Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Mỹ, Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden vẫn chưa giành đủ 270 phiếu đại cử tri theo quy định để tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 Joe Biden (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến tối muộn 4/11 (giờ Việt Nam, sáng cùng ngày giờ Mỹ), số liệu của Ủy ban Bầu cử quốc gia Mỹ cho thấy cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden vẫn chưa giành đủ 270 phiếu đại cử tri theo quy định để tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Điều này càng thể hiện tính khốc liệt của cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Theo số liệu do hãng tin CNN công bố lúc 21 h ngày 4/11 (giờ Việt Nam, 9 h sáng cùng ngày giờ Mỹ), ông Joe Biden đang giành được 224 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Trump có 213 phiếu.
Công tác kiểm phiếu vẫn đang diễn ra tại ít nhất 7 bang, trong đó có những bang quan trọng như Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), Michigan (16 phiếu), Georgia (16 phiếu), North Carolina (15 phiếu), Wisconsin (10 phiếu), Nevada (6 phiếu)….
Hai ứng cử viên cũng bám đuổi sít sao tại các bang này. Đơn cử như tại bang chiến địa Wiscosin, theo Edison Research, với 89% số phiếu đã được kiểm, ông Biden tạm dẫn trước với 49,3% số phiếu ủng hộ trong khi ông Trump theo sát với 49%.
Tính chất căng thẳng của cuộc đua năm nay cũng thể hiện ở việc hai ứng cử viên liên tục bám đuổi, lần lượt giành chiến thắng ở các bang, kể cả một số bang chiến địa. Ông Trump đã giành chiến thắng tại Utah, Wyoming, North Dakota, South Dakota, Nebraska, Kansas, Oklahoma, Missouri, Arkansas, Louisiana, Indiana, Tennessee, Missisippi, Kentucky, Alabama, West Virginia, South Carolina…
Ứng cử viên Dân chủ được xướng tên tại bang chiến địa Minnesota, cùng Maryland, Delaware, Illinois, Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, New Jersey, Virginia, Colorado, Vermont, New Mexico, New York và thủ đô Washington D.C....
Diễn biến đáng lưu ý là ngay từ chiều 4/11, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chiến thắng khi việc kiểm phiếu vẫn đang diễn ra.
Ông cũng tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao về hoạt động kiểm phiếu, nói rằng "một nhóm người " đang tìm cách tước quyền của hàng triệu người đã bầu chọn ông.
Trong khi đó, đội ngũ của ứng cử viên Biden cảnh báo ngăn chặn hành động của ông Trump tại Tòa án Tối cao.
Những diễn biến này khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng nảy sinh những vấn đề phức tạp và căng thẳng liên quan tới cuộc bầu cử năm nay.
Việc cuộc đua giành ghế tổng thống Mỹ năm 2020 đến nay chưa phân định “người thắng kẻ thua” xuất phát từ rất nhiều yếu tố.
Giới phân tích cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng tới đời sống chính trị-kinh tế và xã hội của Mỹ nói chung, cũng như đối với việc thay đổi cách thức, quy định bầu cử tại từng bang nói riêng, là yếu tố chủ chốt.
Thời hạn tính phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, vốn là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ về kết quả bầu cử, từ lâu đã là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc quan điểm giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong phần lớn tiến trình bầu cử năm 2020.
Vấn đề bỏ phiếu bầu cử qua đường bưu điện từ lâu đã là một lựa chọn không nhỏ của cử tri Mỹ, nhất là các cử tri không thể đi bầu trực tiếp hoặc bầu cử vắng mặt.
Tuy nhiên, hình thức này gây ra nhiều khó khăn cũng như ảnh hưởng đến tiến độ kiểm phiếu trong cuộc bầu cử năm nay.
Theo thống kê của Pew Research Center, tỷ lệ cử tri Mỹ bỏ phiếu qua đường bưu điện tăng mạnh trong các cuộc bầu cử gần đây, từ 7,8% trong cuộc bầu cử năm 1996 lên 21% (với gần 33 triệu phiếu) năm 2016.
