Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bến Cầu - biết để thêm yêu
Thứ tư: 18:30 ngày 28/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dường như có một niềm tin đã được “mặc định” trong lòng nhiều người dân Tây Ninh khi nói về miền đất Bến Cầu. Ðó là “miền đất ngũ long” được khai phá, thành lập từ năm 1844 do công lao của cụ Trần Văn Thiện.

Địa đạo Lợi Thuận.

Dường như có một niềm tin đã được “mặc định” trong lòng nhiều người Tây Ninh khi nói về miền đất Bến Cầu. Ðó là “miền đất ngũ long” được khai phá, thành lập từ năm 1844 do công lao của cụ Trần Văn Thiện.

Người viết bài này đã từng chứng minh rằng năm 1808 không chỉ có Bình Tịnh mà còn có Cẩm Giang, Thanh Phước. Hôm nay, sẽ tiếp tục bàn để cùng hiểu thêm, hiểu đúng về vùng đất Bến Cầu xưa- nay đã trở thành “mặt tiền” của tỉnh, nơi có đường Xuyên Á đi qua và có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Sách sơ thảo “Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu” (1945-1975) do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bến Cầu xuất bản năm 1997 có ghi: “Năm 1844, ông Thiện cùng cha là cụ Trần Văn Tiến và em là Trần Văn Dệ đệ đơn xin quan phủ Tây Ninh… cho khai khẩn vùng Bến Cầu; kết quả đã lập được 4 thôn: Long Chữ, Long Giang, Long Khánh và Long Thuận”.

Ðoạn tiếp theo khoảng 20 dòng mô tả việc ông lập “đội tự vệ” để đánh “giặc phía Tây” và chống Pháp. Có người cho rằng ở Long Chữ có gò Ðội Thiện chính là nơi ông chôn cất các chiến sĩ của mình đã hy sinh.

Sách “Lợi Thuận 30 năm kiên cường đấu tranh cách mạng” (sơ thảo) do Huyện Ðảng bộ và Ban Tổng kết chiến tranh Tây Ninh xuất bản 1985 cũng có viết: “Một vị lãnh binh cùng đứa con trai của mình là Trần Văn Thiện người có nhiều công cán, góp sức cùng bà con khai hoang lập ấp ở vùng này (Bến Cầu)…

Năm 1844 sau khi hình thành các làng Long Giang, Long Khánh, Long Chữ, Long Thuận, làng Lợi Thuận là nơi hội tụ các thành phần dân cư từ Hóc Môn, Trung Lập lên… Người đặt chân đầu tiên lên đất này là dòng họ Trần sau đó họ Nguyễn rồi đến các kiến họ khác…”.

“Ðịa chí Tây Ninh” do UBND tỉnh xuất bản năm 2006 đã thận trọng hơn, không đưa tên người có công khai phá nhưng vẫn xác định: “Năm 1844 thành lập các làng Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận”. Sự thận trọng này là cần thiết và đến nay đã trở nên đúng đắn.

Vậy tất cả nguồn cơn của huyền thoại được mặc định là từ đâu? Có thể nó có xuất xứ từ cuốn sách sưu khảo “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, được xuất bản đầu tiên vào cuối năm 1972, được Nxb Thanh niên tái bản năm 2001.

Bài viết “Tiền hiền Trần Văn Thiện” ở các trang từ 111 đến 117. Có đôi chỗ khác nhau. Như sách Huỳnh Minh viết thân sinh cụ Thiện là Trần Văn Quế, chứ không phải là Tiến và cũng không hề nhắc tới người em nào là ông Dệ trong tiến trình lập thôn làng.

Sách cũng có chi tiết cụ lập đội “binh dân quân tự vệ” nhưng để đánh “giặc Pu Kầm Pô” chứ không phải là đánh Pháp.

Cụ được “công cử làm cai tổng Hoà Ninh” vào năm “Tự Ðức nguơn niên” (1848). Sách cũng cho rằng: cụ mất vào ngày 18.9 âl năm Tự Ðức thứ 36 (1883) do “quá già yếu”, thọ 89 tuổi, không phải mất do đánh trận như sách “Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu” đã viết. Tuy vậy, ở tất cả các tư liệu đã kể thì chi tiết năm 1844 lập 4 thôn làng ở Bến Cầu đều được “nhất trí cao”.

Ðến đây, xin nhớ “Tây Ninh xưa” chỉ là một bút ký du khảo, ghi chép các câu chuyện truyền miệng trong dân gian, nên không thể coi là lịch sử. Xem để biết nhưng sử dụng lại thì rất cần kiểm chứng, so sánh với các tư liệu lịch sử chính thống.

Ví dụ một chi tiết trong bài “Tiền hiền Trần Văn Thiện”, nói rằng sau khi cụ Thiện mất, con trai là “Trần Văn Sum kế vị cha cầm đầu một đạo binh tự vệ, gia nhập đạo binh ông lớn Trà Vong” (sau 1883). Thì ở trang 90, trong bài viết về Huỳnh Công Giản (Ông Lớn Trà Vong) lại chép truyện Ông Lớn ở vào thế kỷ XVII. Năm 1883 (thế kỷ XIX), ông Sum sao có thể tham gia đánh trận hồi… hai thế kỷ trước? Một thực tế là những năm trước đây, nguồn tư liệu sử sách viết về Tây Ninh rất ít. Ít đến nỗi trước năm 1975 hầu như chỉ có “Tây Ninh xưa” được phổ biến.

Cho đến đầu năm 2016, nhiều tư liệu mới (mà cũ) về Tây Ninh mới được tìm ra. Dĩ nhiên vùng đất Bến Cầu cũng cần được soi xét lại về lịch sử xa xưa, thời mở đất lập làng.

Nhiều người cao tuổi hoặc cách mạng lão thành ở Tây Ninh vẫn còn nhớ đến hệ thống làng xã xưa, trên thôn còn có tổng. Và phần lớn Bến Cầu, trước năm 1945 thuộc tổng Giai Hoá, quận Châu Thành.

Như ngày 25.8.1945, cách mạng tháng 8 diễn ra tại Tây Ninh, ông Hai- Trần Văn Mạnh từng kể lại: “Tôi được phân công phụ trách diễu hành các khu vực phía Nam tỉnh (tổng Giai Hoá, nhà máy đường xã Thanh Ðiền). Theo kế hoạch, 9 xã tổng Giai Hoá huy động 300 người, qua sông và tập trung tại xóm Mía từ 5 giờ chiều 24.8…”. (Ba thế hệ xanh một chặng đường, Ðoàn TNCS tỉnh Tây Ninh xuất bản). Vậy chúng ta cũng nên “truy” lại từ tên tổng.

Theo “Từ điển hành chính Nam bộ”, Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2008 tại mục từ Giai Hoá (trang 401) có nêu: “Tổng thuộc h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), có 5 thôn… Ðến 1845, Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực mới lập thêm hai thôn Long Khánh, Tiên Thuận… để có 7 thôn là Ninh Ðiền, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận, Tiên Ðiền…”.

Sau cách mạng tháng 8.1945, chính quyền cách mạng tuyên bố xoá bỏ tổng nhưng phía chính quyền thuộc Pháp và Việt Nam cộng hoà sau đó lại khôi phục, và tổng Giai Hoá vẫn tồn tại cho tới năm 1965 mới bãi bỏ.

Như vậy là, khi tổng Giai Hoá được lập năm 1841 ấy, đã có 3 thôn là Long Chữ, Long Giang, Long Thuận. Thôn mới lập có Long Khánh nhưng do Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực thiết lập nên, tất cả có 26 thôn mới trong 2 năm 1844- 1845 trên địa bàn phủ Tây Ninh.

Tiếp tục tra tìm để biết 3 thôn “đã có” trước 1841 kia là có tự khi nào! Thì đây:

“Long Giang: thôn thuộc tổng Giai Hoá, h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) xây bảo Ðịnh Liêu tại đây. Năm Tự Ðức thứ 3 (1850) dời huyện lỵ Quang Hoá từ Cẩm Giang tới đây…”. Như vậy, Long Giang đã có từ những ngày đầu tiên lập phủ Tây Ninh vào năm 1936. Thế còn Long Chữ và Long Thuận? Các mục từ này đều cho đáp án chung là: “thôn thuộc tổng Giai Hoá, h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)” chỉ có Long Khánh là xuất hiện về sau, từ 1845…

Chỉ dẫn chứng bấy nhiêu thôi, đủ thấy chuyện năm 1844 thành lập vùng đất Bến Cầu hoàn toàn không có căn cứ lịch sử nào. Xin giới thiệu để các xã trong huyện tham khảo khi viết sách truyền thống địa phương mình. Ðiều này chỉ làm cho người Bến Cầu thêm tự hào về chiều dày và bề sâu của vùng đất quê hương- cũng là miền đất Ngũ Long huyền thoại còn chứa trong lòng biết bao nhiêu “kỳ tích” cần khám phá.

TRẦN VŨ

 

Tin cùng chuyên mục