BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất thường mưa 

Cập nhật ngày: 07/04/2017 - 16:16

BTNO - Cống rãnh còn chưa kịp khơi thông những rác rến tụ đọng cả năm để đón những cơn mưa; nên mưa xong là nước lai láng ngập trên nhiều đoạn phố. Mưa, muỗi như bị động ổ, từ các mương rãnh tăm tối ùa lên, xâm nhập mọi nhà.

Lục bình ken chặt dưới chân cầu Bến Đình. Ảnh: P.TK

Còn chưa kịp tìm tòi, học hỏi để “hiểu biết về mây” theo câu chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới 23.3 năm nay thì chưa đầy một tuần sau, Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung đã mưa như trút. Không còn là mưa trái mùa như mọi năm. Trái mùa chi mà liên tục cả một tuần. Mọi năm á, cứ gọi là nắng chang chang.

Suốt tháng tư qua tới giữa tháng năm là nóng nhất. Cứ đến độ này, tôi nhớ là phải lôi cái bình làm hơi nước hình chú mèo đặt trước chiếc quạt cây để tăng thêm độ ẩm cho mát cửa nhà. Mở nắp bình ra, cho nước vào rồi cắm điện, thế là từ đôi tai mèo phun ra những làn sương mỏng, toả lan.

Vậy mà giờ- chưa kịp lôi mèo ra thì đã mưa và lạnh. Có bữa yếu người, còn phải lấy áo ấm dày ra mặc. Đài dự báo gọi đây là thời tiết bất thường, xưa nay chưa từng có. Không còn là chuyện đỏng đảnh làm duyên của bà già thời tiết nữa rồi!

Lạ nhỉ. Giêng hai vừa rồi các ấp xã ven sông Vàm Cỏ Đông vẫn theo lệ thường cúng lễ Kỳ yên. Ở Trường Đông, Trường Tây và cả Cẩm An đều có lệ thả thuyền, tống tiễn quan ôn ra đi, để chỉ còn lại gió thuận, mưa hoà. Lúc ấy lục bình còn chưa kịp nở dày nên mặt sông thưa thoáng. Những con thuyền kết bằng thân chuối, giấy màu cứ lừng lững trôi đi, chẳng báo hiệu điều chi bất thường.

Vậy mà từ cuối tháng ba, leo qua đầu tháng tư bỗng đầy trời mưa gió. Thường mưa chiều nhưng có cả một ngày mưa từ sáng sớm. Người ở phố đi qua cầu Quan, nhìn dãy dù chạy dài trên phố Yết Kiêu ven rạch Tây Ninh mà lây nỗi buồn lòng. Hôm trước đã có bài báo viết về chợ đêm vắng khách, khiến ban quản lý loay hoay tìm cách cứu. Biện pháp là cắm dù dài theo ven rạch. Vừa triển khai xong, chưa kịp đếm đo hiệu quả, thì mưa. Bên phố Trần Hưng Đạo, một tối chạy xe qua, thấy mấy cô bán nước mía lánh vào dưới mái hiên, vêu vao nhìn trời đợi khách.

Lại nữa! Bạn ở bến Đình, Trường Tây gọi điện lên bảo lục bình đã lèn chặt sông, qua bến rồi bác ạ! Vậy nên bữa nào bác qua đồng Long Vĩnh, qua sông cũng phải nhoai nhách mất một giờ. Từ ít nhất là năm, bảy năm qua, chuyện lục bình nở đầy lèn chặt sông Vàm Cỏ Đông đã gần như là chuyện bình thường mất rồi. Mà hồi mới có, đấy từng là chuyện bất thường.

Ngân sách tỉnh đã phải có mục chi mới- cho chuyện giải toả lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Bản kế hoạch triển khai cũng đã đăng lên báo vào khoảng cuối tháng ba qua. Trong khi đó, kinh nghiệm của các lão nông bến Đình là đáng lẽ phải triển khai ngay từ đầu năm thì khối lượng công việc sẽ giảm rất nhiều, bằng cách cho ghe xáng, máy cào đi dọc sông dỡ cho hết những tre chà, rồi vào rạch “lôi cổ” lục bình ra giữa dòng để chúng trôi ra biển trước khi kịp sinh sản con đàn cháu đống. Nếu thế thì đến tháng tư này ta đã thong dong, không còn “đánh vật” với dòng sông.

Bất thường mưa. Đã thấy báo Tây Ninh đưa tin về những thiệt hại ban đầu: lúa rạp ngã trên đồng dù chỉ còn mươi ngày nữa là gặt hái. Rau cũng vì úng ngập mà thất thu mấy chục phần trăm. Đi qua Thanh Điền thấy ngay những đám lúa vừa vàng ngã rạp. Lại nhớ cánh đồng Khe Đon (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) vào độ này cũng sắp vào vụ gặt. Già làng Cao Văn Khuôn chắc là đang lo lắng. Vụ gặt xong là xóm Khmer Khe Đon bước vào lễ đón mừng năm mới Chol Chnam Thmay. Liệu có còn trĩu nặng trên đầu các bà các chị từng thúng thóc vun đầy có ngọn, đội lên chùa cúng Phật, dâng sư?

Ngay ở phố, dân cư cũng không thoát khỏi hoạ bất thường do mưa bất thường mang lại. Cống rãnh còn chưa kịp khơi thông những rác rến tụ đọng cả năm để đón những cơn mưa; nên mưa xong là nước lai láng ngập trên nhiều đoạn phố. Mưa, muỗi như bị động ổ, từ các mương rãnh tăm tối ùa lên, xâm nhập mọi nhà. Có lẽ lại xin thêm một lần nữa, ngành y tế vệ sinh dịch tễ đi phun thuốc diệt muỗi cho bà con nhờ.

NGUYỄN