Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cầu Phao là chiếc cầu gỗ tạp cũ kỹ bắc ngang đôi bờ rạch (ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, Bến Cầu), cầu do một số hộ dân địa phương hùn tiền làm từ hơn 10 năm trước. Họ cũng chính là người đứng ra thu phí qua cầu mỗi người 1.000đ/lượt.

(BTNO)- Cầu Phao là chiếc cầu gỗ tạp cũ kỹ bắc ngang đôi bờ rạch (ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, Bến Cầu). Ông Trần Anh Hải, một người dân làm ruộng gần cây cầu này cho biết, cầu được một số hộ dân địa phương hùn tiền, bỏ công làm từ hơn 10 năm trước.
Công bằng mà nói, cây cầu nhỏ hẹp này đã góp phần đáng kể vào việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các xã lân cận. Bởi trước đó, muốn qua lại con rạch này, người dân phải đi đò, vừa bất tiện, vừa mất thời gian. Tuy nhiên, khi đến đây, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh bức xúc của người dân xung quanh cây cầu này.
Người dân phải mất không ít tiền mỗi tháng chỉ để qua lại cầu Phao |
Vài năm trước, con đường từ xã Lợi Thuận sang xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (dài khoảng 5km) đã được nhựa hóa. Đây là con đường ngắn nhất “nối” khu vực thị trấn Bến Cầu với xã An Thạnh cũng như địa phận Gò Dầu. Việc con đường này được nâng cấp, trải nhựa đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhân dân địa phương lưu thông, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Tuy nhiên, hàng hóa, nông sản chỉ có thể lưu thông được từ bờ nam cầu Phao trở ra xã An Thạnh và từ bờ bắc cầu Phao trở vào xã Lợi Thuận. Nguyên do là cầu Phao chỉ có thể “gánh” được xe gắn máy, chở hàng hóa có trọng lượng thấp. Trước thực trạng “đường thông, cầu tắc” nên người dân mong mỏi Nhà nước bố trí vốn, xây dựng một cây cầu bê tông cốt thép thay thế cây cầu gỗ tạm thời.
Sau nhiều năm kiến nghị và chờ đợi, cuối năm 2011, tỉnh cũng bố trí vốn đầu tư thi công cầu Phao. “Nghe xã nói là đến giữa năm nay sẽ xây xong cầu. Vậy mà đã hết tháng 6 rồi, chỉ thấy thi công được mấy trụ bê tông dang dở rồi bỏ đó”, một người dân ở cạnh cầu Phao nói. Trong khi đó, người dân qua đây phải đóng phí 1.000 đồng/người/lượt (không tính phương tiện).
Có thể nói là số tiền “phí qua cầu” mỗi lượt qua đây không lớn. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng nhiều nên tổng số tiền mà người dân phải chi để qua cầu hàng tháng là không nhỏ. “Gia đình tôi có 5 người, mỗi ngày qua cầu này ít nhất là 1 lượt đi - về, xem như mất 10.000 đồng. Như vậy mỗi tháng mất đến 300.000 đồng”, một người dân ở ấp Thuận Chánh nói. Vài trăm ngàn đồng là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng sâu này, bởi thu nhập của họ chỉ từ nguồn sản xuất nông nghiệp vốn nhiều biến động.
Nơi xây dựng cầu mới ngổn ngang mấy trụ bê tông bỏ dở. Còn hình hài cây cầu thì chưa thấy đâu |
Tại cầu Phao, một phụ nữ đang “thu phí” qua cầu cho biết: “Có 9 người bỏ tiền hùn nhau làm cầu nên những người này chia nhau thu phí. Mỗi người thu 3 ngày, tiền thu được người thu giữ”. Theo chị này, bình quân mỗi ngày, những người thu phí kiếm được trên dưới 1 triệu đồng - một con số không nhỏ. Phóng viên hỏi “vốn đầu tư làm cầu hết bao nhiêu” thì chị này bảo “tốn cũng nhiều tiền nhưng không nhớ chính xác vì phải sửa nhiều lần”. Đáng nói là theo chị này, mỗi ngày có gần 100 lượt học sinh qua lại, đều phải “nộp phí qua cầu”.
Ông Nguyễn Văn Luông, Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận cho biết xã có thu thuế đối với những người thu phí qua cầu Phao mỗi năm 12 triệu đồng, nộp vào ngân sách xã. Đối với học sinh, xã có chủ trương phát vé qua cầu miễn phí. Nếu học sinh hoặc gia đình liên hệ với xã, có xác nhận là học sinh của nhà trường thì được cấp vé (thực tế như người thu phí nói thì nhiều học sinh vẫn phải nộp phí qua cầu?). Về việc thi công cầu mới chậm, ông Luông cho biết “mấy tháng nay có thấy họ làm gì đâu”, trong khi người dân sốt ruột chờ cầu mới.
Theo ông Đặng Hoàng Chương- Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Tây Ninh, cầu Phao mới (bê tông cốt thép) được tỉnh đầu tư xây dựng với tổng kinh phí dự toán là 7 tỷ đồng. Cầu mới có tải trọng 13 tấn, dài 57m. So với kế hoạch, tiến độ thi công trong thời gian qua “có hơi chậm”. Tuy nhiên, Ban đã yêu cầu nhà thầu khắc phục mọi khó khăn, phải thi công xong cầu trong tháng 10 năm nay.
HOÀNG THI