Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bầu cử Hạ viện Pháp: sức hút người trẻ
Thứ ba: 13:00 ngày 13/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với 32,32% số phiếu ủng hộ, Đảng Nền cộng hòa tiến bước (LREM) của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vòng 1 Hạ viện Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đi bỏ phiếu ngày 11-6 - Ảnh: AFP

Đảng Xã hội và Đảng Những người cộng hòa, hai đảng vốn thay nhau nắm quyền ở Pháp trong gần 60 năm qua, đã thất bại nặng nề một lần nữa cho thấy sức hút không thể phủ nhận của những người trẻ như ông Macron và các đồng sự.

Chiến thắng vang dội

Rạng sáng 12-6 (giờ địa phương), Bộ Nội vụ Pháp đã chính thức công bố kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện một ngày trước đó. Đảng LREM của ông Macron tổng cộng đã giành được 32,32% phiếu ủng hộ.

Theo quy định, nếu không có đảng nào giành chiến thắng trên 50% sẽ phải tổ chức bầu cử vòng 2, gồm hai đảng dẫn đầu vòng 1 và bất kỳ đảng nào giành được trên 12,5% phiếu ủng hộ.

Đảng Những người cộng hòa về nhì với 21,56%, dẫn trước Đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) của bà Marine Le Pen với 13,2%.

Riêng Đảng Xã hội của cựu tổng thống François Hollande đã gây thất vọng khi chỉ giành được 9,51%, thậm chí cả chủ tịch của đảng này là ông Jean-Christophe Cambadelis còn bị mất ghế nghị sĩ. Kết quả này cũng đồng nghĩa Đảng Xã hội sẽ không thể bước vào bầu cử vòng 2 ngày 18-6.

Cũng theo Bộ Nội vụ Pháp, cuộc bầu cử Hạ viện lần này ghi nhận tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục khi 51,2% số cử tri đăng ký đã không đi bỏ phiếu.

“Hàng triệu người các bạn đã một lần nữa khẳng định sự gắn kết đối với khát vọng được đổi mới của tổng thống” - Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ Pháp tuyên bố “nước Pháp đã trở lại”, đồng thời cam kết sẽ nhanh chóng thúc đẩy những cải cách táo bạo trong lĩnh vực bảo vệ người lao động và chính sách an ninh của Pháp.

Theo ông Philippe, các cử tri đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tại vòng 1 cuộc bầu cử Hạ viện Pháp rằng họ muốn một quốc hội với “diện mạo mới”.

Rộng cửa cải cách

Việc giành được thế đa số tuyệt đối trong Hạ viện sẽ mở đường cho những cải cách về kinh tế, phúc lợi xã hội của ông Macron sớm được thông qua trong thời gian tới. Nhìn rộng ra toàn châu Âu, chiến thắng của Đảng LREM một lần nữa đã tiếp thêm sức cho các nỗ lực cứu vãn Liên minh châu Âu do Đức lãnh đạo và Pháp ủng hộ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, một “đồng minh” mới của Tổng thống Macron, đã gửi điện chúc mừng sau chiến thắng của LREM, theo Reuters.

Kết quả bầu cử ngày 12-6 cho thấy nền chính trị Pháp đang được định hình lại với tương quan mới giữa các lực lượng chính trị trong đó LREM, chính đảng 1 năm tuổi, đang nắm giữ vị trí trung tâm.

Giới quan sát nhận định rõ ràng sức hút từ những người trẻ như ông Macron và Đảng LREM là không thể phủ nhận. Sự tham gia của LREM đã đẩy độ tuổi trung bình của các ứng viên nghị sĩ xuống còn 48,5 tuổi và gần 42% là nữ.

Thực tế, đời sống chính trị ở Pháp đang chứng kiến một sự thay đổi kể từ khi ông Macron nổi lên. Tân tổng thống Pháp được ví như một làn gió mới, thu hút hàng chục chính khách cánh tả về đảng của mình, kể cả cựu thủ tướng Manuel Valls của Đảng Xã hội.

Có thể nói Tổng thống Macron đã vượt qua “cuộc sát hạch” quan trọng, mở đường thực thi cương lĩnh “thay đổi” nhằm xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn cho nước Pháp và người dân Pháp.

Sợ lấn quyền

Lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Marine Le Pen ngày 12-6 đã công khai kêu gọi chống lại đảng của ông Macron tại Hạ viện. Việc LREM giành quá nhiều ghế, theo bà Le Pen, sẽ triệt hạ các ý kiến và quan điểm khác biệt.

“Cần phải có những nghị sĩ sẵn sàng và thực sự chống lại những chính sách mà Emmanuel Macron đang chuẩn bị” - cựu đối thủ của ông Macron kêu gọi. Các đảng thua cuộc cũng đang chĩa mũi công kích về LREM sau khi có kết quả bầu cử vòng 1.

Đáp lại, ông Jean-Paul Delevoye, người chịu trách nhiệm lựa chọn các hồ sơ ứng viên nghị sĩ trước bầu cử của LREM, khẳng định sẽ “không có sự lấn lướt” mà chỉ có “sự tôn trọng dành cho phe đối lập, phe thiểu số trong các cuộc tranh luận” và một “phe đa số trách nhiệm”.

Theo các chuyên gia, với chiến thắng cách biệt, đảng của ông Macron có thể tự tin giành thế đa số tuyệt đối từ 415 - 455 ghế trong Quốc hội 577 ghế của Pháp sau cuộc bầu cử vòng 2. Đài truyền hình France 24 nhận định LREM sẽ là đảng nắm giữ nhiều ghế nhất tại Hạ viện Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nếu tiếp tục giành chiến thắng.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục