Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bến Cầu: Những con đường quê sáng ánh đèn
Thứ sáu: 13:02 ngày 25/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Thắp sáng đường quê” không còn là mô hình mới, xa lạ gì với người dân. Hiện tại, Bến Cầu là huyện đầu tiên, thắp sáng các ngả đường từ trung tâm Thị trấn đến vùng biên giới xa xôi. Ðó là kết quả 3 năm thực hiện chủ trương của Huyện uỷ, UBND huyện với sự chung tay, đồng thuận cao từ phía người dân.

Công trình “Thắp sáng đường biên” tại Trạm kiểm soát Biên phòng xã Long Thuận, huyện Bến Cầu

Niềm vui của người dân khi đường sáng ánh đèn

Bến Cầu là huyện biên giới có 8 xã và 1 thị trấn. Những năm qua, do nguồn lực của huyện còn hạn chế nên các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về điện chưa được đầu tư đồng bộ. Trước thực trạng này, với mục đích đưa ánh sáng về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, UBND huyện đề xuất với Ban Thường vụ Huyện uỷ xây dựng chương trình “Thắp sáng đường quê” trên toàn huyện. Việc này đã được Ban Thường vụ đồng tình và cho chủ trương vào tháng 11.2016, trước mắt, thực hiện khoảng 100km. Trong đó, các xã là 10km và thị trấn là 20km. 

Xã Long Khánh là một trong những xã đầu tiên được huyện thực hiện thí điểm công trình thắp sáng đường quê.

Tại ấp Long Thịnh, trước nhà của anh Ðặng Thành Ðơn, ánh sáng từ chiếc đèn tiết kiệm điện do bà con góp tiền gắn “chiếu” rõ từng người qua lại. Anh Ðơn cho biết, đèn đường này được lắp đặt khoảng 3 năm nay. “Lúc đó, chính quyền xã vận động bà con đóng góp để gắn đèn thắp sáng, mỗi nhà góp khoảng 250 ngàn đồng để mua dây điện, bóng đèn, trụ đèn rồi thuê người thi công. Tính ra, có đèn đường vầy, an ninh trật tự ổn hơn trước”- anh Ðơn bày tỏ.

Ông Ngô Văn Thật, ở cạnh nhà anh Thành Ðơn cũng nói thêm, khi nghe xã vận động gắn đèn thắp sáng đường đi, bà con trong ấp ai cũng đồng tình ủng hộ. Bản thân ông, nay đã 80 tuổi mới thấy được cảnh “biên giới về đêm sáng như ban ngày” . Ông Thật vui mừng nói: “Ðóng có mấy trăm ngàn mà có đèn sáng vầy, mừng lắm. Ðây là vùng nông thôn mà, bà con hay đi tối về sớm nên có đường điện cũng đỡ lắm”. 

Ông Nguyễn Trí Nhớ, Chủ tịch UBND xã cho biết, ban đầu huyện giao xã thực hiện vài km, sau đó tăng lên tuyến đường dài 10km. Ðến nay, trên địa bàn xã đã có 33 tuyến đường sáng đèn với tổng chiều dài 21km, 799 bóng đèn. “Ðây là chủ trương được nhân dân quan tâm, đặc biệt khi các địa phương đang thực hiện chương trình nông thôn mới, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Việc lắp đặt đèn đã giúp cho bộ mặt nông thôn khác đi so với trước rất nhiều. Ðể tiết kiệm điện, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các tổ phụ trách đèn đường, giao cho người dân bật và tắt đèn đúng giờ, vận động người dân cùng với chính quyền địa phương tự quản cho tốt”- Chủ tịch UBND xã Long Khánh cho biết thêm.

Người dân ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận dưới ánh điện do chính họ bỏ tiền lắp đèn.

Dân gắn đèn, chính quyền chi tiền điện

Ông Phạm Văn Hoà- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu chia sẻ, do nguồn lực của huyện hạn chế, đời sống của người dân cũng còn eo hẹp nên giai đoạn đầu triển khai còn gặp khó khăn, người dân chưa thật sự đồng thuận. Qua công tác tuyên truyền, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” người dân dần nhận thức được những lợi ích của chủ trương này.

“Ðặc biệt, khi một số tuyến đường có đèn, thắp sáng đường đi, người dân các nơi khác thấy hiệu quả, nên cũng đề nghị địa phương cho khu vực họ được triển khai thực hiện. Lúc này, tất cả đều đồng thuận, sẵn sàng hỗ trợ địa phương phát quang cây cối cũng như đóng góp tiền gắn đèn thắp sáng”- ông Hoà cho biết. 

