Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hôm qua (12.6), cử tri nước Cộng hoà Hồi giáo Iran tham gia bầu cử Tổng thống – cuộc đua chủ yếu giữa đương kim Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad và cựu Thủ tướng ôn hoà, thân phương Tây Mirhossein Mousavi.

![]() |
Cử tri Iran khá đắn đo khi chọn lựa giữa “Cứng rắn” và “Ôn hoà”. Ảnh: AP |
Hôm qua (12.6), cử tri nước Cộng hoà Hồi giáo Iran tham gia bầu cử Tổng thống – cuộc đua chủ yếu giữa đương kim Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad và cựu Thủ tướng ôn hoà, thân phương Tây Mirhossein Mousavi. Cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran thu hút sự chú ý của Mỹ và phương Tây vì chắc chắn, kết quả sẽ tác động đến chính sách của họ đối với quốc gia Hồi giáo đang theo đuổi chính sách hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế ít nhiều nghi ngại.
Vì tính chất đặc biệt của cuộc đua, nên cả hai phe “cứng rắn” và “ôn hoà” đều rất tích cực vận động cử tri ủng hộ tham gia, do đó tỷ lệ cử tri đi bầu có thể sẽ vượt qua mức 70%. Ngay trong sáng 12.6, tại nhiều địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Tehran và các thành phố lớn, cử tri xếp thành hàng dài chờ đến lượt mình. Mặc dù có đến 4 ứng cử viên, nhưng cuộc đua chính vẫn là Tổng thống Ahmadinejad và cựu Thủ tướng Mirhossein Mousavi.
Đối với ông Ahmadinejad, kết quả cuộc bầu cử cũng là cách đánh giá khách quan nhất những gì ông đã làm trong suốt 4 năm cầm quyền. Mặc dù, Tổng thống Iran tuyên bố rằng, chính phủ của ông vẫn duy trì được sự tăng trưởng, kiềm chế được tình trạng giá cả leo thang nhưng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu này vẫn đang trong tình trạng lạm phát đến 15%, số người thất nghiệp ngày càng nhiều. Đó là chưa kể đến sự bức xúc của xã hội khi dưới thời ông Ahmadinejad, vai trò của phụ nữ ngày càng bị hạn chế, mối quan hệ giữa Iran và thế giới xấu đi…
Trong khi đó, những người có chủ trương cải cách đều rất hy vọng vào một chiến thắng của ông Mousavi sẽ giúp giảm nhẹ sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây, vốn cực lực chỉ trích chương trình hạt nhân của chính quyền Tehran.
Thực tế, dù ông Mousavi có là người ôn hoà, nhưng chính vị cựu Thủ tướng này cũng đã bóng gió đến việc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng làm chủ công nghệ hạt nhân nếu ông giành chiến thắng. Mặt khác, ai chiến thắng cũng vậy, chính sách đối ngoại của Tehran cũng khó thay đổi được khi quyền đó lại thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei – lãhh đạo tinh thần tối cao của Iran.
Đ. Hoàng Thái
(tổng hợp)