BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bầu cử tổng thống Mỹ ra sao sau vụ ông Trump bị ám sát hụt lần 2? 

Cập nhật ngày: 17/09/2024 - 09:46

Việc ông Donald Trump nghi là bị ám sát hụt tại Florida nhiều khả năng sẽ kéo theo mối lo về rủi ro đối với các ứng viên tổng thống, đồng thời tác động đến cục diện cuộc bầu cử.

Việc một ứng viên tổng thống bị ám sát hụt 2 lần trong vòng 2 tháng là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ.

Tình huống này khiến chính trường Mỹ bối rối, đồng thời tô đậm sự phân cực và chia rẽ ngày càng sâu trong nội bộ đất nước cờ hoa, CNN nhận định.

Vô tiền khoáng hậu

Việc một nhân vật chính trị tầm cỡ của Mỹ bị ám sát hụt nhiều lần trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử làm dấy lên nhiều lo ngại về một đất nước vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chia rẽ đảng phái.

Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của giới phân tích xoay quanh xu hướng bạo lực với tâm điểm là bài toán sở hữu súng đạn.

Cả hai ứng viên tổng thống hiện nay đều đứng đằng sau bục kính chắn đạn để phát biểu trước đám đông khi tham gia các sự kiện ngoài trời.

Giờ đây, một nỗi sợ mới dâng lên trong lòng nước Mỹ về khả năng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng có thể đưa đất nước này vào một con đường ảm đạm hơn.

Một nỗi ám ảnh giờ đây quay lại đeo bám người Mỹ về việc những chính trị gia tham gia tranh cử tổng thống cũng đang đồng thời đặt mạng sống của họ vào tầm nguy hiểm.

Ba nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ là Phó tổng thống Kamala Harris, Thống đốc Minnesota Tim Walz, tức ứng viên tranh cử phó tổng thống, và Tổng thống Joe Biden đều bày tỏ sự nhẹ nhõm khi biết tin ông Trump đã an toàn và người đàn ông bị nghi vấn là mưu sát cựu tổng thống đã bị bắt.

“Tôi rất vui vì ông ấy (Trump) đã an toàn”, bà Harris viết trên mạng xã hội. “Bạo lực không được dung thứ tại Mỹ”.

Vào chiều 15/9 (giờ địa phương), chỉ ít lâu sau tình huống nghi là ám sát hụt, ông Trump đã gửi đi một email gây quỹ với nội dung: “Tôi khoẻ và an toàn”.

“Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”, ông Trump viết trong email.


Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường xảy ra vụ tình nghi ám sát hụt ông Trump tại Florida. Ảnh: New York Times.

Nghị sĩ New York Elise Stefanik, một trong những đồng minh hàng đầu của ông Trump, nhắc lại ý tưởng rằng cựu tổng thống được thế lực thần thánh cứu mạng. Đây vốn là chủ đề được đề cập ở Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa năm 2024.

“May mắn thay, Chúa tiếp tục dõi theo ông Trump”, bà Stefanik nói. “Là người Mỹ, chúng ta phải đoàn kết vào tháng 11 để bảo vệ nền cộng hòa của chúng ta và đưa thế giới trở lại hoà bình”.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, sau khi đến thăm ông Trump tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của cựu tổng thống vào ngày 15/9, cũng cho rằng ứng viên đảng Cộng hoà được che chở bởi thần linh và ủng hộ tuyên bố rằng ông Trump không thể bị đánh bại.

“Không có nhà lãnh đạo nào trong lịch sử Mỹ từng sống sót sau nhiều đợt tấn công mà vẫn kiên cường và mạnh mẽ như ông Trump”, ông Johnson nói. “Không gì có thể ngăn cản được ông ấy”.

Câu hỏi cho Cơ quan Mật vụ

Cơ quan Mật vụ Mỹ đã phát hiện người đàn ông được cho là nỗ lực ám sát ông Trump khi ông này ở cách cựu tổng thống khoảng vài trăm mét tại Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida.

Bà Stefanik chất vấn rằng bằng cách nào mà “một người mang súng có thể tiếp cận gần ông Trump đến vậy một lần nữa”.

“Chúng ta vẫn đang đợi câu trả lời về nỗ lực ám sát kinh hoàng ở Pennsylvania cũng như những phản hồi về sự vụ xảy ra hôm nay ở Florida”, bà Stefanik viết thêm.

Những chất vấn của nghị sĩ gốc New York được cho là đang dự báo trước về cuộc tranh luận tâm điểm trong những ngày tới xoay quanh mức độ bảo vệ dành cho cựu tổng thống.


Bên ngoài Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida. Ảnh: New York Times.

Ông Trump đã tuyên bố một cách vô căn cứ rằng chính quyền Tổng thống Biden-Harris đã đồng lõa trong vụ mưu sát nhắm vào ông ở Pennsylvania hồi tháng 7.

Lập luận của cựu tổng thống cho rằng chính quyền đương nhiệm đã vũ khí hoá Bộ Tư pháp để chống lại ông.

Tuy nhiên, các lùm xùm pháp lý của ông Trump được tiến hành thông qua chỉ đạo thường trực của các phiên tòa và chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nhà Trắng có liên quan đến vấn đề này.

Ông Trump sẽ làm gì?

Vụ tình nghi là ám sát hụt thứ hai nhắm vào cựu tổng thống xảy ra trong bối cảnh của một cuộc bầu cử tổng thống hỗn loạn vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ.

Lần đầu tiên kể từ năm 1968, một tổng thống đương nhiệm chọn rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng khi chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày bầu cử.

Người thay thế đảng cầm quyền ra tranh cử đang đứng trước cơ hội trở thành phụ nữ da đen đầu tiên nhậm chức tổng thống Mỹ.

Ứng viên tranh cử đại diện đảng Cộng hòa đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc hình sự, đồng thời đang tranh cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp. Nếu trở lại cương vị đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Mỹ tái đắc cử sau khi thất bại tại cuộc bầu cử trước đó.

Nhất cử nhất động của ông Trump sẽ được theo dõi chặt chẽ trong những ngày tới. Sau vụ ám sát hụt đầu tiên, cựu tổng thống đã kêu gọi nước Mỹ đoàn kết lại.

Tuy nhiên, tuyên bố về sự thống nhất của ông Trump nhanh chóng bị che mờ bởi bài phát biểu xoáy sâu vào sự chia rẽ của nước Mỹ tại Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa.

Thêm vào đó, với lịch sử là một người ít chịu lắng nghe các cố vấn, nhiều khả năng cựu tổng thống sẽ không đề cao việc một lần nữa kêu gọi nước Mỹ đoàn kết lại sau tình huống tình nghi là ám sát hụt tại Florida.

Một khía cạnh có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự vụ hôm 15/9 là về lối hành xử của ông Trump. Sau khi bị thương trong vụ ám sát hụt hồi tháng 7, chính trị gia 78 tuổi dường như đã kiềm chế bản thân trong thời gian ngắn.

Nhưng kể từ đó đến nay, ông Trump đã quay trở lại với hình ảnh tự tin có phần kiêu ngạo vốn đã làm nên tên tuổi của vị tỷ phú này. Thậm chí, những phát biểu của ông Trump còn cực đoan hơn trước, CNN nhận định.


Ông Trump sau khi bị bắn trúng tai ở Pennsylvania hồi tháng 7.

Sau sự việc ở Florida, hầu hết đối thủ chính trị của ông Trump thể hiện một bộ mặt bình tĩnh giữa lúc tình hình đầy biến động.

Thông thường, một nỗ lực được cho là ám sát hụt nhắm vào một ứng viên tranh cử tổng thống có thể khơi dậy sự cảm thông từ phía cử tri, từ đó chuyển thành một cú huých về mặt chính trị.

Tuy nhiên, vụ việc lần này xảy ra trong bối cảnh cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump đang ở thế sít sao và cả hai phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ từng khoảng vài trăm nghìn cử tri đang lưỡng lự tại các bang tranh chấp.

Hiện chưa rõ ông Trump có thể chinh phục được bao nhiêu phần trong số những cử tri nói trên, đặc biệt là với hình ảnh một chính trị gia thường gây chia rẽ đất nước kể từ khi tỷ phú này lần đầu tham gia chính trường vào năm 2015.

Ông Trump được dự đoán là sẽ sử dụng sự vụ ở Florida để củng cố thêm cho tuyên bố rằng ông là nạn nhân của âm mưu cản trở cựu tổng thống quay trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng.

Dẫu vậy, thời điểm hiện tại vẫn còn sớm để đoán biết liệu vụ việc này có đem lại hiệu quả chính trị cao hơn so với lần ám sát hụt hồi tháng 7 hay không.

Nguồn znews