Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bầu cử Pháp: Các ứng cử viên ưu tiên mục tiêu chống khủng bố
Thứ hai: 10:08 ngày 24/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc chiến chống khủng bố là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tổng thống và chính phủ kế tiếp. Đây là tuyên bố của nhiều ứng cử viên trong các phát biểu trước truyền thông sau khi xảy ra vụ nổ súng tối 20/4 trên đại lộ Champs-Elysées.

Đề cao trọng trách bảo vệ nhân dân

Phản ứng sau vụ việc, ứng cử viên cánh hữu François Fillon tuyên bố, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ tăng cường các biện pháp chống tội phạm hình sự, bởi thực tế cho thấy có mối liên hệ giữa nhiều kẻ phạm tội hình sự với các vụ tấn công khủng bố. Ông cũng sẽ cho xây thêm chỗ trong các nhà tù và giam riêng biệt những phần tử cực đoan.

Theo ông, các cơ quan luật pháp phải thể hiện sự “không khoan nhượng” đối với những phần tử nguy hiểm, ưu tiên tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những kẻ tài trợ cho các vụ tấn công khủng bố. Trước đó, trong các cuộc tranh luận trên truyền hình, ông cũng đề nghị tước bỏ quốc tịch Pháp đối với những chiến binh cực đoan quay lại Pháp sau khi tham chiến tại Iraq hoặc Syria.


5 ứng cử viên tổng thống Pháp 2017 trong cuộc tranh cử hôm 20/3. (Nguồn: AFP)

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đề xuất đóng cửa biên giới, triển khai kế hoạch tiêu diệt các lực lượng Hồi giáo thánh chiến, truy quét “đến tận gốc rễ” hệ tư tưởng cực đoan bởi bà cho rằng đây là vũ khí, là yếu tố định hướng hành động cho các đối tượng cực đoan. Ngoài ra, bà Le Pen cũng nhấn mạnh cần kiên quyết trục xuất những người nước ngoài thuộc diện bị cảnh sát theo dõi, truy tố và tước quốc tịch những người mang hai quốc tịch hoặc có quốc tịch Pháp nhưng nằm trong hồ sơ S (An ninh quốc gia) của cơ quan tình báo, dựa trên điều 411-4 của Hiến pháp.

Bà cũng cáo buộc chính phủ đương nhiệm chưa triển khai đầy đủ các biện pháp cần thiết khiến “cơn ác mộng quay trở lại” và kêu gọi hãy “ngừng ấu trĩ” để nhìn nhận cuộc chiến chống khủng bố với tất cả sự sáng suốt và kiên quyết.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo của phong trào Tiến bước Emmanuel Macron nhấn mạnh “trọng trách đầu tiên của một tổng thống là bảo vệ người dân”. Do nước Pháp sẽ còn phải chung sống lâu dài với mối đe dọa khủng bố, vì vậy cần tăng cường các nguồn lực vật chất và tinh thần cho cảnh sát. Nếu được bầu làm tổng thống, ngay trong những tuần đầu tiên, ông sẽ thành lập lực lượng chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm đảm bảo sự phối hợp thường trực giữa các lực lượng an ninh tình báo. Theo ông, kẻ thù của nước Pháp đang tìm kiếm cái chết nhằm reo rắc sự hoảng loạn cũng như làm nhiễu loạn quá trình vận động tranh cử.

Về phần mình, ứng cử viên cánh tả Benoit Hamon cho rằng nước Pháp đang ở trong tâm của một cuộc khủng hoảng xã hội với các hành động bạo lực gắn liền với những kẻ ghét bỏ, thù hằn mô hình dân chủ của nước Pháp. Trong khi đó, nhà lãnh đạo phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélanchon khẳng định không bao giờ được để các phần tử khủng bố và tòng phạm “không bị trừng phạt”, cần tăng cường ý thức trách nhiệm của công dân, không được tỏ ra sợ hãi để không làm gián đoạn tiến trình dân chủ, đồng thời cũng để chứng tỏ rằng bạo lực không phải là câu trả lời cho nền cộng hòa Pháp.

Phát biểu từ Điện Elysée ngay trong tối 20/4, Tổng thống Pháp François Hollande cũng khẳng định tất cả những việc cần thiết sẽ được thực hiện để các lực lượng cảnh sát, hiến binh và quân đội thực thi nhiệm vụ nhằm đảm bảo tôn trọng pháp luật. Ông cho biết chính quyền sẽ huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo cho quá trình bầu cử, đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ Pháp cũng như ở những nơi mà lực lượng quân đội Pháp đang có mặt.

Bước ngoặt cho cuộc bầu cử?


 Sau vụ nổ súng tối 20/4 trên đại lộ Champs-Elysées ở trung tâm Paris, khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 người bị thương, tuyên bố của các ứng cử viên tổng thống Pháp nhắm vào mục tiêu chống khủng bố. (Nguồn: AP)

Có thể thấy mặc dù được đề cập khá nhiều, nhưng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố không phải là một chủ đề ưu tiên trong suốt chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, vụ tấn công trên đại lộ Champs-Élysées tối 20/4 đã làm đảo lộn mọi điều, khiến các cuộc tranh luận về vấn đề an ninh trở thành chủ đề nóng.

Đây có thể là yếu tố tạo bước ngoặt trong cuộc bầu cử, tác động tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng một sẽ diễn ra vào ngày 23/4. Trong bối cảnh cử tri đang hoang mang, lo lắng về mối đe dọa khủng bố, rất có thể chính khách bảo thủ kỳ cựu Fillon – người thể hiện quan điểm quyết liệt trong cuộc chiến chống khủng bố và bà Le Pen với tuyên bố “đặt nước Pháp lên trên hết” giống như cách nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây khi còn là ứng cử viên, sẽ nhận thêm phiếu bầu sau vụ nổ súng trên. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, người bị xem là thiếu kinh nghiệm trên chính trường sẽ không được hưởng lợi.

Tuy nhiên, với rất nhiều biến động từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống đến nay, khó có thể đưa ra những dự đoán chính xác về kết quả cuộc bầu cử. Cho đến nay, cuộc đua vào Điện Elysée vẫn được xem là “trận đấu tay tư” giữa 4 ứng cử viên dẫn đầu là bà Marine Le Pen và các ứng cử viên Emmanuel Macron, François Fillon, Jean-Luc Mélenchon với tỷ lệ ủng hộ dao động từ 19-23%.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục