Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bàu Gõ bây giờ
Thứ hai: 12:59 ngày 19/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Làng Bàu Gõ (hay Lợi Thuận) là vùng biên giới, có diện tích chung khoảng 5.000 ha, Ðông giáp sông Vàm Cỏ Ðông, ranh giới với huyện Gò Dầu, Tây giáp Campuchia, Nam giáp xã An Thạnh và Phước Lưu (huyện Trảng Bàng), Bắc giáp xã Tiên Thuận.

Ðường về Bàu Gõ hôm nay

Trên địa bàn huyện Bến Cầu có rất nhiều gò, bàu. Như ở xã Long Khánh có Bàu Rong giờ là di tích lịch sử- văn hoá; ở xã Tiên Thuận thì có Bàu Ông- một di tích được khoanh vùng bảo vệ. Còn những Bàu Tràm Nhỏ, Bàu Tràm Lớn nay trở thành địa chỉ hành chính tại địa phương. Riêng xã Lợi Thuận, cho đến tận bây giờ, nhiều người dân vẫn còn quen gọi là làng Bàu Gõ.

Trong sách tư liệu “Lợi Thuận 30 năm kiên cường đấu tranh cách mạng” có nêu: “người đặt chân đầu tiên trên vùng đất này là dòng họ Trần, sau đó là họ Nguyễn rồi đến các kiến họ khác… Sở dĩ có tên gọi là Bàu Gõ, là vì ở nơi đây, xưa kia là một vùng đất hoang dã, có một cái bàu to lớn, có nhiều nước, nhiều cây rừng và cạnh đó có một cây gõ rất to, bà con quây quần chung quanh cái bàu này sinh sống. Ở đây vừa mát mẻ, vừa có nước phục vụ cho việc ăn uống, phía ngoài gò bàu là vùng trống dễ quan sát, tránh được thú dữ, lợi thế chống kẻ thù…”.

Trước đây, người dân có cất trên gò Bàu Gõ một cái miễu bằng cây, những năm 1930-1934, lực lượng cách mạng thường dùng nơi này làm địa điểm để hội họp.

Làng Bàu Gõ (hay Lợi Thuận) là vùng biên giới, có diện tích chung khoảng 5.000 ha, Ðông giáp sông Vàm Cỏ Ðông, ranh giới với huyện Gò Dầu, Tây giáp Campuchia, Nam giáp xã An Thạnh và Phước Lưu (huyện Trảng Bàng), Bắc giáp xã Tiên Thuận.

Ðây là vùng rừng rậm, đầm lầy, thuận lợi cho hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Từ năm 1930 về sau, với sự hình thành của các nhóm Ðảng ở xã Long Khánh, Chi bộ Ba Ti và các đảng viên cộng sản về đây hoạt động- như ông Sáu Lợi, ông Tư Kỳ, ông Hai Mạnh…

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bàu Gõ là vùng đất mà Chi đội 311, D14, đặc công thuỷ của tỉnh, đặc công thuỷ R, F5, lực lượng vũ trang huyện, Huyện uỷ và các cơ quan huyện thường xuyên trú đóng để chỉ đạo, chỉ huy chống giặc và đã giành nhiều thắng lợi.

Trải qua nhiều năm tháng, do người dân khai phá rừng làm rẫy, dần dần cả khu vực đất hoang vu đã được “thuần hoá”, người ta đắp bờ bao, cấy lúa nước… Xóm ấp hình thành ra tới khu Rừng Da (khu phố 3, thị trấn Bến Cầu ngày nay), rồi Xóm Mới Giữa, Xóm Mới Bìa… (khu phố 2, khu phố 4, Thị trấn).

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, làng Lợi Thuận nằm trong tổng Mỹ Ninh thuộc quận Trảng Bàng (đến năm 1948 thuộc quận Gò Dầu).

Thời kỳ giặc Mỹ xâm lược, năm 1961 theo cách phân chia địa giới hành chính của địch thì Lợi Thuận thuộc về quận Hiếu Thiện. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm đánh Mỹ, xã Lợi Thuận có nhiều thay đổi, năm 1948 do yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến, Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Trảng Bàng chỉ thị thành lập liên xã An Thạnh, Lợi Thuận, sau đó hợp nhất thành xã An Thạnh Lợi.

Ðầu năm 1955 tổ chức mạng lưới không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, Huyện uỷ Gò Dầu chủ trương tách An Thạnh Lợi ra làm hai xã An Thạnh và Lợi Thuận như cũ.

Năm 1962, huyện Bến Cầu được thành lập, Lợi Thuận thuộc về huyện này, bấy giờ cả xã có 7 ấp: Thuận Ðông, Thuận Tây, Thuận Nam, Thuận Chánh, Thuận Lâm, Thuận Hoà và Thuận Tâm. Năm 1999, hai ấp Thuận Nam, Thuận Lâm trở thành khu phố 3, khu phố 4 của thị trấn Bến Cầu cho đến ngày nay. 

Vùng đất Lợi Thuận không còn là vùng đất hoang vu như xưa nữa. Qua bàn tay lao động cần cù, người dân địa phương đã biến nơi đây thành một vùng đất màu mỡ.

Bây giờ, đường sá, trường học được xây dựng khang trang, rộng rãi; ánh điện lung linh khắp thôn xóm, nhiều hộ dân trở nên khá và giàu. Bàu Gõ xưa, hiện tại thuộc địa bàn ấp Thuận Ðông và cũng đã thành một vùng ruộng lúa xanh tươi.

Cảnh vật đã khác nhưng cái tên gọi Bàu Gõ đã in sâu vào tiềm thức người dân địa phương. Kể cả những người ở nơi khác- mỗi khi đi ngang qua đây họ vẫn gọi là Bàu Gõ.

THUỲ DUNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục