BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Cầu: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm 

Cập nhật ngày: 06/03/2020 - 16:26

BTNO - Những năm qua huyện Bến Cầu luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Hiện tổng đàn gia súc chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Bến Cầu có khoảng hơn 10.000 con, đàn gia cầm có trên 90.000 con, chủ yếu là vịt, tập trung ở các xã Tiên Thuận, An Thạnh. Để chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch tả heo, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng dịch, vệ sinh chuồng trại.

UBND huyện chỉ đạo tổ chức tiêm phòng đợt 1.2020 cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó cấp trên 58.000 liều vắc xin cho đàn gia cầm, 1.000 liều tiêm phòng cho đàn heo, tiêm phòng dại chó 450 liều, tiêm phòng lỡ mồm long móng ở trâu bò 7.100 liều, tiêm phòng trụ huyết trùng trâu bò 4.600 liều, tiêm phòng heo tai xanh 245 liều và cấp phát 250 lít hóa chất sát trùng chuồng trại cho 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đàn gia cầm trên địa bàn huyện Bến Cầu phát triển khỏe mạnh.

Các ngành chức năng phối hợp các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, các điểm giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các chủ hộ chăn nuôi khi có dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên đàn vật nuôi phải báo ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để lây lan trên diện rộng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền nâng cao nhận thức cho hộ chăn nuôi và người tiêu dùng; rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đủ liều theo quy định.

Anh Đào Văn Hoàn, một hộ chăn nuôi ở xã Tiên Thuận cho biết gia đình anh đang nuôi 8.000 con vịt đẻ siêu trứng. “Việc phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm là rất quan trọng nên gia đình tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.

Để gia súc, gia cầm có thể chống chọi, chịu đựng thời tiết bất lợi, tôi thường theo dõi đàn vịt vào mỗi buổi sáng, chiều, chú ý vệ sinh kỹ chuồng trại, bằng các loại hoạt chất thuốc phù hợp từng lứa tuổi, từng gia đoạn; bổ sung thức ăn dinh dưỡng đàn vịt”- anh Hoàn nói.

Anh Nguyễn Thành Tân, hộ dân chăn nuôi ở xã Long Khánh chia sẻ “Gia đình tôi cũng nhiều năm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn. Qua tìm hiểu nhiều trên sách, báo, gia đình cũng chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thường xuyên theo dõi vật nuôi, thời tiết để phân chia thức ăn, nước uống phù hợp, tiêm thuốc vắc xin phòng ngừa bệnh, để đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh”.

UBND huyện Bến Cầu khuyến cáo, những thời điểm giao mùa thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm sức đề kháng của vật nuôi, vì vậy biện pháp hữu hiệu hiện nay là hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc; bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; khơi thông cống rãnh, không để nước tù, đọng; tổ chức phun thuốc sát trùng định kỳ hàng tuần; khi đàn gia súc có dấu hiệu của bệnh, tuyệt đối không được vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc mắc bệnh và phải báo ngay cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo anh Lê Đức Thừa- cán bộ thuộc Trạm chăn nuôi và thú y huyện Bến Cầu, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi; đặc biệt thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin trên đàn vật nuôi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm…

Nguyễn Thiện