Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bàu Thâm Vô… lại “chìm trong vô vọng”
Chủ nhật: 12:05 ngày 22/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặc dù cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tìm lối thoát nước cho hơn 80 ha đất nông nghiệp thuộc cánh đồng Bàu Thâm Vô (ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu), nhưng xem ra tình hình ngập úng tại đây vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.

Cánh đồng Bàu Thâm Vô vẫn chìm trong “biển” nước.

Diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng qua nhiều năm ở cánh đồng Bàu Thâm Vô có thể lên đến 120 ha. Ban đầu, nông dân chọn giải pháp cùng nhau hùn tiền mua ống cống, thuê máy nạo vét khơi thông dòng chảy theo lối thoát nước cũ (có từ khi dòng kênh N10 hình thành).

Theo đó, nước sẽ thoát theo hố vật liệu cặp kênh N10, tiêu luồn qua tỉnh lộ 784, đổ về kênh tiêu T4B-2, sau đó chảy ra suối Bàu Đồn. Tuy nhiên, do có một hộ dân ngăn cản với lý do đất của gia đình được sử dụng từ trước ngày 15.10.1993, đất không có tranh chấp hay quy hoạch, nếu muốn nạo vét hố vật liệu phải đền bù thoả đáng. Thế là đường thoát nước cánh đồng Bàu Thâm Vô bị ngừng lại khi đến đoạn đi ngang qua mảnh đất này.

Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, cũng đã từng chọn hướng giải quyết như giải pháp nêu trên của nông dân. Cùng thời điểm đó, ông Huỳnh Đại Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh có cho biết: “Trước năm 1993, công trình thuỷ lợi đi qua đất nông nghiệp của dân không phải đền bù, có chăng chỉ là đền bù hoa màu. Đây là thực tế chung trong giai đoạn đó chứ không riêng gì cá nhân nào.

Năm 2013, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 49 ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Nếu đất của người dân nằm trong phạm vi đó sẽ không được đền bù”. Thực tế, kênh tưới N10 được đào từ khoảng đầu thập niên 80, hố vật liệu (đào để lấy đất đắp kênh) kèm theo cũng được xem là hệ thống thoát nước thuỷ lợi. Mặc dù chính quyền địa phương đã vận động nhiều lần nhưng người dân vẫn kiên quyết đòi đền bù.

Sau đó, UBND huyện Gò Dầu cùng phối hợp với một số đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát tìm hướng thoát nước cho cánh đồng Bàu Thâm Vô. Kết quả, Dự án vùng tưới kênh N10, tứ cận giáp kênh Đông, kênh tiêu T4B-4, đường 784 và kênh tiêu T4B-2 đã được phê duyệt.

Theo đó, quyết định chọn phương án đào kênh tiêu cặp bên tả kênh N10-3, với chiều dài 1.062m, đất đào đổ lên phía bên tả, kết hợp đắp tạo bờ kênh rộng 1m, đổ cặp bờ bên hữu kênh tưới N10-3 san tạo bờ rộng thêm 1m. Phương án này sẽ giải quyết được lưu lượng tiêu nước 0,91m3/s, nước thoát về hướng kênh tiêu T4B-2, sau đó đổ ra suối Bàu Đồn.

Tưởng rằng đã giải quyết xong “vấn nạn” ngập úng, không ngờ có một số hộ dân không chịu giao đất để triển khai dự án… Thế là đường thoát nước cho khu vực bàu Thâm Vô vẫn tiếp tục bế tắc.

Bà Phan Thị Ngọc Dung- Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết: “Sau khi bị vướng chuyện một số hộ dân không chịu giao đất, dự án thoát nước bàu Thâm Vô lại chuyển sang hướng cũ (đi qua đất của bà Võ Thị Dung)”. Lần này, dự kiến làm cống hộp bê tông trong phạm vi lưu không kênh N10, thế nhưng bà Võ Thị Dung vẫn cố tình ngăn cản. Bà Dung cứ quả quyết “muốn gì thì gặp luật sư của tôi”, trong khi vị luật sư này đang ở Hà Nội (?!).

Cán bộ địa chính xã giải thích rõ hơn, thậm chí trước đó, cơ quan chức năng cũng đã có hướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Dung nhằm phân biệt rõ đâu là đất thuộc phạm vi kênh, đâu là đất của bà để tránh việc mập mờ tạo cớ khiếu nại.

Nhưng sau khi hay tin dự án sẽ làm cống hộp trong lưu không kênh N10, bà Dung đã rút lại toàn bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, gây khó khăn cho dự án. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn nhận định: “Tình hình vận động dân giao đất đang là vấn đề đau đầu của địa phương, chúng tôi đang chờ xin ý kiến cấp trên”.

Ông Trần Công Tạo, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Gò Dầu cho biết: “Huyện có hướng không làm cống hộp nữa, mà đào mương đất theo hố vật liệu cũ cặp kênh N10, đồng thời sẽ xem xét đền bù cho bà Dung, vậy mà bà vẫn không chịu hợp tác và cứ bảo phải làm việc với luật sư của bà, đồng thời tiếp tục nộp đơn khiếu nại nhiều nơi.

Theo quy định phải giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân đúng trình tự rồi mới bàn đến chuyện cưỡng chế. Dự án thoát nước cho bàu Thâm Vô đành tạm ngưng tại đây”. Ngày 17.10, nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng rất bức xúc nêu ý kiến: có cần thiết phải chiều theo ý của một hộ dân đến mức phải cấp sổ đỏ mới phân biệt được phạm vi đất kênh N10 hay không? Trong khi việc này chỉ cần chiếu theo sơ đồ kênh là đã có thể xác định rõ. Nhà nước thi công dự án trong phạm vi lưu không kênh mà bà Dung cũng ngăn cản là sao, chẳng lẽ chính quyền cũng phải bó tay?

Đó là chưa kể hố vật liệu (bà Dung đang giữ cho cỏ mọc để nuôi bò) cũng được xem như mương tiêu thoát nước kèm theo công trình thuỷ lợi, thực tế này đã tồn tại từ khi khởi công đào kênh N10, cũng như những công trình thuỷ lợi cùng thời điểm (thập niên 80).

“Hàng ngàn hộ dân đều chấp hành giao đất cho Nhà nước đào kênh và làm mương tiêu thoát nước kèm theo chứ đâu riêng gì bà Dung, tại sao phải xem xét đền bù cho bà? Rõ ràng cá nhân bà Võ Thị Dung chẳng những đang cố tình làm khó bà con chúng tôi mà còn làm khó luôn cả cơ quan chức năng của Nhà nước. Xin lưu ý, thiệt hại về nông nghiệp khu vực cánh đồng Bàu Thâm Vô vì bị ngập úng trong nhiều năm qua là không nhỏ”, một nông dân đang bơm nước cứu lúa bức xúc.

Lưu không kênh N10-3 mỗi bên có phạm vi 2m.

Một số nông dân khác đang sốt ruột về tình trạng ngập úng có ý kiến đưa ra giải pháp cuối cùng: đó là làm cống hộp tiêu nước trong phạm vi lưu không kênh tưới N10-3, bởi lưu không mỗi bên kênh đã được chừa ra 2m, cứ chọn lấy một bên làm cống hộp bê tông tiêu nước, có thể thiết kế nhỏ gọn như kênh N10-3 để tiết kiệm diện tích nhưng đào sâu hơn nhằm thoát nước tốt.

Theo bảng thông số kỹ thuật, kênh N10-3 có chiều dài 1.066m, lưu lượng thiết kế 0,086m3/s, lưu không bảo vệ kênh mỗi bên là 2m tính từ chân mái ngoài. Giải pháp này phù hợp với dự án đã được phê duyệt trước đó. Mặt khác, do kênh tiêu cũng được cống hộp bê tông hoá nên về lâu dài không lo bị bồi lắng sạt lở (trong khi theo dự án là đào kênh đất), quan trọng nhất là không phải đền bù đất cho dân vì công trình được thực hiện gói gọn trong phạm vi lưu không kênh N10-3.

Sở dĩ người dân ủng hộ giải pháp này là vì hằng ngày, kênh N10 có nhiều người điều khiển xe lưu thông trên bờ, nếu không may lao xuống chân kênh gặp phải cống hộp thì quá nguy hiểm, mặt khác, cũng “né” được hộ bà Dung. Hơn nữa, kinh phí để làm theo hướng này sẽ lớn hơn nhiều, một trong những nguyên nhân tốn kém thấy rõ là để đến được với suối Bàu Đồn sẽ có đoạn đường dài hơn so với hướng kênh N10-3.

Tất nhiên, giải pháp trên chỉ là góp ý của người dân. Trước đó, một số hộ nông dân đã “làm liều” đục lỗ đặt ống nhựa thông vào kênh bê tông N10 để giải quyết chuyện thoát nước cứu lúa tạm thời. Sau đó, có thể vì tình thế ngập úng trước mắt, phía cơ quan quản lý kênh đã ủng hộ nông dân bằng cách xây hẳn một ống cống có nắp đóng, mở bài bản hơn thay cho ống nhựa, nhằm tránh vỡ kênh và cơ động trong việc kiểm soát nước. Tuy nhiên, đường thoát nước này cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, vấn đề bà con lo lắng nhất hiện nay là chuyện thoát nước cánh đồng Bàu Thâm Vô vẫn “chìm trong vô vọng”.

Quốc Sơn

 

 

Tin cùng chuyên mục