Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975):
Bến Cầu-địa phương giải phóng sớm nhất tỉnh
Thứ sáu: 08:40 ngày 24/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách nay 45 năm, Bến Cầu là địa phương được giải phóng vào ngày 15.3.1975, sớm nhất tỉnh. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng bà Phạm Thị Mai (Năm Mai), ngụ thị trấn huyện Bến Cầu vẫn nhớ như in những ngày ác liệt ấy.

Bà Phạm Thị Mai vui thú với lan, cây hoa kiểng.

Trước năm 1974, bà giữ chức vụ Huyện đội phó Huyện đội Bến Cầu. Năm 1974, ông Năm Hoà- Huyện đội trưởng đi công tác nên bà phụ trách chỉ huy Huyện đội. Cuối năm này, Tỉnh uỷ chỉ đạo dự thảo phương án tác chiến giải phóng huyện. “Phương án này phải bí mật và phải do đích thân tôi viết.

Nhờ có học qua Trường quân sự của R (Trung ương Cục miền Nam) nên tôi có thể lên phương án cần bao nhiêu quân, giải phóng ở đâu là chính, khi phát động chiến dịch thì đưa dân đi đâu cho an toàn… Sau khi dự thảo, phương án được Huyện uỷ và Tỉnh đội thông qua” - bà Mai nhớ lại.

Sách “Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945-1975)” ghi lại rất rõ thời khắc lịch sử quan trọng này. Bước vào đợt 1 của chiến dịch, du kích và lực lượng huyện chủ động đánh địch 9 trận, đánh sập tua Cầu Sắt (An Thạnh), phá huỷ 2 văn phòng tề ấp Long Khánh và Lợi Thuận, phóng đầu đạn 105 ly và đầu đạn cối vào đồn bót và chặn đánh địch bung ra.

Kết quả đã giết và làm bị thương 29 tên, bắt 14 phòng vệ dân sự, thu 14 súng. Với quyết tâm tiêu diệt địch, du kích An Thạnh đã khắc phục nhiều khó khăn, đào hầm bí mật để tiếp cận địch, đồng thời gài 20 trái cách tua 300 mét và cấm 6 thông báo. Du kích Lợi Thuận đã tự tạo ống phóng đầu đạn 105 ly và 21 mìn gài.

Bước vào đợt 2, thực hiện tinh thần chỉ đạo của nghị quyết Tỉnh uỷ “đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm mối của địch tại địa phương”, quân dân Tây Ninh hạ quyết tâm mở đợt tấn công mạnh, quét sạch nguỵ quân và nguỵ quyền ở bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, tạo thành hành lang nối liền với Long An, mở đường cho quân chủ lực tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Để bảo đảm hiệu quả cao nhất cho chiến dịch, Bộ Chỉ huy Quân sự Miền tăng cường 2 trung đoàn 201 và 205 cho Tây Ninh thuộc Sư đoàn 3, do đồng chí Sáu Hưng làm Sư đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà)- Tham mưu trưởng quân giải phóng miền Nam trực tiếp chỉ huy. Thường vụ Tỉnh uỷ cũng cử đồng chí Đoàn Văn Dữ- Uỷ viên Thường vụ xuống trực tiếp lãnh đạo mặt trận Bến Cầu.

Ngoài ra, các đồng chí Nguyễn Văn Thân- Tỉnh uỷ viên, Chủ nhiệm Ban Chính trị Tỉnh đội, Đàm Quốc Việt- Phó Chủ nhiệm Ban Chính trị, Dương Văn Lùng- Phó Bí thư Huyện uỷ và Nguyễn Hoà Quân- Huyện đội trưởng cũng có chân trong Ban chỉ huy mặt trận Bến Cầu. Tỉnh tăng cường thêm tiểu đoàn 16 do đồng chí Nguyễn Thành Út làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Ngô Mạnh Siêu làm Chính trị viên, để hỗ trợ cho Bến Cầu và 3 xã cánh Tây Trảng Bàng đánh bại cuộc phản kích của địch.

Lực lượng trên được phân công tấn công tiêu diệt 7 mục tiêu: Chợ Cầu, Miễu Ông Hổ, Rừng Dầu, ngã tư Mộc Bài, An Thạnh, Long Khánh và Long Giang, gồm 1 yếu khu quân sự, 4 đồn đại đội và 2 bót trung đội. Lực lượng huyện Bến Cầu, ngoài việc phục vụ công tác điều nghiên của lực lượng trên, còn được phân công đánh bót ngã ba Lợi Thuận. Lực lượng huyện chuẩn bị 40kg thuốc TNT, 30 đầu đạn 105 ly và 6 quả mìn DH10.

