BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Cầu: Nguy cơ tai nạn từ những hầm khai thác đất phún ở xã Long Giang

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 11:37

Những cái hầm sâu hoắm mà không hề có rào chắn ở ấp Long Tân và ấp Cao Su của xã Long Giang

Từ thông tin phản ánh của bà con ở hai ấp Long Tân và Cao Su thuộc xã Long Giang, chúng tôi có mặt tại hiện trường 2 địa điểm khai thác đất phún. Trước mắt chúng tôi là những bãi khai thác đất rộng thênh thang, sâu không dưới 5 mét, vách dựng đứng. Những con đường dẫn vào các bãi khai thác thì hư hỏng trầm trọng, đoạn gồ ghề, đoạn lồi lõm gây khó khăn cho việc đi lại của bà con ở đây.

Đúng như những gì bà con phản ánh, ông Huỳnh Văn Quấn, 60 tuổi, ở tổ dân cư tự quản số 22 thuộc ấp Cao Su, xã Long Giang bức xúc nói: “Tôi có mẹ già ngoài 80 tuổi nhà gần con đường dẫn vào bãi khai thác đất. Hằng ngày, mẹ tôi hết sức khổ sở vì phải sống chung với bụi”. Anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Tân bức xúc không kém: “Các anh nghĩ thử xem, hằng ngày không biết là bao nhiêu lượt xe tải ra vào lấy đất, khiến cho con đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. mỗi lần xe qua bụi cuốn mù mịt như cơn lốc. Bà con chịu hết nổi, phản ứng rất gay gắt, phải báo cáo chính quyền địa phương thì mấy ông chủ thầu mới chịu giặm vá, tưới nước nhưng chỉ làm cho có”.

Nhìn những hầm đất sâu hoắm, chúng tôi không khỏi lo lắng, bởi vì xung quanh những hầm đất này hoàn toàn không hề có rào che chắn thật hết sức nguy hiểm, chỉ cần chút sơ suất trẻ em trượt chân té ngã rơi xuống những hầm đất như thế này thì hậu quả thật khó lường, đó là chưa kể đến trâu bò của bà con nông dân chẳng may rơi xuống thì chỉ có nước “đi lò mổ”.

Về vấn đề này ông Lê Văn Cửa, Chủ tịch UBND xã Long Giang cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của bà con, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường để xem xét, yêu cầu những đơn vị khai thác phải triệt để chấp hành những quy định trong lĩnh vực khai thác đất phún. Trước mắt cần khắc phục nhanh bằng cách giặm vá lại những đoạn đường hư hỏng, đồng thời phải thường xuyên tưới nước khi hoạt động để tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Nhìn chung sau khi làm việc những chủ thầu này đều chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề khó khăn đó là sau khi xã làm việc với chủ thầu này thì chẳng bao lâu họ lại sang tay qua thầu khác, gây khó khăn rất nhiều trong công tác quản lý của chính quyền địa phương”.

Theo chúng tôi được biết, người đứng tên đăng ký khai thác đất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép là người ở tại địa phương. Thế nhưng hiện nay đã “sang tay” qua không biết mấy ông chủ thầu, mạnh ai nấy khai thác, không thực hiện đầy đủ những quy định của chính quyền địa phương, gây bức xúc cho người dân. Chính từ việc khai thác “cẩu thả” không chấp hành những quy định về an toàn trong khai thác mà đã xảy ra những cái chết thương tâm cho trẻ em từ những hầm đất, mà vấn đề này Báo Tây Ninh đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Mong rằng chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền cần có biện pháp mạnh mẽ, hữu hiệu, buộc các chủ thầu khai thác đất phún phải thực hiện đúng những quy định về khai thác khoáng sản, nhất là phải có biện pháp ràng buộc đối với tình trạng “sang tay” quyền khai thác dẫn đến việc khai thác bừa bãi huỷ hoại địa mạo, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân cũng như gây nguy cơ tai nạn chết người ở những hầm đất sâu hoắm.

TRỌNG NGHĨA