các giấy tờ liên quan cùng 4 con trâu. Sau đó, Công an huyện Châu Thành phạt hành chính ông Công và tài xế xe chở trâu của ông Công mỗi người 2,5 triệu đồng.

Ngày 29.3.2010 (chỉ 4 ngày sau khi Công an huyện tạm giữ trâu của ông Công), Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Châu Thành đã trao cho ông “hoá đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ Nhà nước”, thể hiện số tiền bán 4 con trâu được 29,5 triệu đồng (2 con trâu còn lại được Công an huyện Châu Thành giao trả cho ông Công). Ông Công phải vất vả xoay sở cho đủ tiền nộp phạt và “mua lại” số trâu của mình.

Quy trình, thủ tục xử lý liệu có đúng?

Xung quanh việc xử lý 4 con trâu của ông Công, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước Biên bản vi phạm hành chính về thương mại do ông Phạm Minh Dương-cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế huyện Châu Thành lập. Biên bản này được lập ngày 25.3.2010, xác định hành vi vi phạm của ông Công: “Mua bán trâu bò có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia. Các hành vi trên đã vi phạm vào Điều 22, khoản… điểm… của Nghị định số… quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực…”. Ngoài Điều 22 ra, không thấy ông Dương ghi các khoản, điểm của Nghị định mà ông căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Công. Đồng thời, dù đã giữ một số giấy tờ có liên quan cùng số trâu “buôn lậu” nhưng ông Dương lại bỏ trống mục “Tên tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ”.

Ông Công khiếu nại về việc Công an huyện Châu Thành tịch thu và hoá giá 4 con trâu của mình chỉ trong vòng 4 ngày sau khi tạm giữ, không trao quyết định tịch thu và quyết định hoá giá cho ông mà chỉ trao hoá đơn bán tài sản tịch thu. Ngày 8.4.2010, ông Công được Công an huyện Châu Thành trao cho bản photo (!?) quyết định xử phạt vi phạm hành chính ký ngày 29.3.2010. Quyết định này ghi lý do xử phạt hành chính và tịch thu trâu của ông Công là “kinh doanh hàng hoá nhập lậu”. Công an huyện Châu Thành căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP và biên bản do ông Dương lập để xử phạt ông Công. Trong khi đó, Điều 22 của Nghị định trên lại quy định về mức xử phạt hành chính chứ không phải quy định về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại bị pháp luật ngăn cấm, xử lý.

Cơ quan Thú y huyện đã ngừng xác nhận thủ tục cho phép mang trâu, bò đi bán

Trâu bò nội địa bị vạ lây

Chức năng chính của Công ty Kim Thành ở khu vực xã Biên Giới là mua bán trâu bò. Thế nhưng, cho đến nay, Công ty này chưa chính thức mua được con trâu bò nào (nhập khẩu bằng đường chính ngạch hoặc mua gom trong nội địa). Giải thích nguyên nhân, ông Lê Văn Mười-Phó giám đốc Công ty Kim Thành cho rằng do các thương lái ở đây không hợp tác, “do họ phá nên Công ty không mua bán được” và trại cách ly hầu như trở nên hoang vắng suốt nhiều tháng nay.

Trong khi đó, một cán bộ Thú y huyện Châu Thành cho biết, do diễn biến phức tạp của hoạt động mua bán trâu bò vùng biên giới huyện và trước cách xử lý không nhất quán của ngành chức năng, nên hiện nay cơ quan Thú y huyện đã ngừng xác nhận thủ tục cho phép mang trâu, bò đi bán. “Đáng nói là trâu bò nội địa của những người dân nghèo ở địa phương nuôi cũng bị vạ lây. Họ muốn bán trâu bò để lấy vốn làm ăn hoặc xoay sở chuyện gia đình thì không có cách nào khác là bán cho Công ty Kim Thành nhưng Công ty này… không mua”, vị cán bộ Thú y nói!

BẢO TÂM

(Còn tiếp)