Các xã nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang. Long Phước có 17 du kích, phát triển thêm 17 người, hình thành 1 trung đội. Đặc biệt, Lợi Thuận trong một tuần lễ đã xây dựng 2 trung đội gồm 25 đảng viên, cán bộ, ban, ngành, 22 du kích và 7 thanh niên đã từng cầm súng chiến đấu. Lực lượng này được huyện trang bị thêm 15 súng, về mặt vũ khí, có 4 xã chuẩn bị ống phóng đầu đạn 105 ly; mỗi xã có 10 đầu đạn, riêng Lợi Thuận có 15 quả.

Khi chiến sự diễn ra, các lực lượng được bố trí chốt chặn đã diệt 19 tên (gồm 14 bảo an, 4 cảnh sát, và 1 thư ký tề xã), làm bị thương 1 tên trưởng cục cảnh sát. Hưởng ứng khẩu hiệu “để địch chạy thoát là có tội với lịch sử”, các tầng lớp nhân dân đã nổi dậy mạnh mẽ, truy bắt bọn tháo chạy, bất chấp chủ lực, bảo an, tước vũ khí của chúng, trang bị cho thanh niên, xây dụng lực lượng.

Kết quả, các xã đã bắt 63 tù binh, cộng với 7 tù binh do lực lượng trên giao là 70 tên. Trong số này có 6 sĩ quan cấp uý, 11 cảnh sát, 2 cán bộ bình định, 3 tề, 3 chiêu hồi và 7 tình báo. Đặc biệt trong việc truy bắt tàn quân, quần chúng chỉ cho ta bắt tên gián điệp trà trộn trong dân thu 1 súng ám sát giảm thanh. Kết quả, ngày 12.3, ta đã gỡ đồn An Thạnh.

Ngày 14.3, ta gỡ hết đồn bót còn lại: Chợ Cầu, Miễu Ông Hổ, Rừng Dầu, ngã tư Mộc Bài, Long Khánh và Long Giang. Sáng 15.3.1975, ta giải phóng hoàn toàn huyện Bến Cầu, thu 148 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.

Chiến thắng Bến Cầu đã góp phần giải phóng hành lang biên giới, tạo điều kiện đưa đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Theo sự chỉ đạo của trên, ngày 16.4, Huyện uỷ Bến Cầu đã họp với V104 (đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam) để bàn việc đắp con đường từ Bàu Năng đến Nam quốc lộ 1 (địa phận Bến Cầu), trước mắt phục vụ cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, về lâu dài xây dựng một đường chiến lược cặp biên giới Việt Nam - Campuchia.

Con đường này phục vụ cho phát triển nông nghiệp và mở rộng giao lưu giữa các xã trong huyện và giữa Bến Cầu với các huyện khác. Huyện uỷ cử bà Phạm Thị Mai- Huyện uỷ viên kiêm Huyện đội phó phối hợp cùng V104 để chỉ huy, chỉ đạo chung.

Các cán bộ phụ trách xã và các đội trưởng, đội phó thường xuyên nhắc nhở mọi người tuyệt đối giữ bí mật và làm việc hết sức khẩn trương để kịp thời phục vụ cho chiến dịch. Đây là phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, tập hợp hàng ngàn đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Bến Cầu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động với sự nỗ lực cao nhất, suốt một tuần lễ để góp phần giải phóng thành phố Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Du kích huyện Bến Cầu xem sa bàn, thảo luận phương án tấn công căn cứ địch. Ảnh tư liệu P.TK

Nữ Huyện đội phó ngày nào nay đã 75 tuổi, sống yên vui bên chồng và con cháu. Bến Cầu ngập khói lửa chiến tranh 45 năm trước, nay đã trở thành một thị trấn trù phú và nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng.

Trong tương lai không xa, mảnh đất vùng biên này nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội. Trên địa bàn huyện, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư xây dựng trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn Global GAP lớn nhất Việt Nam, có nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động, có dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông đang được thi công, có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đề án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…v.v…

Tại Thị trấn, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động công viên khá rộng và đặt tên Công viên 15.3 để ghi nhớ mốc son lịch sử- ngày Bến Cầu hoàn toàn giải phóng.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh