BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bàu Ếch đổi thay

Cập nhật ngày: 13/10/2009 - 05:11

Những căn nhà tạm bợ đã được thay thế bằng những dãy nhà tường.

Trở lại thăm Bàu Ếch, tôi gần như không còn nhận ra vì quang cảnh đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, bà con dân tộc Khmer cư ngụ trong những ngôi nhà tranh, vách lá lụp xụp. Nhiều người thất nghiệp, gia cảnh khó khăn. Nay, những ngôi nhà tạm bợ đã được thay thế bằng dãy nhà tường: cửa sắt, mái tôn, nền lát gạch tàu. Ghé vào thăm một số nhà, chúng tôi thấy bà con đều có xe máy, ti vi, radio và nhiều nhà còn có dàn karaoke với đầy đủ amply, thùng bass để vui chơi, ca hát.

Già làng Cao Văn Mun, 57 tuổi, phấn khởi khoe căn nhà mới và chiếc xe mô tô của mình: “Trước kia nhà tôi dột nát, giường tre xệu xạo. Bốn năm nay, nhờ có chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc của Chính phủ (Chương trình 134) mà gia đình tôi có được căn nhà tường này, được khoan giếng nước, có cả mô tơ và còn được 7 triệu đồng. Tôi dùng số tiền ấy cho con gái út đi học nghề may và mua xe để đi làm công nhân xí nghiệp”. Ông Mun cho biết thêm, ngoài cô con gái út của ông, ở xóm này hiện có 5 cô con gái khác cũng đang làm công nhân may. Thu nhập thấp nhất cũng được 1,2 triệu đồng/tháng. Tháng nào tăng ca thì được 1,6 – 1,7 triệu đồng. Với ông Mun, đây là một niềm vui lớn vì trước đây con em người dân tộc thiểu số chưa từng có cơ hội được tuyển vào làm công nhân ở các xí nghiệp.

Anh Cao Văn Mút Span vừa từ Bình Dương về thăm nhà cũng vui vẻ góp chuyện. Anh kể: mấy năm nay, vợ chồng anh và nhiều gia đình khác trong xóm kéo nhau qua Bình Dương làm công nhân cho các nông trường cao su để kiếm sống. Thu nhập mỗi ngày được khoảng 50.000 – 60.000 đồng. Mỗi tháng các anh về thăm nhà một lần, nghỉ ngơi vài ngày rồi lại đi làm tiếp. Anh Span tin tưởng: “Nhà cửa đã có rồi, bây giờ chỉ còn lo cái ăn nữa thôi. Từ từ rồi cũng khá lên như người ta”.  

Ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nhỏi, chúng tôi thấy chị đang bận bịu với cửa tiệm tạp hoá của mình. Chị Nhỏi là người Kinh, chồng chị là người Khmer. Cũng như nhiều hộ Khmer ở đây, gia đình chị cũng được Chương trình 134 của Chính phủ hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt và 7 triệu đồng làm kinh tế. Chị có được tiệm tạp hoá nho nhỏ là nhờ vào số tiền ấy. Chị Nhỏi chỉ tay bên phần đất đối diện kể: “Hồi trước, nhà tôi ở đó, là một căn nhà lá, vách đất được hội từ thiện cất cho. Năm 2007 được Nhà nước cất cho căn nhà tường và còn giúp vốn mở tiệm tạp hoá, nhờ vậy tôi không còn phải đi làm thuê làm mướn mà đã có công ăn việc làm, cuộc sống đang dần ổn định”.

 Qua tiếp xúc với bà con ở Bàu Ếch, mới thấy còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục quan tâm. Trước tiên là chuyện học hành. Ở Bàu Ếch có 57 hộ gia đình Khmer với 297 nhân khẩu, nhưng đến nay chưa có người nào tốt nghiệp cấp 2. Học vấn cao nhất là chị Cao Thị Đang, 28 tuổi, con gái út của già làng Cao Văn Mun. Hầu hết trẻ em trong xóm đều bỏ học giữa chừng. Hai đứa con của chị Nguyễn

Nhiều nhà ở Bàu Ếch đã sắm được dàn karaoke như thế này.

Thị Nhỏi, đứa con trai lớn học xong lớp 8 đã nghỉ, mấy năm nay ở nhà đi làm phụ hồ, đứa con gái út, hết lớp 6 cũng ở nhà buôn bán phụ mẹ. Con trai của anh Cao Văn Mút Span, mới học lớp 4 cũng bỏ học theo cha mẹ đi làm mướn.

Một vấn đề khác là hiện nay bà con ở Bàu Ếch đang ước ao có được một nhà văn hoá để sinh hoạt. Bàu Ếch có một đội trống Xa-dăm rất mạnh. Năm 2000, đội trống này từng đại diện cho Tây Ninh tham dự Liên hoan Văn hoá dân tộc toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội và đã giành Huy chương vàng. Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, đội trống Xa-dăm Bàu Ếch cũng thường xuyên tham gia. Thế nhưng, bao năm nay, đội không có nơi luyện tập. Mỗi lần muốn ôn luyện đều phải mượn nhà dân. Già làng Cao Văn Mun bày tỏ: “Ngoài nhu cầu để duy trì và phát triển đội trống Xa-dăm, bà con cũng rất cần có nơi để hội họp, thờ cúng và sinh hoạt văn hoá dân tộc”.

Hiện nay, nhà ở của đồng bào dân tộc Khmer ở Bàu Ếch đã được xây cất tập trung, nhưng lối đi giữa các dãy nhà còn sình lầy nước đọng, chưa có hệ thống mương, cống thoát nước hoàn chỉnh. Theo già làng Cao Văn Mun: “Mấy năm trước, có xe đến ủi và nạo vét hai bên mép đường để đi tạm chứ chưa được đổ sỏi đỏ như ở các khu đồng bào dân tộc khác trong tỉnh. Khi nào xây cất xong nhà văn hoá, tôi sẽ tiếp tục đề nghị làm đường cho bà con đi lại”.

Vấn đề cuối cùng là còn 19 hộ dân ở Bàu Ếch chỉ mới nhận được 4,5 triệu đồng/hộ, thay vì 7 triệu đồng (thay thế đất sản xuất theo Chương trình 134) như những hộ khác.

ĐẠI DƯƠNG