Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Củi- Miền cửa ngõ phía Đông 

Cập nhật ngày: 16/11/2022 - 06:03

BTN - Bến Củi- nay đã thành tên xã, theo sách Truyền thống cách mạng xã (2017) thì mới có từ thời Pháp thuộc. Ấy là khi “thực dân Pháp cai trị và lập đồn điền ở vùng đất này, người dân lập ra nhiều bến cặp sông Sài Gòn để dùng ghe thuyền chở củi buôn bán các nơi, và tên Bến Củi được dân gian gọi từ đó…

Sông Sài Gòn qua Bến Củi (bên kia là hồ Dầu Tiếng, Bình Dương)

Bến Củi đâu chỉ có làng 2, làng 3 (nay là ấp 2, ấp 3) của người dân “công tra” thời “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu” như trong thơ Tố Hữu. Sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi (1945-1975), in năm 2017 của Đảng bộ huyện Dương Minh Châu cho biết: “Trước ngày quê hương hoàn toàn giải phóng đến năm 1984, Bến Củi được chia thành 3 làng: làng 1 là nơi cư ngụ của dân địa phương, làng 2, làng 3 là địa bàn sinh sống của dân công tra. Năm 1984, xã tiếp nhận thêm một bộ phận dân cư từ xã Lộc Ninh (bàn giao dân để thực hiện xây dựng công trình thuỷ lợi hồ nước Dầu Tiếng) đến lập nghiệp và lập thêm ấp 4…”.

Lịch sử hành chính xã Bến Củi khá là “dích dắc”. Sách đã dẫn chỉ xác định đơn vị hành chính Bến Củi có từ thời Pháp thuộc. Đấy là: “vùng đất Bến Củi thuộc làng Đôn Thuận, tổng Hàm Ninh thượng, quận Thái Bình, tỉnh Tây Ninh…”.

Đôn Thuận là một làng xưa, có từ những ngày đầu lập phủ Tây Ninh dưới thời triều Nguyễn. Tại mục từ Hàm Ninh thượng, sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), thì tổng có 11 thôn gồm: Đôn Thuận, Hiệp Ninh, Lộc Ninh, Phước Hội, Ninh Điền, Long Vĩnh… Năm 1930 thuộc quận Thái Bình (lúc đầu thuộc huyện Tân Ninh).

Ngày 21.10.1940 chia làng Đôn Thuận thành 2 làng, làng ở phía Nam vẫn giữ tên Đôn Thuận, làng ở phía Bắc lấy tên là Thuận Lợi kể từ ngày 1.1.1941… Như vậy, kể từ năm 1941, Bến Củi thuộc về xã mới lập là Thuận Lợi. Dù mới được lập do chia tách từ Đôn Thuận nhưng Thuận Lợi còn rất rộng, bao trùm cả các xã Bến Củi, Lộc Ninh, Truông Mít ngày nay. Đến năm 1957, để dễ bề cai trị, chính quyền Sài Gòn lại: “Lập ấp Bến Củi thuộc xã Đôn Thuận, quận Trảng Bàng…

Đến năm 1960, lại thuộc xã Thuận Lợi. Đến năm 1961, lại điều chỉnh thuộc xã Đôn Thuận… năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức gom dân vào ấp chiến lược hình thành xã Bến Củi và sáp nhập vào quận Tri Tâm, tỉnh Bình Dương. Đến năm 1969, chế độ Sài Gòn lại nhập xã Bến Củi về tỉnh Tây Ninh, thuộc quận Khiêm Hanh…” (Sđd, trang 7).

Chính cái lịch sử “dích dắc” này cho thấy Bến Củi cũng là vùng đất xưa có từ thời phong kiến “cựu trào” triều Nguyễn. Mà cái xóm dân cư lâu đời nhất là ấp 1. Ấp ở ven sông Sài Gòn, bên phía Đông con đường 789 nối Bùng Binh- Trảng Bàng tới huyện Dầu Tiến, tỉnh Bình Dương. Dấu tích xa xưa của ấp 1 nay chỉ còn ngôi miếu Ông Tà trên gò bàu đá. Ông chủ phần đất gò cho biết là gia đình mình, cũng như dân xóm đã sống ở đây từ 4 đến 5 đời.

Ông cố nội của ông là người đã xây nên ngôi miếu, gọi là miếu Ông Tà theo tín ngưỡng truyền thống của người bản địa. Hơn 10 năm trước đây, gò bàu còn hoang vu, chỉ có đá ong và um tùm cây cối. Ngày nay, gò đã “quang quẻ” hơn xưa nhưng vẫn còn sum suê quắc thước cây cổ thụ vấn vít dây rừng.

Chẳng hiểu làm sao mà ngay giữa miền thềm sông khá bằng phẳng, lại nổi lên một cái gò như một đống đá ong xếp chồng như tự trời cao đổ xuống. Xưa ở dưới chân gò có cái bàu nước trong vắt bởi toàn đá ong, chằng chịt bụi tre, cây chồi; thì nay người dân đã cải tạo lại thành rừng cao su ngun ngút nối dài bên sông Sài Gòn chạy ra tới gần cầu sang Dầu Tiếng.

Chính ở ấp 1 này là nơi có những bến sông nổi tiếng như Bến Trâu hay Bến Củi. Bến Trâu là nơi người nuôi trâu cho trâu tắm, nghe kể cả bầy trâu hàng trăm con lội nước ào ào.

Còn Bến Củi- nay đã thành tên xã, theo sách Truyền thống cách mạng xã (2017) thì mới có từ thời Pháp thuộc. Ấy là khi “thực dân Pháp cai trị và lập đồn điền ở vùng đất này, người dân lập ra nhiều bến cặp sông Sài Gòn để dùng ghe thuyền chở củi buôn bán các nơi, và tên Bến Củi được dân gian gọi từ đó…” (Sđd, trang 6).

Tôi theo chân một anh công nhân cao su ấp 1 tìm ra cái Bến Củi ngày xưa. Con đường xuống bến nay phải luồn qua tre trúc. Mặt sông Sài Gòn thoáng đãng hiện ra sóng nhỏ lăn tăn, lục bình trôi lác đác. Bến xưa lõm vào đất ấp 1 như một cái vịnh. Dầu Tiếng bên kia và Bến Củi bên này đều giăng hàng cao vợi những cao su. Bên bờ cỏ mướt xanh thia lia ra mép nước, chỉ có một chiếc xuồng con nằm đợi chủ. Tôi lại ước mong nho nhỏ, rằng nơi đây có tấm biển bia bằng đá núi Bà, như nhiều địa phương của huyện Dương Minh Châu thường có. Bia chỉ cần ghi 4 chữ “Đây là Bến Củi”.

Là bởi cái tên Bến Củi đã vang danh trong lịch sử đấu tranh giữ nước của đất Tây Ninh. Tôi thấy trong sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi có cả những tấm ảnh do cựu chiến binh Mỹ cung cấp về cuộc chiến tranh diễn ra tại Bến Củi. Là những xe bọc thép Mỹ bò đi giữa những lô cao su trong các cuộc càn quét năm nào; là cảnh máy bay trực thăng hạ xuống trảng trống để chở lính bị thương hoặc quân bại trận tháo chạy. Không biết ảnh chụp trong cuộc càn quét nào: Attleboro, Cedar Fall hay Junction City trong mùa khô 1966-1967? Hầu như tất cả các cuộc hành quân càn quét của Mỹ trên đất Tây Ninh đều liên quan đến địa bàn Bến Củi. Bởi đây chính là miền cửa ngõ phía Đông của miền đất Tây Ninh trung dũng, kiên cường.

Phần kết luận của sách truyền thống viết: “Bến Củi chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, là vùng đệm quan trọng giữa căn cứ địa cách mạng của Trung ương Cục và căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh; là hành lang tiếp giáp giữa căn cứ Bắc Tây Ninh với vùng Tam giác sắt (Bến Cát - Củ Chi - Trảng Bàng) đồng thời đây còn là hành lang vận chuyển vũ khí, tiền vàng, lương thực thực phẩm về Trung ương Cục và cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định…”. Viết thế coi như đã đầy đủ, nhưng đọc xong vẫn thấy thiếu cái gì đó. Đây còn là phần phía cực Nam của xã Định Thành, một trong 5 xã của huyện căn cứ Dương Minh Châu bất tử, từng nổi danh suốt 2 thời kháng chiến. Trước mặt và tiếp liền Bến Củi là Mật khu Bời Lời. Qua nữa xuống phía Nam là Củ Chi đất thép thành đồng. Vì thế quân dân Bến Củi đã có hàng trăm trận đánh giặc giữ quê hương. Và không thể không nhắc đến cuộc hành quân Hòn Đá Vàng của quân đội Mỹ với mục tiêu đánh chiếm vùng Bến Củi. Đấy là tháng 12.1967, 2.000 quân Mỹ, 500 tên nguỵ bị loại khỏi vòng chiến đấu; 184 xe tăng và cơ giới bị phá huỷ; 60 máy bay bị bắn rơi. Bến Củi vẫn vững vàng, tiếp tục giữ vai trò là hành lang tiếp nối giữa chiến khu Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh và chiến trường Sài Gòn - Gia Định.

Vậy mà vẫn còn một cửa ngõ nữa- là cửa ngõ đi sang miền cực Đông của miền Đông gian lao mà anh dũng. Từ Bến Củi chỉ qua cây cầu bắc qua sông Sài Gòn là thấy ngay cổng chào của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương sừng sững đón chào. Dưới cầu là dòng sông Sài Gòn thênh thang nước chảy lúc nào cũng thấy thuyền ghe tấp nập. Thời đại nhộn nhịp kinh tế thị trường, ai mà không thấy Bến Củi lại là vùng “đắc địa” với các tuyến giao thông đối ngoại. Con đường bê tông 4 làn xe xuyên qua Bến Củi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chuyển mình nơi vùng quê.

TRẦN VŨ