Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bến Băng Dung
Thứ năm: 14:47 ngày 22/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bài viết về các bến sông ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, tác giả đã xin phép lướt qua bến sông này. Bởi đây là bến sông đặc biệt với nhiều kỷ niệm.

Kỷ niệm lần tác giả đi cùng cán bộ Bảo tàng tìm địa điểm từng là nơi thầy cô và học trò trường kháng chiến Hoàng Lê Kha trú đóng từ năm 1962. Chiến tranh, trường dời cứ nhiều nơi, lúc ở bên này sông thuộc xã Tà Păng, khi lại qua bên hữu ngạn thuộc địa bàn xã Đây Xoài. Hai địa bàn ấy nay là xã Phước Vinh và xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Địa điểm ở lâu nhất được xác định là ngay gần bến Băng Dung. Vị trí cụ thể ngày nay cũng là một trường học- Trường tiểu học Phước Lộc.

Gần đây nhất, tháng 11.2023, tác giả trở lại Phước Vinh tìm khu di tích mới được xây dựng, hoá ra người lái phà bến Băng Dung lại là một người quen cũ- cô Út Dẫn. Hỏi thăm, cô có biết hồi trường Hoàng Lê Kha đóng ở đây không?- Biết chớ! Cô trả lời. Bởi năm 1962 cô cũng mới tám, chín tuổi, bằng tuổi nhiều bạn trong trường. Lại hỏi:- Hôm khánh thành nhà bia cô có ra không? Trả lời: - Cũng muốn ra lắm, nhưng lại ngại vì chẳng ai mời! Hôm ấy, cô cũng thổ lộ rằng bến đò này do vợ chồng cô lập ra cách nay cũng đã hơn 40 năm. Chồng cô chính là ông Mười Hỏi.

Ồ, tưởng ai chứ Mười Hỏi thì ai ở Phước Vinh chẳng biết! Như anh Tư Hiệp- Phó Chủ tịch xã Phước Vinh. Và nhiều người dân khác. Mà không chỉ người Phước Vinh; khi hỏi anh Lê Bá Quế- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Châu Thành, anh cũng đã biết từ lâu về ông Mười Hỏi. Vì anh đã nhiều lần tới bến sông này ghi chép chuyện xưa.

Một kỷ niệm khác, lâu hơn. Là khi ở bến Băng Dung còn có nghề nuôi cá bống tượng. Người ta đặt những lồng bè dọc bờ sông, từ bến Băng Dung lên phía thượng nguồn. Nghề ấy đã từng phát đạt, bởi giá cả loại này gấp khoảng 10 lần cá lóc. Có điều, nghề này hơi cực vì phải thực hiện nhiều công đoạn khắt khe, như giống cá cũng phải vớt ở sông. Hoặc khi cho ăn phải là loại cá con, chứ không phải là thức ăn công nghiệp.

Thế mà mấy lần sau lên thăm, thì các chủ bè cá bống tượng đã phải bỏ nghề. Nguyên nhân, nước sông ô nhiễm, cá chết hàng loạt. Đến nay, sau cả chục năm thì nghề này cũng đã không còn.

Phà Băng Dung

Lại nhớ lần đầu qua bến Băng Dung để sang ấp Rạch Tre của xã Biên Giới, người lái phà hôm ấy chính là cô Út Dẫn. Hơi ngạc nhiên, vì phà chỉ có một khách với xe máy, mà cô vẫn cứ ung dung nổ máy cho qua. Hôm ấy bấm máy chụp pô ảnh, nay lấy ra xem lại. Cô có gương mặt tròn trịa đầy nét phúc hậu, đội nón có quai hồng nên gương mặt lại càng tươi tắn. Năm nay gặp lại, thì cô vẫn như xưa dù đã qua 6-7 năm. Hay là do cô ở trên một vùng sông nước bình yên, không khí sạch tuyệt vời nên được trời cho luôn mạnh khoẻ?

Bến Băng Dung, lại ở trên một đoạn sông nhiều khúc ngoặt quanh co, tạo thành nhiều vịnh nhỏ, nên nhiều ghe tàu qua đây cũng dừng, neo lại bên bờ. Cả ghe xuồng chài lưới của dân chài cũng thường nép dưới những tàn cây sum suê ngả ra sông che mát. Vì thế, chung quanh bến có nhiều tiểu cảnh rất nên thơ.

Đã hỏi, nhưng chưa ai trả lời hợp lý về cái tên bến Băng Dung, một cái tên nghe khá lạ giữa những cái tên nôm na, như Cây Ổi, Cây Sao hay bến Lồ Cồ. Tìm lại lịch sử vùng đất thì sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ cho biết, sau khi Pháp chiếm Tây Ninh (1862) thì lập thêm các tổng mới trên vùng biên giới Tây Ninh. Bên tả ngạn sông thì chúng lập thành tổng Tabel Yul. Còn bên hữu ngạn có tổng Khán Xuyên. Tổng Tabel Yul có 7 thôn trong đó có Ta pang Pro Sroc, chính là xã Phước Vinh nay. Vậy có một giả thuyết đây! Là có thể bến sông này là bến chính nối hai tổng mới, nên người ta đã lấy ngay từ tên tổng Tabel Yul, đọc trại ra từ 2 âm tiết sau: Bel Yul mà thành tên bến Băng Dung.

Ngày nay, qua lại bến Băng Dung, không ai có thể hình dung miền sông nước bình yên thơ mộng này lại từng là nơi gian khổ ác liệt nhất của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Không chỉ các cuộc càn quét thời kháng Pháp, mà có trận sau năm 1952 máy bay địch tìm diệt cả người, cả trâu bò. Để có cái tên trảng “Máy bay bắn trâu” thay cho trảng Xếp. Rồi đến kháng chiến chống Mỹ, sau khi vùng Tây Bắc huyện Châu Thành được hoàn toàn giải phóng ngay từ tháng 11.1961, thì Phước Vinh- căn cứ địa cách mạng trở thành vùng không kích, bắn phá tự do của quân địch. Đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới sau 1975 thì nơi đây cũng là điểm nóng nhất của toàn bộ Mặt trận Biên giới Tây Nam. Sách Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Châu Thành (1975-2005) có kể chi tiết về các cuộc chiến đấu ấy. Đặc biệt là mô tả chiến dịch phản công của ta vào đêm 21 rạng 22.1.1978. Trong đó có đoạn: “Trung đội 1 dân quân xã Biên Giới do đồng chí Mười Hỏi chỉ huy tham gia trong đội hình Trung đoàn 201 của tỉnh…”. Năm ấy, ông Mười- Nguyễn Văn Hỏi ấy là Xã đội trưởng xã Biên Giới. Đây chính là vùng đất hầu như chưa hưởng được ngày hoà bình nào sau chiến thắng 30.4.1975. Bởi ngay từ tháng 6.1975, quân Khmer đỏ đã liên tục gây hấn trên biên giới. Tại Châu Thành: “Một đại đội lính địa phương huyện Ro-Mia-Het vượt biên giới tấn công vào phía Đông rạch Lồ Cồ (Gò Cao- Ba Chàm) thuộc xã Biên Giới huyện Châu Thành, cướp của giết hại dân thường…”. Lúc này, dù chủ trương của trên còn hết sức kiềm chế, nhưng Xã đội trưởng Mười Hỏi đã cùng dân quân bày binh bố trận bảo vệ quê hương. Đến ngày 11.6.1975, đơn vị ông đã cùng C40 huyện Châu Thành đánh trận đầu, đánh tan đại đội địch, bắt sống 60 tên, thu 40 khẩu súng (Sđd).

Trên bến phà Băng Dung, phía xã Biên Giới là ấp Rạch Tre, có ngôi nhà của vợ chồng ông Mười- người du kích quả cảm năm xưa. Không ai ngờ người đàn ông bình dị, từng là chiến sĩ C40 Châu Thành từ năm 1967, đến 1973 về xã Biên Giới làm Xã đội trưởng này, lại chính là người lái đò trên bến Băng Dung suốt hơn 40 năm qua. Ông kể, từ khoảng năm 1980-1981 đã lập bến đò để giúp bà con qua lại làm ăn buôn bán. Thoạt tiên là đò chèo tay, sau lên phà dây kéo và bây giờ là con phà máy. Gọi vậy nhưng con phà cũng chỉ ngang 3 mét, dài 5 mét. Từ ba năm nay, sau khi có các cây cầu: Phước Trung, Bến Cây Ổi thì đã rất thưa thớt khách qua phà. Lan man câu chuyện chiến đấu các năm xưa, ông nhớ không nguôi một kỷ niệm, khi cùng Trung đội nữ pháo binh Châu Thành đi đánh trận trong đội hình Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn. Đêm ấy, võng ông mắc gần võng chị Mai- một chiến sĩ B13, và nghe chị tâm sự. Chị bảo: Em đánh là đánh chết bỏ vậy ha! Vậy mà sau trận ấy (Gò Nổi, Ninh Điền), chị Mai đã hy sinh. Và còn biết bao kỷ niệm của nhiều trận đánh kiên cường bảo vệ quê hương không sao quên được. Có lẽ do vậy mà dù phà vắng khách nhưng ông Mười vẫn bám trụ ở bến sông này, như giữ gìn những kỷ niệm tưởng chừng ẩn hiện đâu đây trên sóng nước sông Vàm.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục