Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử được xác định là động lực quan trọng giúp tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Ngày 15.1, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, giảng viên đến từ nhiều cơ quan, học viện trong khu vực miền Đông Nam bộ, đại diện sở, ban ngành, chính quyền địa phương.
Thực hiện theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Phát biểu đề dẫn, ông Phạm Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh cho biết, hội thảo được tổ chức trên cơ sở Kế hoạch số 108-KH/TU ngày 1.11.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận giai đoạn 2022–2025 và kế hoạch nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh.
“Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng xác định xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng. Triển khai quan điểm nêu trên, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác cải cách nền hành chính, đặt mục tiêu nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước đến năm 2030, đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tại Tây Ninh, công tác cải cách hành chính được Đảng bộ quan tâm, đặt làm mục tiêu trọng tâm kể từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Qua gần 10 năm thực hiện, công tác cải cách hành chính của tỉnh có nhiều kết quả quan trọng”– ông Phạm Ngọc Hải phát biểu.
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thảo, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được cải thiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử được triển khai hiệu quả trong hoạt động của các sở, ban ngành và địa phương cấp huyện. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ngày càng nâng cao; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách cải cách hành chính, công tác chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… Từ thực trạng nêu trên, có thể nhận định, để đạt được mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, Tây Ninh cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa.
Thông qua hội thảo, những vấn đề về lý luận và thực tiễn được nghiên cứu sâu rộng, thực trạng cũng như các giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay được phân tích, đánh giá ở nhiều khía cạnh. Điều này giúp nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn về vấn đề xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhà lãnh đạo, quản lý ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh nói chung.
Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi để làm rõ hiện trạng cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay trên các nội dung như kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức… Từ đó, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và đưa ra giải pháp thiết thực, phù hợp với địa phương nhằm hướng đến xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Đồng chủ trì hội thảo, Phó GS. TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhìn nhận, hội thảo đã phân tích những thuận lợi và khó khăn, thách thức của Tây Ninh trong xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt về vấn đề chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hội thảo đánh giá khách quan những kết quả đạt được trong cải cách hành chính của tỉnh, bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, và nâng cao mức độ hài lòng của Nhân dân. Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như công tác tuyên truyền cải cách hành chính chưa thực sự hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, chuyển đổi số còn nhiều bất cập trong triển khai… Đặc biệt, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
Chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử được xác định là động lực quan trọng giúp tỉnh Tây Ninh nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công. Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Chuyển đổi số và Trung tâm Hành chính công tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ số vào cải cách hành chính.
Cần tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, và tối ưu hóa quy trình để giảm thiểu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố then chốt để bảo đảm hiệu quả thực thi các giải pháp cải cách hành chính. Các ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực, đặc biệt là tư duy phục vụ Nhân dân.
Tăng cường công tác dân vận chính quyền, chú trọng xây dựng lòng tin, sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai các chính sách cải cách.
Ngoài ra, đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả cải cách hành chính, đồng thời là cơ sở để cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Nhóm giải pháp
Từ các tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp và khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính; cam kết mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với nền hành chính nhà nước.
Thứ hai, truyền thông mạnh mẽ về công cuộc xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, hiện đại trong toàn thể Nhân dân. Cần thường xuyên rà soát và đổi mới các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cải cách hành chính. Tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội (như Zalo, Facebook, YouTube) để phổ biến các thông tin về cải cách hành chính đến người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là giải pháp cốt lõi, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời bảo đảm tính kết nối và bảo mật.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, tập trung vào đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ, cải thiện tinh thần trách nhiệm, chế độ kỷ luật, kỷ cương, thái độ phục vụ Nhân dân trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức; kết hợp với cơ chế đánh giá minh bạch, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các quy trình, giảm thiểu giấy tờ và thời gian xử lý, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính.
Thứ sáu, tăng cường đo lường và phản hồi từ người dân, trong đó, cải thiện, nâng cao các chỉ số đo lường như SIPAS và PAPI để đánh giá hiệu quả cải cách, đồng thời cải thiện kênh tiếp nhận và xử lý phản hồi từ người dân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, phát huy vai trò của các trung tâm hành chính và giám sát, tiếp tục nâng cao năng lực của Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội tập trung, bảo đảm hoạt động hiệu quả và phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân.
Việt Đông