Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tối 3.2, liên hoan “Hát, múa dân ca và trình diễn nghệ thuật dân gian” Xuân Giáp Thìn 2024 chính thức bế mạc.
Tiết mục diễn xướng bóng rỗi của đội Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh thị xã Trảng Bàng giành giải A .
Liên hoan diễn ra trong 2 ngày (2-3.2), tại sảnh trước rạp hát Trung tâm Văn hoá tỉnh, với sự tham gia của các diễn viên, nghệ nhân, nhạc công quần chúng đến từ Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh của 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Liên hoan nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa các loại hình văn hoá - nghệ thuật, qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc truyền thống của vùng đất Tây Ninh gắn với đời sống xã hội, góp phần hướng tới bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm nhạc, làn điệu dân ca.
Sau đêm khai mạc là phần trình diễn “Hát, múa dân ca”. Mỗi đơn vị xây dựng một chương trình với thời lượng không quá 30 phút theo chủ đề với 3 tiết mục, trong đó có 1 tiết mục múa độc lập hoặc hoạt cảnh dân ca, bắt buộc thể hiện các làn điệu dân ca Nam bộ (hò, lý, hát ru, vè, đồng dao, nói thơ…). Ban tổ chức khuyến khích sử dụng các bài hát dân ca của Tây Ninh.
Phần “Trình diễn nghệ thuật dân gian” được diễn ra vào đêm 3.2. Mỗi đơn vị tham gia 1 tiết mục với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của từng địa phương như: diễn xướng bóng rỗi, múa trống Chhay-dăm, nhạc lễ, trò lễ, các nghi thức trong lễ Kỳ yên…
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc– Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giải Nhì cho các đội.
Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban giám khảo nhận xét, các đội đã chọn lựa các tiết mục dân ca phù hợp, lột tả được lời tự tình của chất dân ca, có sự phát triển trong hoà âm phối khí, góp phần làm sinh động từng tiết mục. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hạn chế đối với hát dân ca cần sự mộc mạc, chân phương trong ca và diễn, một số bạn khi trình diễn chưa được tròn vành rõ chữ.
Phần múa, các đội biên đạo những bài nhạc múa có cấu trúc 3 đoạn khá phổ biến, đó là sự phát triển trên nền tảng kế thừa âm nhạc dân tộc. Phần trình diễn nghệ thuật dân gian là một bảng màu sinh động hấp dẫn người xem cho đến phút cuối cùng. Các tiết mục trình diễn múa mâm vàng, múa Chăm, múa trống Chhay-dăm… đã thể hiện được nét văn hoá độc đáo của người Chăm, Khmer và người Kinh trên đất Tây Ninh.
Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao giải Nhất phần thi múa, hát dân ca cho đội Bến Cầu.
Ông Nguyễn Nam Giang - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, chất lượng các tiết mục biểu diễn tại liên hoan sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý đánh giá đúng thực chất về phong trào văn hoá nghệ thuật tại Tây Ninh. Từ đó, ngành Văn hóa tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức thể hiện, tăng hiệu quả phong trào văn hoá - nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
Kết thúc hai đêm thi diễn, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích cho mỗi phần thi. Phần thi múa, hát dân ca giải Nhì được trao cho 2 đội Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng; giải Nhất thuộc về đội Bến Cầu. Phần trình diễn nghệ thuật dân gian, giải Nhì thuộc về 2 đội Tân Biên và Dương Minh Châu; giải Nhất được trao cho đội thị xã Trảng Bàng.
Hoàng Yến