Ở những khu đông dân cư, chi phí về cơ sở vật chất như bóng đèn, dây điện, trụ cột, nhân công… do người dân cùng chung sức đóng góp, tự chủ, tự công khai với nhau. Với những tuyến đường liên xã, liên ấp, người dân thưa thớt, huyện thực hiện theo hình thức xã hội hoá, các xã chủ động vận động doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ kinh phí để lắp đèn. Huyện sẽ chi tiền điện thắp sáng mỗi tháng. Trung bình, một năm huyện Bến Cầu chi trên 1 tỷ đồng tiền điện.

Với cách làm này, địa phương đã nhanh chóng tạo được sự tin tưởng và đồng thuận cao trong người dân. Theo khảo sát ban đầu, có 270 tuyến có nhu cầu gắn đèn thắp sáng. Ðến nay, đã lắp được 242 tuyến, với tổng chiều dài là 169km, 4.569 bóng đèn (đạt 93%). Nhiều địa phương, đến nay đã có 100% các tuyến đường gắn đèn thắp sáng.

Toàn xã Lợi Thuận có 29 tuyến đường được gắn đèn chiếu sáng với tổng chiều dài trên 15km. Chi phí lắp đặt là 265 triệu đồng. Ông Trần Thiện Trang- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để quản lý hiệu quả những tuyến đường này, xã đã phân ra từng khu vực, từng tuyến khác nhau. Những tuyến đường lớn sẽ giao cho đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… phụ trách trông coi; những tuyến đường nhỏ hơn sẽ giao cho tổ tự quản phụ trách. 

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Tao- Tổ trưởng tổ tự quản số 5, ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận khi ông đang đi kiểm tra một bóng đèn hư hỏng. Ông Tao kể, lúc đầu, bà con quyết định việc quản lý đường điện giao cho trưởng ấp. Khi có hư hỏng, gọi trưởng ấp đến kiểm tra, khắc phục. Nhưng sau đó, bà con thống nhất, bóng đèn nằm trong khu vực những nhà nào, khi hư hỏng, những nhà trong khu vực đó tự đóng góp để mua bóng đèn thay mà không phải chờ đợi trưởng ấp.

“Từ khi có đèn chiếu sáng, con em đi học, đi chơi về buổi tối an tâm hơn. Rồi ban đêm ban hôm cũng hạn chế được tình trạng trộm cướp, mình có thể kiểm tra, dòm ngó được. Tiền điện hằng tháng đã được huyện, xã đóng, chúng tôi chỉ việc duy trì đèn sáng để giữ an ninh trật tự thôi”- ông Tao nói về hiệu quả của đường điện.

Phấn đấu 100% các tuyến đường đều có điện thắp sáng

Ðánh giá về hiệu quả, ông Phạm Văn Hoà- Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, việc thắp sáng đường quê bước đầu thể hiện rõ hiệu quả về mặt chính trị cũng như phát triển kinh tế xã hội; giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; góp phần ổn định an ninh chính trị trên biên giới, bảo vệ an ninh quốc gia- nhất là tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Ðường đi lại thuận lợi cũng góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế tại các xã vùng biên.

Ðể những tuyến đường thắp sáng này tiếp tục phát huy hiệu quả, địa phương phối hợp với ngành điện lực bảo trì, kiểm tra hệ thống đường dây điện. Ông Phạm Hoàng Khương- Giám đốc Ðiện lực huyện Bến Cầu nói thêm, ngành điện Bến Cầu cũng đã đóng góp 52 triệu đồng để thực hiện 5 tuyến đường thắp sáng đường quê.

Ðặc biệt, suốt 3 năm triển khai thực hiện mô hình, ngành đã hỗ trợ các xã, thị trấn, tư vấn về kỹ thuật, thi công lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn điện. “Thời gian tới, ngành Ðiện sẽ thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND cấp xã xử lý kịp thời những sự cố về điện, sửa chữa đường dây để các công trình vận hành hiệu quả, thắp sáng suốt cho bà con”- ông Khương nói.

Hiện, huyện Bến Cầu còn 28 tuyến đường cần thắp sáng với chiều dài khoảng 21km, 500 bóng đèn. “Theo khảo sát ban đầu, chi phí cho 270 tuyến đường khoảng 2,7 tỷ đồng. Ðến nay, bà con đã đóng góp được 2,4 tỷ đồng. Số đường còn lại khái toán khoảng 300 triệu đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo cho các xã tiếp tục triển khai thực hiện, và phấn đấu trong thời gian tới, 100% các tuyến đường trên toàn huyện đều có điện thắp sáng”- ông Phạm Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh. 

Ngọc Diêu

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục