Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã Bình Minh- TP. Tây Ninh:
Bé trai bị mẹ kế đánh đập
Thứ sáu: 05:16 ngày 10/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy ngày nay, người dân tổ 9, ấp Giồng Cà (xã Bình Minh, TP.Tây Ninh) xôn xao về chuyện cháu Hà Thái Bảo (SN 2004, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh) bị mẹ kế đánh đập, hành hạ.

Cháu Bảo và bà ngoại kể lại sự việc với phóng viên.

Theo thông tin ban đầu, ngày 23.10.2017, sau khi đi học về, Bảo ghé nhà ông bà ngoại chơi nên bị mẹ kế là bà Nguyễn Thị Lan (33 tuổi) dùng cây củi đánh vào lưng, đùi và tai gây chảy máu. Vì sợ mẹ kế, Bảo không dám mách với ngoại. Ðến khi bà Võ Thị Chinh (60 tuổi, ngoại của Bảo) hay tin, xót cháu nên đón cháu Bảo về nhà chăm sóc.

Ðến ngày 26.10, trên lưng và đùi của cháu Bảo vẫn còn nhiều vết roi bầm tím. Trên tai phải còn những vết thương chưa lành. Khi được hỏi về những vết sẹo trên người, Bảo không dám nói ra. Một lúc sau, được mọi người dỗ dành, Bảo mới nói là bị mẹ Lan đánh bằng khúc củi. Bảo cho biết, khoảng 2,5 năm nay, em thường bị mẹ kế đánh, nhưng không dám méc ba, vì nếu méc thì sẽ bị ba đánh nhiều hơn nữa.

Bà Võ Thị Chinh nói: “Bảo bị mẹ kế đánh đập khoảng 2,5 năm nay. Ở cạnh nhà, tôi không chịu nổi mỗi khi thấy cháu bị đánh nên qua can ngăn, rồi báo với chính quyền địa phương, nhưng mẹ kế của cháu là bà Lan chẳng những không nghe mà còn chửi bới tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà và đánh Bảo nhiều hơn!”.

Theo bà Chinh, thời gian trước, nhà bà ở sát vách nhà của cha ruột cháu Bảo là ông Hà Công Trường, nên thường chứng kiến cháu Bảo bị mẹ kế và ba đánh. Xót cháu, bà đã nhiều lần can ngăn. Có lúc xảy ra xô xát giữa bà Lan với bà, Công an xã đã mời lên làm việc, cho viết bản cam kết. Cách đây vài tháng, bà Chinh bán nhà dọn đi nơi khác. “Cha mẹ có quyền dạy con cái, nhưng mỗi khi thằng nhỏ bị đánh, tôi can ngăn, nó bị đánh nhiều hơn. Tôi đành dọn đi nơi khác cho yên thân”- bà Chinh nói.

Mẹ Bảo mất vào năm 2011, khi em chưa đầy 6 tuổi, chỉ còn ba và chị gái là Hà Thuý An (sinh năm 1999) là chỗ dựa duy nhất. Chỉ sau một năm, ông Trường đưa bà Lan về ở chung nhà, cuộc sống của chị em Bảo thay đổi hoàn toàn. Chị gái Thuý An bị ba buộc nghỉ học, phải ở nhà phụ việc gia đình. Không chịu nổi cảnh mẹ kế luôn la mắng, chửi bới nên An xin ba cho mình và em trai về sống bên nhà ngoại. Ban đầu, ông Trường nhất quyết không cho, nhưng khi An đòi “tự tử”, ông Trường mới chấp thuận. Còn Bảo, do còn nhỏ nên ông Trường nhất quyết để ở nhà với mình.

Hỏi về hoàn cảnh gia đình, Bảo cho biết, lúc đầu, bà Lan cũng thương và chăm sóc. Nhưng hơn hai năm nay, Bảo thường xuyên bị “ăn đòn” và bị bà Lan mắng chửi, bắt đi trút mủ chén vườn cao su. Ngoài giờ học phải làm việc nhà, giặt quần áo, giữ em. Ngay từ năm lớp 3, Bảo đã phải tự đạp xe hơn 30 phút để đến trường. Bảo ngậm ngùi rơi nước mắt: “Hồi trước, con được ba hoặc mẹ đưa đi học, được mẹ mua đồ mới, được chở đi chơi. Con nhớ mẹ lắm!”

Bảo kể tiếp: “Lúc mới về, tới ngày cúng giỗ mẹ, mẹ Lan cũng làm, nhưng từ khi sinh em bé, mẹ Lan không chịu làm nữa. Ở nhà bà ngoại cúng giỗ mẹ, kêu chị em Bảo qua thì bị mẹ Lan và ba cấm đoán không được qua. Có lần, con riêng của mẹ Lan về chơi, lúc đó con bệnh, đang sốt. Mẹ Lan biết con bệnh nhưng vẫn bắt con đi phơi quần áo. Con nói là con đang bệnh, con mệt thì bị đánh. Con sợ quá nên chạy qua nhà bác Tư ở gần nhà để trốn. Mỗi lần con qua ngoại, cũng bị mẹ Lan đánh, còn bắt con viết giấy cam kết là không được qua lại với bà Võ Thị Chinh, nếu tái phạm sẽ bị đánh 100 roi!”. Bảo tâm sự, em chỉ muốn về ở với ngoại, với chị gái, em không muốn ở với ba và dì, bởi vì Bảo thường xuyên bị mẹ kế đánh chửi.

Ông Lê Phước Long- tổ trưởng tổ 9, ấp Giồng Cà cho biết, lần cháu Bảo bị đánh nhiều nhất là khi đi học về, ghé nhà ngoại được ngoại mua đồ mới, cho tiền và cho ăn. Bà Lan biết được bắt Bảo về đánh đập, chửi bới, buộc em viết cam kết không được qua lại với bà Võ Thị Chinh nữa. Nếu đến là đánh 100 roi. Do sợ mẹ kế tiếp tục đánh đập, Bảo viết giấy cam kết nhưng vẫn chạy trốn về ngoại. Ông Long nói: “Bà Lan thường đánh cháu Bảo, từ việc trông em, giặt quần áo, làm việc nhà, bất cứ chuyện gì cũng đánh. Bà Chinh vì xót cháu nên đã nhiều lần đến nhà ông nhờ can gián, hoà giải”. Ông Long cho biết thêm, bà Lan rất lỗ mãng, nói chuyện thiếu tế nhị với mọi người và luôn có thái độ xấc xược với người khác, ngay cả bà Chinh. Vì không chịu nổi nên bà Chinh đã bán nhà chuyển đi nơi khác, nhưng vẫn không yên.

Vết thương trên tai phải của cháu Bảo vẫn chưa lành sau 4 ngày bị mẹ kế đánh.

Cô Tạ Thị Hằng- giáo viên chủ nhiệm lớp Bảo học, em là học sinh ngoan hiền, hoà đồng với bạn bè ở lớp và ở trường. Tuy nhiên, từ đầu năm học tới nay, Bảo đã bỏ học 7-8 buổi không phép. Cô gọi điện hỏi, dì Lan báo là Bảo bệnh. Trò chuyện với Bảo, cô mới biết, cũng có lần Bảo bị bệnh, còn những ngày khác phải ở nhà để trông em. Nhiều lần cô gặng hỏi, Bảo mới chịu nói ra mình bị dì đánh chửi thường xuyên. “Cha mẹ không nên đánh con cái. Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, e rằng tâm lý của Bảo sẽ bị ảnh hưởng sau này”- cô Hằng bày tỏ.

Người mẹ kế Nguyễn Thị Lan tỏ thái độ thật hung hăng khi chúng tôi đề cập đến việc cháu Bảo bị bà đánh trong thời gian dài. Bà cho mình là mẹ nên có quyền đánh để dạy dỗ con chồng. Bà nói: “Cha mẹ dạy con có quyền đánh chứ. Vụ việc này tôi đã lên công an xã làm việc, công an cho phép tôi đánh mà? Tôi nuôi được, tôi đánh được. Con cái hư thì rầy la, tôi đánh vài roi để dạy dỗ. Khi nào tôi đánh dã man đến “bầm mình bầm mẩy”, lúc đó tôi mới có tội. Nhưng tôi không đánh đập tới dã man. Không ai có quyền can ngăn. Khi nào tôi đánh nó gây thương tích hãy nói. Nếu tôi đánh nó gây thương tích, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung uý Trần Quyền Huy- Phó trưởng Công an xã Bình Minh cho biết: “Công an đã xử lý 2 lần đối với vụ việc của cháu Bảo. Tại trụ sở công an, trước sự giám hộ của cha là ông Hà Công Trường, cháu chỉ nói về góc độ “mẹ dạy” thôi, còn về việc bị hành hạ, cháu cũng chưa nói với chúng tôi. Sau sự việc này, chính quyền địa phương sẽ đến gặp cháu Bảo, đồng thời mời bà Lan, bà Chinh, ông Trường đến Công an xã để làm rõ nội dung sự việc để có biện pháp giải quyết tiếp theo. Nếu xảy ra hành vi có bạo lực gia đình, Công an sẽ xử lý hành vi của bà Lan hoặc người nuôi dưỡng theo Nghị định 167/NÐ/2013-CP của Chính phủ”.

Ông Nguyễn Viết Tiêm- Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, trước đây, UBND xã đã nhận được phản ánh vụ việc này và đã xử lý. Ðến nay, người dân tiếp tục phản ánh đến chính quyền địa phương, chứng tỏ vụ việc lại tái diễn. Vì đây là vụ việc có liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, chính quyền xã sẽ điều tra, xác minh, đồng thời theo dõi hành vi của bà Lan để có hướng xử lý tiếp theo. “UBND sẽ chỉ đạo công an xác minh, điều tra và áp dụng biện pháp răn đe theo quy định. Nếu sự việc có xảy ra, sẽ áp dụng biện pháp giao cho đoàn thể, cách ly cháu Bảo và bà Lan”- ông Tiêm nhấn mạnh.

Tâm Giang

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục