Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Nhãi (bên phải) giới thiệu vườn sầu riêng của gia đình.
Xác định phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND xã Bàu Ðồn đã xây dựng các nhóm giải pháp cụ thể, tập trung vào các loại cây thế mạnh của xã như: sầu riêng, thanh long ruột đỏ, các cây ăn trái khác, lúa... Theo đó, năm 2017, xã đã quy hoạch, phân vùng sản xuất: vùng 1 diện tích 500 ha, chủ yếu trồng cây ăn trái; vùng 2 có diện tích hơn 905 ha, chủ yếu trồng lúa theo hướng VietGAP và gần 7 ha chuyên canh rau.
Tuy nhiên, vùng sản xuất lúa dù cho năng suất cao hơn trước nhưng không mang lại giá trị cao như cây ăn trái. Vì vậy, UBND xã đã quy hoạch lại vùng sản xuất. Cụ thể, vùng 1 có 178 ha cây ăn trái, 416 ha trồng lúa; vùng 2 có 162 ha trồng cây sầu riêng, 200 ha trồng lúa; vùng 3 trồng 406 ha sầu riêng; vùng 4 có 116 ha trồng sầu riêng xen canh cây chôm chôm. Song song với đó, xã đã xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa, cây bắp và đang lập đề án trên cây sầu riêng. Xã cũng đã hình thành chuỗi liên kết trên cây lúa, cây bắp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Ðồn là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái trên địa bàn xã. Trước đó, ông Minh sử dụng 2 ha đất nông nghiệp của gia đình để canh tác lúa giống, đậu phộng. Do hiệu quả canh tác không cao nên ông Minh đã chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, do ông Minh chưa am hiểu kỹ thuật chăm sóc nên cây bị bệnh nhiều, làm ảnh hưởng tới giá thành và đầu ra sản phẩm.
Ông Minh tiếp tục chuyển từ cây thanh long sang cây bưởi da xanh ruột hồng. Cây bưởi cho hiệu quả cao hơn, dễ chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch dễ và lâu hơn so với thanh long. Ông Minh cho biết, hiện đang liên kết với nhà máy Tanifood thu mua thanh long, khóm. Sắp tới, nhà máy sẽ thu mua bưởi nên nông dân Bàu Ðồn rất yên tâm trồng cây bưởi.
Còn ông Nguyễn Văn Nhãi (ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn) chuyển đổi từ cây lúa sang cây sầu riêng hơn 10 năm nay. Theo ông Nhãi, so với trồng lúa thì thu nhập từ cây sầu riêng cao hơn từ 4-5 lần. Nếu hệ thống thuỷ lợi, tiêu thoát nước trên địa bàn được bảo đảm thì trồng cây sầu riêng rất ổn định. Tuy vậy, đầu ra sản phẩm vẫn còn phụ thuộc vào thương lái. Chính vì vậy, nông dân mong muốn Hội Nông dân các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, xây dựng hợp tác xã; hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP để đầu ra ổn định và quảng bá được thương hiệu sầu riêng Bàu Ðồn trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Ðồn, trên địa bàn xã có 3.042 ha đất nông nghiệp, đã chuyển 1.426 ha sang trồng cây ăn trái và cho lợi nhuận cao. Cụ thể, trước đó nông dân sản xuất lúa lợi nhuận đạt từ 15-20 triệu đồng/ha/vụ, nhưng cây sầu riêng cho lợi nhuận từ 500-800 triệu đồng/ha/vụ, cây nhãn khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cây thanh long ruột đỏ có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Một số vùng canh tác lúa giống, bắp giống đã được HTX giống và dịch vụ nông nghiệp xã Bàu Ðồn ký hợp đồng với một số doanh nghiệp thu mua, nông dân có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi lại chưa có sự phát triển rõ nét theo hướng tập trung, còn hạn chế về số lượng, các trang trại, gia trại chăn nuôi chưa phát triển nhiều. Vì thời gian qua, xã chỉ tập trung vào trồng trọt mà chưa có kế hoạch cụ thể về phát triển chăn nuôi. Tổng đàn gia súc của xã là gần 2.300 con, đàn gia cầm là hơn 39.000 con.
Theo UBND xã Bàu Ðồn, trong thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sẽ thực hiện một số giải pháp như xây dựng thương hiệu trên cây sầu riêng và củng cố tổ chức sản xuất các ngành hàng khác có tiềm năng phát triển như rau an toàn, thanh long ruột đỏ, bưởi, nhãn… tạo sản phẩm đặc trưng của xã; làm cầu nối giữa ngân hàng với HTX để hỗ trợ nâng cao năng lực và tài chính cho kinh tế hợp tác qua việc vay vốn ưu đãi mua máy móc, thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất; từng bước hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hoá và hạ tầng kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Vũ Nguyệt