BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Cầu: Đối mặt với hạn hán, nông dân khao khát thuỷ lợi

Cập nhật ngày: 28/03/2010 - 05:48

Trạm bơm Bến Đình, dự kiến phục vụ nước tưới trong vụ hè thu 2010

Nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất ở nhiều nơi cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng. Trong đó gay gắt nhất là ở huyện Bến Cầu, huyện biên giới nằm về phía Tây sông Vàm Cỏ Đông,  nơi mà nước hồ Dầu Tiếng không chảy qua được, còn các công trình trạm bơm của huyện thì nhỏ hẹp, đa phần đang đầu tư xây dựng, hoặc còn nằm trên dự án.

* Những chiếc máy bơm hạ sâu trong lòng đất:

Do nắng hạn kéo dài, mạch nước ngầm trong lòng đất cạn kiệt, để có nước tưới cho cây trồng, chủ yếu là cây thuốc lá vàng, nông dân Bến Cầu có sáng kiến đào giếng sâu xuống lòng đất và hạ thấp mặt giếng vài mét để đưa máy bơm xuống cho gần mạch nước ngầm. Tuy nhiên nguồn nước vẫn không đủ tưới. Nhiều nông dân phải thức trắng đêm bơm nước, nhưng rồi nước cũng không đủ cung cấp cho cây thuốc lá vàng, nên vụ đông xuân này phần lớn người trồng thuốc lá vàng có năng suất thấp hơn vụ trước rất xa. Anh Nguyễn Văn Mỹ Phương, ở xã Tiên Thuận cho biết, để có nước tưới cho 0,5 ha thuốc lá vàng của mình, anh hạ thấp miệng giếng xuống lòng đất 3 mét để đặt chiếc máy bơm. Cứ vài ngày anh tưới một lần, mỗi lần tưới suốt 24 giờ, tốn trên 15 lít dầu. Ông Nguyễn Văn Xệp trồng 1,9 ha thuốc lá, đã đào hai giếng bơm và hạ máy bơm xuống lòng đất 2 mét. Mặc dù vậy nước tưới vẫn không đủ cho nhu cầu phát triển của cây thuốc, nên vụ này lá thuốc của ông Xệp rất mỏng, và hiện đang bị “chín háp” do thiếu nước. Ông Xệp cho biết thêm, không riêng gì ông mà ở khắp các cánh đồng thuốc lá xã Tiên Thuận, nông dân đều phải hạ máy bơm sâu trong lòng đất vài  mét, có người hạ đến 4-5 mét mới bơm nước được.

Theo số liệu của ngành chức năng, không riêng gì xã Tiên Thuận (có 40 ha) mà nhiều xã khác ở huyện Bến Cầu đều thiếu nước tưới cho cây thuốc lá. Như xã Long Thuận có 476 ha; Long Giang 350 ha; Long Phước 200 ha; Long Khánh 45 ha; thị trấn Bến Cầu 10 ha (tổng cộng 1.121 ha). Để có nước tưới nông dân phải hạ máy bơm xuống từ 2-5 mét và phải bơm tưới vào ban đêm, hoặc sáng sớm mới có nước tưới. Cũng may, là hiện nay vào gần cuối vụ thuốc lá, nên phần lớn diện tích thuốc lá bị khô hạn chỉ còn vài lá đọt, có nơi đã thu hoạch xong.

* Nông dân Bến Cầu mong những công trình thuỷ lợi sớm được xây dựng và đưa nước tưới đến đồng ruộng:

Để có nước tưới vụ đông xuân, nông dân Bến Cầu phải hạ máy bơm nước xuống dưới mặt đất vài mét

Cũng như bao nhiêu người trong độ tuổi lao động khác ở tỉnh Tây Ninh, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, người dân Bến Cầu hồ hởi khăn gói lên đường tham gia xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Nhưng do đặc điểm địa hình nằm hoàn toàn ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, trong khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng nằm rất xa về phía tả ngạn (phía đông Tây Ninh) không thể đưa nước sang Bến Cầu được. Do đó từ khi có “đại công trình thuỷ nông” này cho đến nay, nông dân Bến Cầu không hề được hưởng một giọt nước nào. Toàn huyện Bến Cầu có hơn 13.000 đất nông nghiệp, trong đó  gần phân nửa diện tích thuộc vùng cao luôn khát nước  vào mùa nắng. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành đã quan tâm xây dựng ở Bến Cầu một số trạm bơm. Tuy nhiên, đến nay các trạm bơm ở huyện Bến Cầu cung cấp nước tưới với diện tích rất thấp. Trạm bơm đầu tiên được xây dựng ở huyện  này là trạm bơm Long Khánh (xây dựng năm 1991), diện tích phục vụ theo thiết kế chỉ có 250 ha (vụ đông xuân 2009-2010 do phải sửa chữa nâng cấp, nên trạm bơm này ngưng hoạt động). Hơn 10 năm sau, đến năm 2002, cấp trên mới đầu tư xây dựng thêm trạm bơm Long Thuận ở Bến Cầu. Diện tích phục vụ theo thiết kế của trạm bơm Long Thuận có khá hơn, được 700 ha. Vào năm 2009, cấp trên tiếp tục đầu tư xây dựng ở  huyện Bến Cầu 2 trạm bơm là Bến Đình (xã Tiên Thuận) và Long Hưng (xã Long Thuận). Trạm bơm Bến Đình có diện tích phục vụ theo thiết kế 850 ha. Còn trạm bơm Long Hưng có diện tích phục vụ theo thiết kế 785 ha. Một cán bộ ngành chuyên môn Bến Cầu cho biết, hai công trình này hiện đang ở giai đoạn hoàn chỉnh và dự kiến đưa vào phục vụ nước tưới từ vụ hè thu 2010 này. Ngoài ra còn có dự án xây dựng trạm bơm Long Phước A, dự kiến xây dựng vào năm 2010, với diện tích phục vụ nước tưới theo thiết kế 650 ha đất sản xuất và 550 ha rừng.  Được biết theo danh mục dự án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2011- 2015, huyện Bến Cầu sẽ được xây dựng thêm 3 trạm bơm nữa, gồm: Trạm bơm Long Chữ, diện tích phục vụ thiết kế là 850 ha; Trạm bơm Long Phước B, diện tích phục vụ thiết kế là 500 ha và Trạm bơm Long Giang-Long Khánh, diện tích phục vụ thiết kế là 650 ha.

Như vậy, tính đến nay ở Bến Cầu có 4 trạm bơm đã và đang xây dựng, với tổng diện tích phục vụ theo thiết kế là 2.585 ha. Tuy nhiên một cán bộ chuyên môn ở phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cầu cho biết, thông thường các trạm bơm chỉ phục vụ nước tưới được khoảng 70% diện tích thiết kế. Thực tế trong vụ đông xuân 2009-2010 chỉ duy nhất trạm bơm Long Thuận hoạt động, với diện tích tưới khoảng 700 ha. Nếu như mọi sự đều suôn sẻ, đến năm 2015, thì toàn huyện Bến Cầu sẽ có được 8 trạm bơm, với tổng diện tích phục vụ thiết kế là 5.235 ha. Rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng sớm khởi công xây dựng các trạm bơm theo dự án, để bà con vùng biên giới sớm thoát khỏi cảnh khát nước như hiện nay và có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống.

D.H