Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi phóng sự, ký sư:
Bàu Đồn ngày nay
Thứ hai: 05:15 ngày 12/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bàu Đồn tích cực phấn đấu, tập trung thực hiện các TC, nhất là những TC khó và gắn bó trực tiếp đến đời sống của người dân. Đến nay, xã đã đạt được 19/19 TC xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Người dân xã Bàu Đồn chăm sóc sầu riêng.

Hàng chục năm về trước, nhắc đến xã Bàu Đồn (Gò Dầu), nhiều người chỉ biết nơi đây có nhiều đậu phộng, lúa, khoai môn, khoai mì… rất ít ai nghĩ đến địa bàn này sẽ hình thành những vườn cây ăn trái tốt tươi, nhất là vườn sầu riêng được trồng trên các cánh đồng bưng sình lầy, những vườn thanh long ruột đỏ, những vườn nhãn xum xuê oằn trái.

Ngoài ra, Bàu Đồn còn có Quỹ tín dụng nhân dân kinh doanh có hiệu quả; Hợp tác xã Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp có nhiều đổi mới trong sản xuất, kinh doanh… Từ đó góp phần đáng kể cho xã Bàu Đồn đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngọt ngào những vườn cây ăn trái

Hằng năm, cứ vào khoảng cuối Xuân, đầu Hè, đi trên tỉnh lộ 782, qua địa bàn xã Bàu Đồn, ai cũng thấy những vựa trái cây đầy ắp sầu riêng. Những trái sầu riêng thơm ngon này không phải nhập từ đâu xa, mà ở ngay trên địa bàn xã. N

hững cơn mưa đầu mùa làm cho “rừng sầu riêng” ở khu vực Trảng Bàu Heo (thuộc ấp 7 và ấp 2, xã Bàu Đồn) càng xanh tốt hơn, cây nào cũng đang cho trái.

Khoảng 15 năm trước, toàn khu vực này là một vùng đất sình lầy ngập nước, có chỗ bỏ hoang hoá, có chỗ sản xuất lúa năng suất thấp. Sau khi Nhà nước cho làm một con kênh tiêu qua cánh đồng, bà con ở đây mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng sầu riêng.

Từ khi trồng sầu riêng, thu nhập của bà con rất ổn định. Anh Lê Văn Vũ (sinh năm 1969), nhà ở ấp 4, cho biết, gia đình anh có 45 cao (4.500m2) vườn sầu riêng. Từ khoảng năm 2000 về trước, ruộng của anh bị ngập úng, mỗi năm làm có một vụ lúa, mà năng suất cũng rất thấp.

Hiện nay giá cả sầu riêng có lúc lên xuống (hôm 8.6, giá tại vườn 30.000 đồng/kg), nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần sản xuất lúa. Nhờ trồng sầu riêng mà gia đình của anh có cuộc sống ổn định. Không riêng gì gia đình anh Vũ, mà nhiều bà con có đất ở cánh đồng Trảng Bàu Heo đều lập vườn trồng sầu riêng.

Được biết cánh đồng Trảng Bàu Heo rộng khoảng 600m và dài khoảng 2km. Hầu hết diện tích đất khu vực này đều được bà con lên liếp lập vườn sầu riêng.

Không chỉ ở Trảng Bàu Heo, xã Bàu Đồn còn có khu vực bưng Ông Cối (thuộc ấp 4 và ấp 5) rộng hơn 200 ha, trước đây quanh năm ngập úng, toàn cánh đồng bỏ hoang hoá. Sau khi Nhà nước đầu tư nạo vét kênh mương thoát nước, cánh đồng dần dần hết ngập, gần như phủ kín sầu riêng, xen một số ít vườn nhãn.

Ngoài hai khu vực trên, ở Bàu Đồn còn có khu vực Bàu Trâm (thuộc ấp 2) cũng có một số hộ lập vườn sầu riêng và đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Xã viên HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn thu hoạch bắp.

Cùng với việc phát triển vườn sầu riêng, một số hộ dân xã Bàu Đồn lập vườn trồng thanh long ruột đỏ. Trên địa bàn xã hiện có hơn 30 hộ trồng thanh long ruột đỏ, với gần 30 ha.

Anh Lê Công Minh, ở ấp 2, cho biết, gia đình anh trồng 2 ha thanh long ruột đỏ. Thanh long dễ trồng, mà hiệu quả kinh tế khá cao. Giá thanh long cũng có lúc lên cao, khi xuống thấp, nhưng mỗi năm gia đình anh Minh có thu nhập bình quân không dưới 200 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí đầu tư).

Để đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, những người trồng thanh long ruột đỏ ở Bàu Đồn đã thành lập tổ liên kết. Anh Minh cho biết thêm, gần đây, ngoài trồng thanh long, trên địa bàn xã còn có một số hộ lập vườn trồng bưởi da xanh, với tổng diện tích khoảng 20 ha.

Theo số liệu gần đây của UBND xã Bàu Đồn, toàn xã có gần 3.006 ha đất nông nghiệp. Trong đó, đất làm lúa hơn 900 ha, đất vườn cao su 678 ha, vườn nhãn 752 ha, vườn sầu riêng hơn 458 ha, số còn lại người dân trồng thanh long, bưởi và các loại cây ăn trái khác.

Kinh tế tập thể phát triển

Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn hoạt động khá hiệu quả, nhất là sản xuất lúa giống và bắp giống.

Ông Nguyễn Văn Nhành- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn cho biết, vụ Đông Xuân, HTX ký hợp đồng với Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương sản xuất bắp giống bao tiêu sản phẩm.

Phương thức hợp đồng là công ty trao hạt bắp giống và tạm ứng một khoản tiền để xã viên làm vốn sản xuất, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc bắp. Toàn bộ sản phẩm công ty thu mua với giá cả hợp lý, đôi bên cùng có lợi.

Các xã viên phấn khởi, vì có đầu ra sản phẩm ổn định. Ông Nhành cho biết thêm, ngoài hợp đồng trồng bắp, thời gian qua, HTX còn ký hợp đồng với một công ty sản xuất 70 ha lúa chất lượng cao…

Mục tiêu và yêu cầu phương án sản xuất của HTX là phát triển mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường đầu ra, liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm. Vụ lúa mùa năm 2016, xã viên HTX còn sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ sinh học và phương pháp hữu cơ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đáng lưu ý, vụ lúa Hè Thu 2017, HTX ký hợp đồng với một nhà máy chế biến hạt giống sản xuất 40,5 ha lúa giống cấp xác nhận, theo cách cấy lúa bằng máy. Có thể nói, nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với giá cả hợp lý, ổn định, nên xã viên HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn luôn an tâm sản xuất và nâng cao được nguồn thu nhập, cuộc sống gia đình ổn định.

Bên cạnh đó, một tổ chức kinh tế thập thể khac cũng làm ăn rất hiệu quả, đó là Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã Bàu Đồn. Quỹ được thành lập từ tháng 8.1996.

Bà Đặng Thị Mộng Thu- Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng cho biết, năm 2016, tuy nền kinh tế gặp không ít khó khăn, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm, nhu cầu vay của người dân thấp, nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên cùng với sự đồng tình ủng hộ của các thành viên, Quỹ tín dụng luôn ổn định, phát triển bền vững, luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Năm qua, Quỹ cho gia nhập thêm 196 thành viên mới và đã giải quyết cho 120 thành viên xin ra khỏi Quỹ. Đến cuối năm 2016, tổng số thành viên là 1.451 người (tăng 76 thành viên so với năm 2015); tổng nguồn vốn 72.761 triệu đồng (tăng 12.428 triệu đồng so với cuối năm 2015); tổng dư nợ 63.997 triệu đồng (tăng 17.261 triệu đồng so với năm 2015).

Quỹ đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, đúng định kỳ. Với những thành tích đạt được, năm 2016, tập thể Quỹ TDND Bàu Đồn và 2 cá nhân được Liên minh HTX Việt Nam tặng bằng khen và 1 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Vườn thanh long ruột đỏ ở xã Bàu Đồn.

Đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Bàu Đồn là xã thứ 3 của huyện Gò Dầu (sau hai xã Phước Trạch và Phước Đông) được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tích cực phấn đấu, tập trung thực hiện các tiêu chí (TC), nhất là những TC khó và gắn bó trực tiếp đến đời sống của người dân. Đến nay, xã đã đạt được 19/19 TC xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ngay từ khi mới triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, lãnh đạo xã đã xác định giao thông là TC khó thực hiện, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, nhằm phát huy tốt các nguồn lực xã hội, sự chung tay góp sức của người dân.

Qua khảo sát, trên địa bàn xã có 106 tuyến đường, với tổng chiều dài 87,15km. Trong đó, có 3,6km tỉnh lộ 782 và 784; 8 tuyến đường trục xã, 39 tuyến đường trục ấp, xóm và 41 tuyến đường ngõ xóm, còn lại là giao thông nội đồng.

Đến nay, tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã đều được nhựa hoá và “cứng hoá” theo bộ tiêu chí quốc gia quy định, với tổng kinh phí thực hiện hơn 111 tỷ đồng. Về nhà ở dân cư, trên địa bàn xã có 4.256 căn nhà.

Đối với những hộ nghèo, chính quyền tích cực vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức Nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết.

Từ khi thực hiện Chương trình XDNTM đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng mới được 247 căn nhà. Trong đó có 3 căn nhà tình nghĩa, 27 căn nhà đại đoàn kết và 217 căn nhà do người dân tự xây dựng.

Hiện nay, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Trong năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã là 39,5 triệu đồng/người/năm.

Đến cuối năm 2016, xã còn 24 hộ nghèo (tỷ lệ 0,56%). Từ việc thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu, và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nên đến cuối năm 2016, xã có 78,21% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

D.H

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh