BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bắt quả tang kẻ nhận tiền “chạy án”

Cập nhật ngày: 28/05/2009 - 07:27

Nguyễn Văn Tới

Vào lúc 13 giờ 30 ngày 26.5 tại quán cà phê Hồng Nhung, ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, lực lượng Công an huyện đã bắt quả tang Nguyễn Văn Tới, 45 tuổi (ngụ A161, khu phố 4, phường 2, thị xã Tây Ninh) nhận tiền “chạy án” của anh Đinh Quang Thông, 42 tuổi, là chủ quán cà phê Hồng Nhung.

Trước đó vào ngày 14.5, Tới chở vợ đến nhà ông Nguyễn Văn Tâm, 59 tuổi, ngụ ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện DMC coi bói (!?). Trong lúc chờ đợi, Tới khoe với ông Tâm: “Tôi có quen biết rất nhiều người làm trong ngành Công an và Toà án”. Nghe vậy, ông Tâm hỏi: “Gần đây có vụ của cô Nhung – vợ thằng Thông, mới bị công an DMC bắt vì ghi số đề, mày giúp được không?”. Tới đồng ý và cho ông Tâm số điện thoại để liên lạc.

Tối cùng ngày, được ông Tâm cho biết Tới có thể “chạy án” được, nên anh Thông gọi điện hẹn hắn đến quán cà phê của gia đình để bàn bạc “lo” cho chị Nhung sớm được về nhà. Gặp anh Thông, Tới đặt thẳng vấn đề: “Vợ anh bị bắt tôi sẽ lo cho tại ngoại và trắng án luôn”. Khi anh Thông hỏi “giá cả’ thế nào, Tới cho biết cần phải tìm gặp những người thụ lý vụ án mới tính được, nhưng Tới yêu cầu anh Thông đưa trước 500 ngàn đồng để “cà phê, cà pháo”.

Ngày hôm sau. Tới lại điện thoại yêu cầu anh Thông nạp 100 ngàn vào di động của mình để liên hệ với “cán bộ thụ lý vụ án”. Đến ngày 16.5, Tới báo cho anh Thông biết, để “lo” cho chị Nhung tại ngoại, anh phải chi từ 20 đến 30 triệu. Tới yêu cầu anh Thông phải đưa trước 5 triệu để Tới “giao tiếp, ăn nhậu với người ta”. Không có tiền, anh Thông phải mang chiếc xe mô tô đi cầm 4 triệu đồng để đưa cho Tới. Ngày 20.5, Tới lại tiếp tục yêu cầu anh Thông đưa tiếp 500 ngàn để “uống cà phê với cán bộ thụ lý vụ án”. Anh Thông không có đủ tiền nên chỉ đưa cho Tới 300 ngàn. Hỏi việc chị Nhung, Tới trấn an: “Anh yên tâm đi, tình hình êm lắm, anh em công an hứa giúp rồi”.

Ngày 21.5, xét thấy chị Nhung có nơi cư trú hợp pháp rõ ràng, lại là lao động chính trong gia đình, có mẹ già yếu, nên Công an huyện DMC cho chị được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc Công an DMC cho chị Nhung tại ngoại là đúng thủ tục tố tụng, đúng quy định của pháp luật.

Thấy chị Nhung được tha về, anh Thông rất mừng, nghĩ rằng Tới đã “lo” được. Không ngờ ngày 26.5, Tới điện thoại cho anh Thông nói: “Tình hình chị Nhung “êm” rồi, vài ngày nữa chị sẽ được về, anh đưa thêm cho tôi 3 triệu nữa để lo ăn nhậu với người ta”. Đến lúc này, anh Thông mới nhận ra rằng, mình đã bị Tới lừa. Buồn vì mất tiền oan, anh tâm sự với một người hàng xóm. Nghe xong, người hàng xóm báo tin cho công an.

Chiều 26.5, khi Tới đến nhà anh Thông, vừa nhận 3 triệu đồng từ tay anh Thông thì bị Công an huyện DMC bắt quả tang.

Trước bằng chứng không thể chối cãi, Tới thừa nhận hành vi lừa đảo của mình. Hắn khai, sống bằng nghề chạy xe ôm, không hề quen biết ai làm trong ngành Công an, Toà án hay Viện kiểm sát, chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những gia đình có người vi phạm pháp luật, để kiếm tiền tiêu xài.

SÔNG NINH