Thị trấn Bến Cầu hiện chỉ có 7.000 dân. Nhằm đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế- văn hoá xã hội của một huyện biên giới, tại kỳ
họp cuối năm 2010, Hội đồng nhân dân huyện Bến Cầu đã thông qua Tờ trình của
UBND huyện về việc điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Bến Cầu định hướng đến
năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quy hoạch, thị trấn Bến Cầu có diện tích
657,59 ha, nằm phía Bắc kênh Đìa Xù, với tứ cận: Phía Bắc và phía Tây giáp ranh
với xã Tiên Thuận; phía Nam là kênh Đìa Xù giáp với khu đô thị mới Mộc Bài; phía
Đông giáp ranh với xã Lợi Thuận. Thị trấn Bến Cầu là một trong hai hạt nhân của
đô thị Mộc Bài, có chức năng đầu mối giao thương quốc tế và trung tâm công
nghiệp gắn với đường Xuyên Á. Thị trấn Bến Cầu còn là chỗ “tạm trú” cho lao động
trong các khu công nghiệp, dịch vụ thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài và
vùng lân cận. Việc phát triển các cơ sở hạ tầng của thị trấn Bến Cầu thống nhất
với Khu đô thị dịch vụ Mộc Bài, theo tiêu chuẩn đô thị loại 3. Dự kiến đến năm
2015, thị trấn Bến Cầu có 20.000 dân (tăng gần 3 lần so hiện nay), trong đó nội
thị có 15.000 người; đến năm 2020 dân số tăng lên 30.000 người, trong đó dân nội
thị 20.000 người và đến năm 2030 tăng lên 50.000 người, trong đó nội thị 40.000
người. Từ nay đến năm 2015, địa giới hành chính của thị trấn Bến Cầu vẫn tạm giữ
nguyên. Dự kiến xây dựng đất đô thị đến năm 2020 như sau: Phát triển phía Đông
hết ranh thị trấn; phát triển phía Bắc tới đài liệt sĩ; phát triển phía Tây tới
đường tránh quốc lộ 14C; phát triển phía Nam đến kênh Đìa Xù. Sau năm 2020, đô
thị tiếp tục phát triển phía Bắc, trên cơ sở chỉnh trang các khu dân cư, nhà
vườn hiện hữu và phát triển phía Tây các khu nhà ở công nhân mới trên khu vực
đất trống hiện nay.
|
Trung tâm thị trấn Bến Cầu (nhìn từ
hướng Nam) |
Các khu công nghiệp tập trung nằm ở phía Nam thị
trấn, phía bên kia kênh Đìa Xù theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKTCK Mộc
Bài. Các khu này không nằm trong vùng đất quy hoạch thị trấn Bến Cầu, nhưng sử
dụng lao động cư trú trong thị trấn. Ngoài ra, phía Đông Bắc thị trấn còn có Cụm
Công nghiệp Tiên Thuận thuộc xã Tiên Thuận rộng 50 ha. Cụm công nghiệp này nằm
sát thị trấn và cũng được cung cấp các dịch vụ, lao động từ thị trấn. Hệ thống
trung tâm thị trấn được tổ chức theo mô hình tập trung và đa cực phát triển theo
4 trục ra các phía. Tổ chức khu trung tâm chính tập trung quanh quảng trường
trung tâm- nút giao thông các trục chính đô thị với các công trình cấp huyện.
Khu trung tâm hành chính phát triển phía Nam quảng trường trung tâm, gồm các cơ
quan, ban, ngành cấp huyện (hiện đang xây dựng một phần và quy tập các ban,
ngành tập trung vào đây). Trung tâm dịch vụ tài chính, thông tin, gồm Bưu điện,
Kho bạc, Ngân hàng… nằm góc Đông Bắc quảng trường trung tâm. Trung tâm thương
mại dịch vụ được phân bố ở các điểm; trung tâm thị trấn gồm chợ hiện hữu và siêu
thị (trên đất của Trung tâm Y tế huyện); phía Nam đầu cầu Đìa Xù xây dựng khu
thương mại mới; điểm nằm phía Tây bên trục tỉnh lộ 786 đi cửa khẩu Long Thuận.
Trung tâm văn hoá- thể thao xây dựng ở khu vực ở phía Đông. Ngoài ra còn một cụm
ở phía Bắc trên cơ sở một số công trình có sẵn và dự kiến phát triển, gồm: nhà
văn hoá, nghĩa trang đài ghi công liệt sĩ. Trung tâm giáo dục, được tổ chức
thành hệ thống mạng lưới. Trường THPT Nguyễn Huệ hiện có nằm phía Đông và trường
THCS dân lập phía Bắc phục vụ cho toàn huyện. Trường mẫu giáo huyện nằm cạnh khu
trung tâm. Trung tâm Y tế huyện bố trí ở phía Tây thị trấn.
Khu đô thị thị trấn Bến Cầu được phân làm 4 khu
ở theo các trục chính của đô thị. Mỗi khu ở đều có trung tâm công cộng phục vụ
nội khu có bán kính phù hợp. Các khu ở đa phần được xây dựng từ hai phần: Phần
cũ cải tạo, chỉnh trang và phần phát triển xây mới. Các công trình công cộng và
công viên khu ở bố trí trên quỹ đất mới phát triển. Khu ở số 1, 2 nằm phía Đông
Nam và Đông Bắc quy hoạch phát triển nhà vườn, chuyển tiếp các khu nhà vườn của
xã Lợi Thuận. Khu ở số 3, 4 ở phía Tây quy hoạch phát triển nhà ở mật độ cao
dạng nhà phố và các khu nhà công nhân. Công viên văn hoá- thể thao ở phía Đông
và khu đài liệt sĩ liên kết với khu địa đạo và sinh thái Lợi Thuận. Công viên
giải trí tổ chức bên kênh Đìa Xù và kết nối với công viên Mộc Bài. Các trung tâm
du lịch, văn hoá liên kết thành hệ thống gắn với khu di tích lịch sử hành lang
cây xanh ra sông Vàm Cỏ Đông…
D.H