BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bầu cử sớm - “ván cờ tất tay” của ông Johnson 

Cập nhật ngày: 07/11/2019 - 08:32

Lại một lần nữa, người dân Anh và châu Âu phải chờ đợi thêm để biết tương lai mối quan hệ giữa xứ xở sương mù và lục địa già. Cùng với việc chấp nhận hoãn tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tiến hành bầu cử sớm, Thủ tướng Anh Boris Johnson rõ ràng đang đặt vận mệnh chính trị của mình và cả tương lai của đất nước vào “canh bạc cuối cùng”.

Cuộc bầu cử khó dự đoán

Trước hết, nói về cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra ngày 12-12 tới, trước thời hạn chót (đã gia hạn nhiều lần) của Brexit là ngày 31-1-2020. Ông Johnson hiện đang điều hành một chính phủ thiểu số và không thể chủ động đưa ra quyết định cho vận mệnh của nước Anh với Brexit. Tiến hành bầu cử sớm, ông Johnson hy vọng đảng của ông giành được đa số ghế tại Hạ viện để đưa ra quyết định cuối cùng với Brexit.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, nếu đảng đối lập giành ưu thế và thành lập một liên minh, những nỗ lực của ông Johnson sẽ trở thành con số không, bởi chắc chắn các đảng đối lập đều sẽ không ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện nay, thậm chí sẽ là yêu cầu đàm phán lại với EU và tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 để đảo ngược Brexit.

Thực tế, đây là một cuộc bầu cử khó dự đoán. Trên danh nghĩa, ông Johnson sẽ có được sự ủng hộ của các cử tri “Brexit”, những người cũng đã bỏ lá phiếu ủng hộ “ly hôn” trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016. Điều này được củng cố với kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Anh, theo đó đảng Bảo thủ của ông Johnson hiện đang dẫn đầu và có khả năng sẽ giành được đa số ghế tại Hạ viện.

Tuy nhiên, hãy nhìn lại cuộc bầu cử năm 2017, khi đó Thủ tướng đương nhiệm là bà Theresa May cũng được dự đoán là sẽ giành chiến thắng dễ dàng nhưng rồi kết quả lại không như vậy, đảng của bà bị mất đa số ghế tại quốc hội. Hơn thế nữa, tình hình của ông Johnson hiện tại lại không sáng sủa hơn vị thế của bà May khi đó, nếu không muốn nói là có phần không bằng.

Dẫu vậy, điều khiến ông Johnson sẽ bớt phần nào lo lắng là hiện chưa có cái tên sáng giá nào được cho là sẽ giành được đa số ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, điều dễ hiểu trong bối cảnh rối ren và đầy chia rẽ hiện nay tại Vương quốc Anh.

Anh bị chia rẽ bởi quan điểm đảo ngược Brexit.

Về phía các cử tri, những người theo trường phái hoài nghi châu Âu sẽ ủng hộ ông Johnson nhưng họ cũng đang không hài lòng khi ông đã không giữ được lời hứa “rời EU (vào hạn chót 31-10 vừa qua) hoặc là chết”. Ngoài ra, tại khu vực miền Nam nước Anh và Scotland, số lượng cử tri thân châu Âu là rất đông và họ đương nhiên không ủng hộ ông Johnson cũng như đảng của ông.

Hiện nay, điều mà các nhà quan sát nhận thấy là số cử tri “trung dung” đã ít đi, thay vào đó là sự gia tăng của các cử tri ở hai đầu thái cực ủng hộ và phản đối Brexit. Song điều khiến cho cuộc bầu cử trở nên khó dự đoán là tính đỏng đảnh và dễ thay đổi của các cử tri Anh trong thời gian gần đây.

Các thống kê cho thấy, trong khoảng năm 2010 đến 2015, có khoảng 43% số cử tri đã thay đổi sự ủng hộ từ đảng này sang đảng khác, con số này cho giai đoạn từ 2015 đến 2017 là 33%. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, sẽ chẳng ai đoán được kết quả của cuộc bầu cử sẽ ra sao.

Brino - một Brexit kiểu mới

Nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận vẫn còn đó khi mà tương lai kết quả của cuộc bầu cử sớm vẫn là một câu hỏi lớn. Trong tình thế đó, nhiều chuyên gia phân tích đã tính đến một kịch bản hoàn toàn mới cho mối quan hệ giữa Anh và EU. Kịch bản này có tên Brino - tức là chỉ “ly hôn” trên danh nghĩa - hoặc cũng có thể hiểu là hai bên tạm “ly thân” nhưng vẫn có nghĩa vụ với các công việc chung và với những đứa con của mình.

Nói cụ thể hơn, Brino sẽ cho phép Anh rời EU nhưng vẫn ở lại thị trường chung đơn nhất và liên minh hải quan, vẫn đóng góp cho ngân sách châu Âu. Trước khi các bên tiếp tục tìm ra được một giải pháp Brexit hoàn chỉnh, Brino sẽ có thể là một giải pháp kéo dài trong ít nhất vài năm.

Anh đang muốn đàm phán thương mại với từng quốc gia thành viên EU, để khi Anh rời khỏi EU thì vẫn có mối quan hệ bang giao về thương mại với các nước, chứ không nhất thiết phải là một thỏa thuận thương mại với cả khối châu Âu.

Nhưng EU rõ ràng không cho phép điều này, quan điểm của họ là rất rõ ràng: EU là một khối, một thị trường chung chứ không phải từng nước đơn lẻ. Nếu Thủ tướng Johnson cố gắng phá vỡ quy tắc này, ông có thể chọc giận EU và đánh mất việc có thể thành lập quan hệ thương mại với thị trường chung đơn nhất EU (sau Brexit), khi đó nền kinh tế Anh sẽ rất khó khăn khi mất đi một đầu ra quan trọng cho các sản phẩm của nước này.

Hơn thế nữa, Anh chưa có thỏa thuận thương mại với Mỹ, rời khỏi thị trường đơn nhất của EU đồng nghĩa với việc phải ngay lập tức ký một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ, một điều vô cùng khó khăn và có thể phải trả giá cao trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ bên kia bờ Đại Tây Dương đang nắm ưu thế. Đó là lý do Anh phải tính đến việc ở lại thị trường chung đơn nhất, trước khi ký kết được thỏa thuận thương mại với Mỹ hay các thị trường khác và với chính EU (dù là thỏa thuận với cả khối hay từng nước đơn lẻ).

Điều này là lý do tại sao Brino lại được đề cập đến và nó sẽ tồn tại cho đến khi Anh và EU đàm phán được về vấn đề thương mại nếu đã quyết định “ly hôn” khi chưa có thỏa thuận.

Nhưng liệu Brino có thể kéo dài mãi mãi không? Chắc chắn là không. Tình trạng “ly thân” như vậy sẽ không thể kéo dài mãi. Phía EU có thể hài lòng với một tình trạng lấp lửng như vậy, có thể gia hạn đi gia hạn lại tình trạng này, vì họ gần như không mất gì, ngược lại còn tiếp tục được nhận phần ngân sách từ phía Anh. Tuy nhiên, Anh sẽ không thể mãi kẹt trong thế Brino.

Với Brino, Anh sẽ tiếp tục phải tuân theo luật chơi của EU, nộp ngân sách cho EU để tiếp tục ở lại thị trường đơn nhất nhưng lại không có vai trò với tư cách là một thành viên. Khi không có vai trò là một thành viên thì Anh sẽ không có tiếng nói trong việc ra các quyết sách, không có quyền bỏ phiếu. Vô hình trung, đây là một nguy cơ gây thiệt thòi rất lớn đối với Anh mà chắc chắn một nước lớn như Vương quốc Anh sẽ không chấp nhận kéo dài tình trạng này.

Nguồn cand