Quan điểm và tỷ lệ cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện tại nhiều bang cũng có sự khác nhau, dẫn đến các quy định về thời hạn kiểm phiếu và tính phiếu hợp lệ cũng thay đổi theo.
Các bang như Oregon và Washington tiến hành bầu cử gần như hoàn toàn qua đường bưu điện (97% cử tri ở các bang này đã gửi phiếu bầu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử năm 2016).
Một số bang khác có tương đối ít phiếu bầu qua bưu điện như West Virginia, Kentucky và Tennessee khi chỉ có khoảng 2% cử tri đã gửi phiếu bầu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Tại 29 bang, cũng như Đặc khu Columbia, cử tri tùy chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện mà không cần đưa ra lý do.
Ở các bang này, khoảng 20% số cử tri đã bỏ phiếu qua đường bưu điện vào năm 2016 - một mức tăng ổn định kể từ tỷ lệ 8,2% trong cuộc bầu cử năm 1996.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, quy định về bỏ phiếu qua bưu điện ở mỗi bang có sự khác biệt.
Cử tri tại 9 bang chủ yếu tiến hành bỏ phiếu qua đường bưu điện (bao gồm California, khu vực D.C và Vermont lần đầu tiến hành bằng hình thức này), trong khi tại 36 bang khác, cử tri có thể tham gia bỏ phiếu qua đường bưu điện song phải đăng ký từ trước.
Đáng chú ý, 5 bang Indiana, Louisiana, Mississippi, Tennessee và Texas có quy định chặt chẽ về vấn đề này, khi chỉ chấp nhận phiếu bầu qua đường bưu điện đối với cử tri không thể có mặt trực tiếp đi bầu, như quân nhân đang làm nhiệm vụ hay người tàn tật.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến 23 bang cho phép bỏ phiếu qua bưu điện một cách rộng rãi, trong đó bang Delaware gửi đơn đăng ký bầu cử qua đường bưu điện cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, số lượng lớn các phiếu đổ dồn cùng lúc sẽ làm rối loạn việc kiểm phiếu. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại New York vừa qua, có tới rất nhiều phiếu bầu không hợp lệ và phải mất gần 6 tuần mới có kết quả bầu cử.
Tỷ lệ phiếu bầu qua bưu điện không được công nhận nhỉnh hơn một chút so với phiếu bầu trực tiếp.
Trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, có 1% phiếu bầu qua đường bưu điện bị loại bỏ so với tỷ lệ 0,7% ở phiếu bầu trực tiếp, chủ yếu bởi các lý do chính như chữ ký không đúng, không có chữ ký hoặc phiếu bầu đến quá muộn.
Trong cuộc bầu cử năm nay, phiếu đến chậm là lý do chính dẫn đến cuộc đua vào Nhà Trắng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, tính đến ngày 3/11, hơn 100 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, trong đó trên 60,5 triệu cử tri gửi phiếu bầu qua đường bưu điện.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 không chỉ tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về việc bỏ phiếu qua đường bưu điện để đảm bảo an toàn về vấn đề sức khỏe, mà còn được phe Dân chủ tận dụng nhằm thúc đẩy cử tri ủng hộ đi bỏ phiếu nhiều hơn nhằm tạo ra các lợi thế tranh cử.
Với một lượng cử tri nòng cốt thường có xu hướng bỏ phiếu qua đường bưu điện trong các cuộc bầu cử vừa qua, phe Dân chủ từ lâu luôn muốn thúc đẩy, mở rộng hình thức bỏ phiếu này để thu được nhiều phiếu ủng hộ hơn nhằm gia tăng cơ hội thắng cử.
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tâm lý cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp tại các khu vực bầu cử, trong đó tác động lớn nhất đến tỷ lệ cử tri trên 65 tuổi vốn dành sự ủng hộ lớn hơn cho ứng cử viên Joe Biden.
Bên cạnh đó, trong số các cử tri không thường xuyên đi bỏ phiếu, các cử tri gốc Phi, cử tri nhập cư, cử tri trẻ cũng là những nhóm dành sự ủng hộ nhiều hơn cho ông Biden.
Chính vì thế, trong suốt quá trình vận động tranh cử, đội ngũ của ông Biden và phe Dân chủ luôn viện dẫn nỗi lo sợ lây lan đại dịch nhằm kêu gọi mở rộng bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhất là kéo dài thời gian chấp nhận phiếu bầu được chuyển tới sau ngày 3/11.
Ngoài ra, tháng 8/2020, phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra về các quyết định của người đứng đầu Dịch vụ Bưu điện Mỹ (USPS) với cáo buộc rằng hành động của USPS làm chậm việc giao hàng và thư trước cuộc bầu cử, gia tăng nguy cơ phiếu bầu được gửi tới quá hạn quy định.
Về phần mình, để đảm bảo các cơ hội thắng cử, ban vận động của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đã đẩy mạnh hàng loạt các chiến thuật, biện pháp nhằm hạn chế hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Dù vấn đề gian lận trong bầu cử là một hiện tượng hãn hữu ở Mỹ (theo cơ quan tư vấn The Heritage Fondation, trong tất cả các cuộc bầu cử tại Mỹ từ năm 1979 đến các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, chỉ ghi nhận chưa đầy 1.300 trường hợp gian lận), song để đảm bảo cơ hội thắng cử, Tổng thống Trump và nhiều thành viên đảng Cộng hòa thường xuyên đưa ra các tuyên bố chỉ trích về nguy cơ gian lận phiếu bầu, đồng thời phản đối và tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế hình thức bỏ phiếu này.
Những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm hạn chế việc bỏ phiếu qua đường bưu điện được tiến hành tại nhiều bang, tập trung nhiều nhất tại các bang “chiến địa” và bang dao động có quyết định đến kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Với sức ép từ phe Cộng hòa, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/10 đã ra phán quyết từ chối đề nghị của đảng Dân chủ nhằm gia hạn thời gian tính phiếu đối với các phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện tại bang Wisconsin.
Đây được xem là một thắng lợi của phe Cộng hòa và chiến dịch của ông Trump nhằm mục tiêu ngăn cản phe Dân chủ và chiến dịch của ông Biden trong việc kéo dài thời gian tính phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, vốn được xem như một ưu thế đáng kể cho cơ hội của ông Biden.
Phe Cộng hòa tại bang Pennsylvania cũng đã 2 lần yêu cầu Tòa án Tối cao bác đề nghị của phe Dân chủ gia hạn thời gian kiểm phiếu đối với phiếu bầu cử qua đường bưu điện tại bang này.
Tại North Carolina, ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump cũng như đảng Cộng hòa từng khởi kiện lên Tòa án Tối cao nhằm đảo ngược quyết kéo dài thêm 6 ngày (từ ngày 6/11 tới ngày 12/11) thời gian nhận phiếu bầu qua bưu điện.
Đảng Cộng hòa cho rằng quyết định kéo dài thời hạn trên cho thấy sự vi phạm của Hội đồng Bầu cử bang North Carolina và những thay đổi vào phút chót như vậy cũng gây ra sự nhầm lẫn, có nguy cơ làm thay đổi kết quả bầu cử và đe dọa lòng tin của cử tri đối với kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên của phe Cộng hòa đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ trong phán quyết ngày 28/10 vừa qua.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến cho phiếu bầu đến chậm, là các quy định về phiếu bầu còn xuất phát từ nỗ lực của chính quyền trong việc gia tăng sức ép nhằm cải tổ bộ máy, cắt giảm chi phí của USPS.
Tổng Giám đốc USPS Louis Dejoy được xem như một trong những đồng minh thân cận đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Như vậy là nước Mỹ đã bước sang ngày đầu tiên sau cuộc bầu cử mà vẫn chưa biết ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới. Việc chưa có kết quả bầu cử đã phần nào tạo ra các tâm lý, phản ứng trái chiều trong dư luận cũng như từ phía hai đảng.
Cục diện này đồng thời có thể đẩy tình hình chính trị nội bộ tại Mỹ tiếp tục bị chia rẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Nguồn BNews